Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

CỤ LÝ ƠI!...ƠI CỤ LÝ...! ( phần 2)



(Tiếp theo kỳ trước)
Nhà tối om. Hắn quát: “Sao tối như đêm năm mươi thế này”. Vợ hắn lập cập chạy ra thắp nến. Xong rồi thị lại biến mất. Hắn ngồi phệt xuống nền nhà, giơ cái chân đau lên ngang mặt, với tay lên bàn lấy tý thuốc lào rịt vào chỗ đau. Rồi vẫn cái tư thế ấy, hắn gọi:
-Thằng cò đâu! Đi lấy cho tao đôi dép.
Vợ hắn lại hiện ra y như có phép tàng hình:
- Nó đang nằm khóc ở trong nhà…
- Sao mà phải khóc? Tao đã chết đâu mà phải khóc!
Miệng thì quát vậy nhưng trong lòng hắn lại thấy rưng rưng. Đúng là thằng con vừa giỏi giang vừa có hiếu. Mình chỉ bị sơ sơ vậy mà nó đã…
- Không phải- Vợ hắn thẽ thọt- Nó khóc vì thi bị điểm kém.
Hắn nhổm người, quên cái chân đang bị đau:
- Sao lại điểm kém? Loại đàn bà ngu không biết cái gì chỉ nói bừa. Điểm kém là kém thế nào?
Vợ hắn chống chế một cách yếu ớt:
- Thì tôi biết đâu đấy. Đi mà hỏi nó.
Nói rồi vợ hắn lại biến mất. Hắn hạ cái chân đau xuống, tay bấu vào cạnh bàn kéo người ngồi lên ghế. Khi cái mông đã yên vị thì cái chân đau cũng được kéo lên và cái mồm bắt đầu dõng dạc:
- Thằng cò! Ra đây tao hỏi!
Im lặng. Hắn phải ngồi đợi đến vài phút. Chưa thấy quý tử ra trình diện. Thánh chỉ được nhắc lại lần nữa. Vẫn không có hiệu lực. Hắn điên lắm rồi. Mày cậy mày giỏi mày dám kháng chỉ à. Phải cho thằng này một trận. Quên hẳn cái chân còn đau, hắn tìm công cụ để trừng phạt tội khi quân. Tìm khắp trong nhà, ngoài sân không có cái gì khả dĩ có thể làm được việc ấy, hắn hùng hục ra dãy chuồng bò. Trong nhập nhoạng, loạng quạng chân đau, hắn bước phải cái vũng nước ngay cửa chuồng. Nước bắn tung toé. Mùi khai nồng nặc. Bỏ mẹ rồi. Dẫm phải nước đái bò! Giời ơi! Cái ngón chân sao mà buốt thế, xót thế! Cơn tức nhân lên. Giật cái roi mây trên mái chuồng thường ngày vẫn dùng đuổi bò, chân khập khiễng, mặt đằng đằng sát khí, hắn quay vào nhà. Tay nhăm nhăm cái roi, hắn gầm lên vẫn cái mệnh lệnh ấy. Lần này thì mệnh lệnh mới có hiệu lực. Trong buồng có tiếng thì thào. Lát sau, thấy nhô ra một cái đầu bù xù cùng với khuôn mặt loang lổ bóng tối, hai mắt sưng húp chắc là do khóc nhiều. Quý tử của hắn nem nép ra trình diện. Phải hỏi cho đến đầu đến đũa. Không thể lơ mơ được! Dạy con là phải thế! Hắn ngồi xuống ghế. Roi mây để trên bàn- sau khi đã gạt ấm chén sang một bên.
- Mày đứng đấy! Báo cáo công khai điểm thi?
Thằng bé cúi mặt không trả lời. Hắn nhắc:
- Toán?
- Mười ạ!
- Được!- Hắn phán bằng một giọng vừa tự hào vừa kẻ cả- Lý?
- Chín ạ.
- Sao lại chín? Nhưng cũng tạm được- Cái giọng hắn chùng xuống một tý-Vậy còn Hoá? Hoá được mấy?
- Hoá cũng được chín.
- Chỉ có vậy thôi à! Tao tạm chấp nhận. Có thể còn sai sót tí chút- Hắn lúc lắc cái đầu ra vẻ am hiểu và thông cảm- Lần sau phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Thế còn Văn?
- ……..

Chát! Hắn vung cái roi mây quật xuống mặt bàn. Mặt bàn rung lên bần bật. Cốc chén va vào nhau canh cách.
Cậu quý tử vẫn đứng im, mặt cúi gằm. Nhìn thấy cái dáng như vậy của con, hắn thấy nó hèn hèn. Cơn giận lại trào lên, hắn thẳng cánh với người vụt vào mông thằng bé:
- Tao hỏi, mày dám không trả lời hả? Không có quân trị quân nhậm gì nữa hả? Mày có nói không? Văn được mấy? Nói!
Thằng bé co dúm người lại, hai tay xoa mông. Cái đòn trừng phạt bất ngờ làm cho nó không kịp đỡ. Đành phải nói thôi. Không chừng cái roi…
-Văn được… có… có ba.
Hắn tưởng nghe nhầm. Hỏi lại. Nhưng khi đã được khẳng định là tai hắn vẫn còn đủ độ thính cần thiết thì hắn uất lắm. Bọn đệ tử vừa mới khen xong, hắn cũng vừa vênh mặt tự hào với chúng nó xong. Nhục quá! Thế nào ngày mai bọn nó cũng ra vẻ an ủi mình. An ủi đấy nhưng hắn chắc bọn nó đang sướng thầm: vậy ra quý tử của đại ca cũng chẳng hơn gì. Con em trong ngành ta đều thế cả! Dưng mà thằng con hắn có bao giờ bị điểm kém môn văn? Rồi hắn hỏi một câu vô lý mà nếu có bắt hắn trả lời thì hắn cũng chịu: “Tại sao lại chỉ có ba?” Để chữa cái vô lý ấy, hắn hỏi tiếp: “Tại mày không học hay tại thầy giáo chưa dạy?”
- Không phải tại con không học, cũng không phải thầy giáo chưa dạy.
- ? ? ?
- Tại đáp án! Ra đề một đằng, đáp án một đằng!
Hắn hiểu lơ mơ hình như đáp án là cái câu trả lời cho cái đề bài để người ta dựa vào đấy mà chấm bài. Nhưng làm gì có chuyện ấy được. Theo như ông hiệu trưởng nói hôm họp Ban Đại diện phụ huynh thì Phòng Giáo dục ra đề thi cuối năm học…
- Trên Phòng toàn là người đầu óc thông minh sáng láng, đã tốt nghiệp Đại học, trên cả Đại học, học hành tốn kém cơ man cơm gạo… Chả nhẽ người ta lại dốt tới mức cái đề thi của thằng trẻ con mà lại trả lời sai? Láo! Thằng này láo. Học đã không ra gì lại còn bao biện đổ vấy lung tung. Mất dạy này! Mất dạy này! Mất dạy này!...
Mỗi câu “Mất dạy này!” là một lần cái roi vụt xuống. Thằng bé oằn người, cuống quýt lấy tay đỡ. Nhưng nó không khóc....

Còn nữa- kỳ sau đăng tiếp

(Ảnh mạng- không liên quan đến bài viết)

... Đọc thêm!

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

CỤ LÝ ƠI...! ƠI CỤ LÝ!... (truyện đăng nhiều kỳ)


Truyện này mình viết về nghề dạy học. Nó hơi khô. Thôi thì mời các bạn xem tạm...

Mất điện. Bữa nhậu góp cũng đến lúc phải tàn. Mọi người giải tán. Hắn ngật ngưỡng về nhà, vừa đi theo kiểu vặn thừng vừa huýt sáo. Lòng lâng lâng. Vui, vui sao quá sá là vui…Bữa rượu tối nay thế mà vui. Đứa góp rượu, đứa góp nhắm. Hắn góp một cái đầu bò. Chỉ mất cái đầu bò mà lại được đàn em nức nở khen đại ca hào phóng. Ở cái xã này chỉ có đại ca là búa bổ. Này nhá: về nghề nghiệp thì huynh đệ ta đều trong ngành kinh doanh giết mổ. Nhưng đại ca có cơ cấu làm ăn lớn. Đúng. Đúng là lớn vì đại ca kinh doanh giải phẫu đại gia súc (ấy là nói việc hắn chuyên giết mổ trâu bò). Còn bọn chúng em chỉ loanh quanh giải phẫu mấy con ỉn còi với lợn sề thải, vốn liếng lãi lờ chỉ bằng phần mười của đại ca. Về hạnh kiểm thì đại ca là người trượng nghĩa, bọn đệ gặp khó khăn là đại ca vung dao bầu sẵn sàng bảo vệ, cứ như Lục Xuân Tiên… Ngu lại còn hay nói sách! Lục Vân Tiên chứ. À vâng… đúng rồi. Lục Vân Tiên. Còn về đường thê tử thì lại càng nhất. Này nhá: đại tỷ chân dài eo dây như người mẫu chứ chả như bọn nái sề nhà chúng em béo nứt béo trương. Mẫu cái con khỉ! Chỉ được cái nước khéo nịnh, đàn bà nhà tao gầy teo gầy tóp trông như con cá khô. Thằng nào thích, tao cho không. Ấy chết! Đại ca lại khiêm tốn, bọn đệ đâu dám. Để đệ nói tiếp: Quý tử của đại ca lại học giỏi nhất trường, cứ mỗi lần họp phụ huynh nghe các thầy hết lời ngợi ca thằng bé là bọn đệ cũng thơm lây. Cháu là Tấm gương sáng, niềm tự hào của con em trong ngành. Đại ca lại còn là hội trưởng phụ huynh của lớp. Đúng là nhất đấy! Búa bổ đấy!
Hắn nghe mà nở từng khúc ruột. Mặt giãn ra, hai cánh mũi phập phồng. Đúng thật. Búa bổ thật. Thằng con hắn mới học có lớp tám trường làng nhưng bao giờ cũng đứng đầu toàn khối. Đi thi huyện còn đạt giải. Được ông Trưởng phòng tặng giấy khen. Cái giấy đó được hắn lồng khung kính treo trên cùng trong đám giấy khen đỏ rực chiếm đến vài mét vuông của bức tường gian giữa. Để mà tự hào, để mà nở mũi nở mặt. Ai đến nhà hắn cũng khoe. Mà khoe cũng phải. Con hắn thông minh tức là cái gien nhà hắn thông minh. Giống nhà hắn thông minh. Khoái thật…
Dưng mà… say quá rồi. Phải về nhà làm một giấc để 3 giờ sáng còn giết bò. Dưng mà… mất điện, nóng thế này thì ngủ thế chó nào được. Cái ngành điện đến là chối tỷ. Cắt điện nhiều là để doạ, là để chuẩn bị tăng giá đây. Lại lý do chi phí đầu vào tăng. Ông đếch sợ! Anh tăng giá điện, tôi tăng giá thịt bò! Cũng lý do chi phí đầu vào tăng. Ông chẳng thiệt. Hay thật! Chẳng có thằng nào chịu thiệt cả… Dưng mà… thằng con phải thắp nến ngồi học. Rồi thì mắt lòi ra. Rồi thì muỗi nó đả cho đến đỏ đít, sưng chân chứ chả chơi. Rõ khốn nạn! Rốt cuộc mình vẫn thiệt. Thiệt đến đời con. Cứ cái kiểu này đến cả đời cháu…

Nhìn cái bóng mình xuyệch xoạc trên đường, hắn chợt nhận ra: trăng sáng quá. Mà hình như trăng đầu tháng. Hắn ngẩng nhìn trời. Đúng thật. Trăng chưa đầy nhưng trời trong lắm. Và hắn chợt nhớ ra hình như con hắn đã thi cuối năm, sắp nghỉ hè… Việc đếch gì phải học nữa. Thôi, yên tâm. Trăng sáng thế này thì cứ thong thả mà về. Tội gì mà phải vội! Vừa đi vừa ngắm trăng cho nó sướng. Vậy là hắn ngửa mặt nhìn trăng, chân bước xiêu vẹo, miệng ngâm nga vui sao quá sá là vui…
Huỵch, hắn ngã chúi về phía trước, hai tay loạng quạng chống xuống đường. Còn may chán. Đầu, mình, tay không hề gì. Chỉ thấy ngón chân đau nhói. Thôi chết! Bị thương chảy máu rồi. Tại say quá, quên cả dép ở chỗ uống rượu. May mà cũng sắp đến nhà. Hắn vừa xuýt xoa vừa co cái chân bị thương nhảy lò cò về nhà. Không khéo long móng thì bỏ mẹ. Còn làm ăn gì được.

(Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp.)
lưu ý: Ảnh mạng- không liên quan đến bài viết
... Đọc thêm!

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

VĂN TẾ GA- ĐA-FI

Thấy Mai Thanh Hải và Đinh Vũ Hoàng Nguyên "Đi viếng Ga đa phi"... Mình nhà nghèo không có tiền đành phải gửi bài "văn tế Ga đa phi" để gọi là có tí chút viêng viếng... Mượn hơi văn của cụ Đồ Chiểu, làm hơi vội.


Hỡi ơi! Li bi súng rền; lòng dân trời tỏ.

Kẻ độc tài: Bốn hai năm thỏa sức tung hoành, làm gì còn danh nổi như phao;
Một lần chui nhủi chốn cống ngầm, chết trần truồng tiếng vang như mõ.

Nhớ linh xưa:
Mắt trắng râu dê;
Mặt mày nhăn nhó.

Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung;
Chẳng biết ruộng trâu, ở trong làng bộ. Lêu lổng suốt ngày, ăn mày ăn nhặt... bản tính biếng lười, tay chẳng muốn làm;
Cũng Xã hội chủ nghĩa dựng cờ, kết bạn lưu manh, chẳng biết khiên đao, thoắt một cái như diều gặp gió.

Chỉ một ngày tự phong thành Đại tá, bám chức quyền theo kiểu dây dưa;
Mùi độc tài vấy vá bốn hai năm, ghét dân chủ như nhà nông ghét cỏ.

Bữa thấy châu Âu phát triển, lòng ghét ghen muốn tới ăn gan;
Ngày xem nước Mỹ nể vì, tưởng mình oai muốn ra cắn cổ.

Trăm tấn vàng ra tay bòn vét, để dân đen ai oán lầm than;
Con một đàn một lũ đăng quan, cậy chức quyền ra tay khủng bố.

Nào có ai thù ai oán, mà tự dưng giết người lành đang cưỡi boing ;
Chẳng thèm nghe ngóng ngược xuôi, lại cứ cho mình thành bậc bố.
Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh;
Chẳng qua là một kẻ lưu manh mà lại dám ra oai hùng hổ.

Vậy nên:
Bị đè nén, lương dân bất bình đứng lên đòi nhân quyền. Tổng thống cầm đầu ra oai dẹp bỏ.
Không chịu cảnh bịt miệng bịt mồm, trí thức đòi dân chủ- Đứa tay sai độc tài thẳng tay bắt bớ.

Dân trong nhà: Giun xéo lắm cũng quằn
Nước lân bang: Bạn với kẻ du côn càng thêm xấu hổ!


Thế giới bất bình
Chúng dân bùng nổ:
Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn;
Chín chục trận binh thư, đâu chờ bày bố.

Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi khi có đại bác xe tăng;
Trên đầu dù chỉ một chiếc khăn, chi nài sắm tàu bay tên lửa.

Chỉ trong vòng hơn tháng tấn công đã hoàn toàn làm chủ Tơ-ri-pô-li;
Sáu mươi ngày dũng mãnh truy tìm quyết lòng bắt kẻ độc tài trả nợ.

Thế rồi:

Cống ngầm- nơi xả nước phân của dân chúng trong vùng;
Lại là chốn nương thân, tổng thống nằm im sợ không dám thở.

Ăn phát đạn vào đầu mà mang nhục, chỉ một giây mà hồn vía thoát thây;
Trăm năm âm phủ ấy chữ quy, xác tênh hênh chẳng biết ngày nào nhập mộ.

Đoái trông từ An giê, lũ vợ con ngất ngư mấy dặm sầu giăng;
Nhìn trên in tơ nẹc, đám nữ vệ binh cận kề ngày xưa hàng hàng luỵ rỏ.

Cũng như án cướp, án gian, đây là án cho kẻ độc tài tham nhũng vô luân;
Vốn là kẻ chẳng chút lương tâm, tàn ác huyênh hoang, cho nên chết trần truồng cũng là đáng số.

Sống làm chi! Bám đuôi kẻ “Lạ”, bán đất quê hương, quên Tiên Tổ, bắt nạt dân lành, cái loại ấy càng sống càng hèn;
Sống làm chi!Tham ở ngôi cao, phè phỡn rượu Mao Đài, gái gú bất nhân, giảng đạo đức, nghe càng thêm hổ.

Hãy xem những người đặng câu địch khái, dẫu bị ép chèn mà vẫn quang vinh;
Hơn khối kẻ bán nước buôn dân, cam chịu kiếp man di, để dân chúng triệu người phỉ nhổ


Ôi thôi thôi!
Kẻ đã từng ca ngợi Ga đa phi, mồm bây giờ mau đóng lại, kiếp ăn theo từ nay nên gửi lại bóng trăng tà;
Ai đã từng hữu nghị một thời, tay bắt mặt mừng, sao chẳng chút chia buồn cho phận bạc trôi theo dòng bùn đỏ.

Ôi!
Sống mà để người lương thiện ghét căm thì sống để làm gì.
Chết mà triệu triệu người mừng reo thì kẻ ấy nhục hơn kiếp chó.
Một trận khói tan;
Khối đứa nghìn năm chắc vẫn còn xấu hổ!
Ô hô hô....!


.... Đọc thêm!

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

LUẬT TÀU HAY LUẬT TA?






(NGUỒN Quê choa- Nguyễn Quang Lập)

... Đọc thêm!

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

CÂM VÀ CUỘI (Kỳ cuối)

(Tiếp theo và hết)

Có núi, có cây đa. Sao không thấy chú Cuội?
Từ tầng ba nhà ông Chủ tịch có một cái đầu thò ra. Tiếp theo là một cánh tay thò ra như vẫy vẫy hòn núi và cây đa. Dưới này Quắc thầm nghĩ: Khôn thế! Thì ra chú Cuội đã đợi sẵn trên tầng ba nhà ông Chủ tịch. Khi cây bay ngang tầm, Cuội ta sẽ leo lên. Quắc nín thở căng mắt chờ xem chú Cuội trèo gốc cây đa như thế nào. Hắn dựa vào bức tường, cố thu mình kẻo chú Cuội trông thấy…
Nhưng tại sao lại cứ roạch toạch toạch…Quắc nhìn sang: Từ cái bảng trên nóc cổng trường Trung học, một sợi dây cáp to tổ bố vắt qua đường trên lưng chừng giời níu ngọn hai cây cột sắt cao ngễu nghện đang chụm đầu choãi chân như hai cái càng vó bè, chúi ngọn sát ngay trước nhà ông Chủ tịch. Sợi cáp thẳng căng giữ cho hai cái cột đứng nghiêng nhưng vững vàng chịu sức nặng của vật thể bay. Roạch toạch toạch… Roạch toạch toạch… cứ mỗi cái roạch toạch toạch thì hòn núi cây đa lại bay lên một tí. Rồi thì hòn núi cùng với cây đa cũng lên đến tầng ba. Lại thấy lố nhố mấy bóng người kéo ngang nó vào phía sân tiền sảnh tầng ba, nơi có giàn bê tông ngang dọc phía trên. Hòn núi cùng cây đa vừa vào yên vị trong một cái bể, dây cáp trên nóc cột vừa được nới lỏng thì nghe tiếng “ình”...
Giật nảy mình. Đoạn tường Quắc đang dựa rung lên... Ngoái sang: cái cổng trường đã đổ vật xuống…
Hoảng quá. Quắc co cẳng chạy. Quên cả đói. Quên cả buồn ngủ! Quên cả thèm!
*
* *
Cái cổng của anh Quang Trung đã xây lại. Vẫn bề thế hơn anh Nguyễn Huệ. Tay cán bộ thông tin đã về. Bộ đôi câm biết nói trở lại hoạt động như xưa. Một lần cùng với tay cán bộ thông tin đi qua trường Trung học, Quắc câm chỉ tay lên trên tầng ba nhà ông Chủ tịch Thị xã, miệng ú ớ: “Cội…Cội…Hây hấm...”rồi lại hềnh hệch cười chỉ tay sang cổng trường. Hắn nói gì nhỉ? Tay thông tin nhìn theo tay chỉ của Quắc, rồi sử dụng hết công suất khả năng dịch tiếng Quắc sang tiếng ta, lờ mờ suy đoán… Chả nhẽ ông Chủ tịch Thị xã mà lại có chuyện ấy ngay tại nhà mình? Nếu vậy ta lại đến Kính thưa... Không thể được! Cái sự hây hấm của lãnh đạo nó khác. Nhưng là cái gì? Mà sao thằng dở người kia lại bảo Cội, Cội...? Thằng này thích chuyện cổ tích. Cội là cái gì nhỉ? Cội...Cuội... Nó bảo ai là Cuội? Mà Cuội với cái cổng trường bị đổ thì có liên quan gì với nhau? Hay là...
Thế rồi sự đoán mò được khẳng định một phần hôm tay thông tin nghe thấy ông Chủ tịch Thị xã mắng ông em kĩ sư xây dựng khi ông này một lần nữa lại định thanh minh về tính hoàn hảo kỹ thuật của cái cổng:
- Sao cậu bảo thủ thế! Chỉ biết tính đến lực ở trên nén xuống. Tưởng vậy là vững. Sao không tính tới khi cái bảng ở trên bị kéo lên, nghiêng đi... thì cả những trụ dưới cũng đổ theo. Làm kĩ sư xây dựng lâu năm thế mà vẫn còn ngu!...



... Đọc thêm!

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

CÂM VÀ CUỘI (Kỳ 4)

(Tiếp theo Kì trước)
Cái đêm hôm thứ bảy đáng nhớ ấy, Quắc câm đã đi nằm. Từ nửa tháng trước, tay thông tin đi vào miền Nam cưới cháu. Bộ đôi câm biết nói chỉ còn một nửa, mà nửa còn lại là cái nửa câm. Thành thử Quắc bơ vơ. Khốn nạn thế, rõ trông thấy hây hấm mà không làm gì được. Thế mới hay rằng: biết đã là khó, nhưng nói ra cái điều mình biết càng khó hơn. Vậy là không kiếm được gì, thành ra đói. Đói quá khó ngủ. Lều chợ thì trống hoang trống hoác. Trời lại rét. Gió may đập phành phạch trên mái lều. Co quắp hết cỡ với cái chăn chiên mỏng mà vẫn rét nên hắn càng không ngủ được. Thò cổ nhìn ra ngoài: trăng sáng nhờ nhờ. Thành ra thấy thèm chén rượu, thèm có cái chăn ấm. Giá có một người nữa ngủ chung... Tự dưng Quắc câm ta nhớ lại những cảnh hành lạc Lam-ba-đa mà hắn được chứng kiến. Sao mà người ta sướng thế không biết. Đã có rồi mà người ta vẫn thấy còn thiếu, còn phải… Còn Quắc, hắn chẳng có gì. Dẫu câm thì Quắc vẫn là con người. Một người đàn ông hẳn hoi. Đủ bộ phận... ấy thế mà lại thiếu. Đã thiếu thì ắt sinh ra thèm. Vừa thèm cái sự hây hấm vừa thèm ăn! Trăng sáng thế kia thì phải đi. Nghiện cái vai trò thám tử rồi. Không đi thì không chịu được. Chí ít thì cũng có cái để mà hềnh hệch cười một mình. Để mà giải toả. Hắn vùng dậy, cuộn cái chăn nhét lên mái lều.Vậy là đi…
Quắc vật vờ xiêu vẹo đi trong cái đêm trăng lạnh. Hắn xuôi ra bãi biển. Về đêm, bãi vắng tanh. Càng lạnh. Hắn lại ngược về khu phố. Đèn đường tắt từ lúc nào. Có lẽ đã khuya lắm. Mọi ngày đối với Quắc thì khuya hay sớm chả quan trọng. Nhưng hôm nay thì khác. Hắn vừa đi vừa mong cho chóng sáng. Mong cho tay cán bộ thông tin chóng về… Hai tay khoanh trước ngực, mắt ngủ gà gật, hắn đi theo hình chữ chi trên mặt đường nhựa, vậy mà chẳng đụng chạm vào ai bởi đường phố cũng vắng tanh vắng ngắt. Đưa đẩy thế nào mà Quắc lại rẽ sang khu phố có trường Trung học. Ừ phải rồi! Đến cái cổng trường ấy có khi lại kiếm được mấy mẩu thuốc lá cũng nên. Bọn học sinh khi đến đấy thường hay vứt những điếu thuốc đang hút dở vào chân bờ tường gần cổng vì bị cấm hút thuốc lá trong trường. Lạnh thế này mà được hơi thuốc thì còn gì bằng. Thế là hắn xăm xăm đi đến đó.
Đến gần cái cổng thì Quắc bỗng khựng lại. Roạch toạch toạch…Roạch toạch toạch…Cái gì thế nhỉ. Hắn hơi hoảng. Nhưng cái tiếng roạch toạch toạch ấy vẫn đều đều không có vẻ gì là đe doạ. Định thần hắn nhìn quanh: Không thấy có người. Hắn nhìn lên… Ối giời ôi! Giá mà nói được như mọi người thì hắn đã kêu to lên như vậy. Nhưng hắn lại là thằng câm nên chỉ ú ớ không thành tiếng.
Một cái hòn núi biết bay! Thật! Một hòn núi to lù lù đang bay lơ lửng trên lưng chừng giời sát ngay trước nhà ông Chủ tịch Thị xã, trên núi lại có cả một cái cây cổ thụ... Hình như cây đa. Chả nhẽ… Trong cái đầu mụ mị nửa tỉnh nửa mê của Quắc tự dưng lởn vởn chuyện chú Cuội ngồi gốc cây đa. Hắn nhìn lên mặt trăng. Mặt trăng lúc này bị một đám mây mỏng che khuất nên chỉ thấy một quầng sáng lạnh. Vậy thì đúng rồi. Cây đa trên mặt trăng đang bay xuống đất…

Không phải! Hòn núi với cây đa đang bay lên. Hãi quá. Nhỡ mình bị kéo lên mặt trăng theo cây đa như chú Cuội thì sao? Quắc dợm chân định chuồn. Nghĩ đến cái lều chợ trống hoác thì hắn dừng lại. Chả sợ! Lên mặt trăng hắn sẽ đánh bạn với chú Cuội như đánh bạn với ông cán bộ thông tin. Liệu trên mặt trăng có cái hây hấm không nhỉ? Nếu không có thì lại đói. Nếu cứ phải lên thì sao? Chợt nhớ mọi người vẫn bảo hắn là người âm phủ. Mà ai người ta cho người âm phủ lên giời! Vậy là yên tâm.
Có núi, có cây đa. Sao không thấy chú Cuội?

(Còn nữa- Kỳ sau đăng tiếp)

... Đọc thêm!

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

CÂM VÀ CUỘI (kì 3)

(Tiếp theo)


Vậy mà có người biết rõ nguyên nhân cái cổng trường bị đổ!
Người đó là Quắc câm. Năm nay hắn cũng đến ba chục tuổi nhưng người bé loắt choắt như đứa trẻ mười hai. Có lẽ cái tên kèm phụ danh ấy là do ngày còn bé hắn không nói được. Cũng chẳng phải chữa chạy gì mà đến khoảng năm mười hai tuổi thì tự dưng người ta thấy hắn biết nói. Nhưng hắn không nói bằng tiếng ta mà bằng một thứ ngôn ngữ gần giống tiếng ta. Thành ra hắn nói thì chỉ mình hắn nghe. Và cũng chỉ có một người dịch được cái thứ tiếng ấy. Người đó là anh cán bộ thông tin thị xã. Nếu như không có anh ta thì Quắc vẫn là người câm. Vậy ra cái sự câm của một người là do người ấy nói bằng một thứ ngôn ngữ mà mọi người không hiểu. Do được coi là người câm và lại hơi ngố nên hắn là người thừa của xã hội trong việc học hành, việc ăn việc ở: hắn chẳng có nhà cửa, chẳng đi học, chẳng ai quan tâm rằng hắn sống hay chết. Bố mẹ hắn đã chết cả. Mảnh đất ngày xưa của bố mẹ hắn được người ta giao cho người khác để xây nhà nghỉ từ khi thị trấn lên thành thị xã. Vì vậy hắn phải tự tồn tại một cách vất vưởng. Đêm hắn ngủ ở lều chợ, ngày thì xem nhà ai có việc gì thì đến làm, nếu không có việc thì hắn lang thang ở các cơ quan xung quanh. Được cái hắn chả bao giờ lấy trộm của ai cái gì, lành tính và thích chơi với trẻ con. Hắn rất khoái nghe chuyện cổ tích. Những thằng Bờm, chú Cuội trong các câu chuyện của bọn trẻ con, hắn nghe chăm chú và hình như hắn tưởng thật. Chả biết có phải vậy không, nhưng người ta thấy hắn hềnh hệch cười vô tư lắm. Mọi người cũng vô tư khi thấy hắn. Hắn giết gà rất giỏi và bốc mả, nhập liệm người chết rất cừ. Điều đặc biệt hơn là nhớ rất kỹ ngày chết của những người trong xóm. Thành thử hắn là người không thể thiếu trong các đám cưới: vài ba chục con gà, hắn trổ tài chỉ một loáng là xong. Những đám ma thì lại càng cần hắn hơn bởi vì chả mấy ai dám làm cái việc bó gói người chết… Hắn vừa làm vừa ú ớ nói với người chết theo một thứ ngôn ngữ riêng của hắn. Còn cái việc bốc mả thì hắn độc quyền, vì ở cái thị xã này duy nhất có mình hắn dám thò tay nhặt từng cái xương người... Và hơn nữa, thấy hắn đến ngõ thì người ta nhớ ra: ngày mai nhà mình có một cái giỗ. Còn giỗ ai thì đợi hắn vào nhà. Hắn sẽ bảo mọi người bằng cách chấm tay vào chén nước, viết xuống bàn tên người mất. Mà cũng lạ, không biết hắn biết chữ từ khi nào, học vào lúc nào và ai là người dạy chữ cho hắn? Người ta gọi hắn là người âm phủ. Người âm phủ thì chỉ ma nó mới lấy. Con gái trần gian sợ hắn. Cho nên hắn không có vợ...
Một buổi sáng, người âm phủ đến nhà anh thông tin. Anh này đang ngồi ngáp vì buồn chán bởi thủng túi, mà lại đang cơn thèm rượu. Quắc hềnh hệch cười ngay từ đầu ngõ. Chàng thông tin định đuổi về. Nhưng Quắc câm ú ớ: “Hây hấm… trô hấm…” Tay thông tin lơ đãng: “Cái gì mà hay lắm, to lắm… Về đi! Chỉ dớ dẩn.” Quắc không chịu về và lại tiếp tục cái thứ ngôn ngữ quái dị: “Cổi quầng… trô hấm… trấng hấm…” “Sao mày khốn nạn thế, nhìn trộm đàn bà thay quần lại còn về khoe to lắm, trắng lắm. Xéo ngay! Tao lại cho cái tát bây giờ.” Quắc luống cuống, hắn chấm ngón tay trỏ vào chén nước viết lên mặt bàn hai cái tên và lại bảo: “Cổi quầng… trô hấm…hây hấm” rồi hắn làm cái động tác vừa ưỡn cái bộ phận dưới vừa cong mông lắc lắc như người ta nhảy Lăm-ba- đa, nhịp nhàng cong ưỡn... Tay thông tin sáng mắt: “Đi! Có rượu rồi”.

Chiều hôm ấy, hai tay: một câm, một cán bộ thông tin say nghiêng ngả mà túi vẫn còn nặng. Chả là khi nghe Quắc thông báo, tay thông tin biết ngay sự việc. Hắn đến cả hai đương sự đã cùng nhau thoát y nhảy Lăm- ba- đa tại chỗ ở cơ quan, gặp riêng từng người, ỡm ờ đưa ra cái thông tin và có cả nhân chứng xác nhận bằng cách gật đầu. Cả hai ngớ ra. Lúc họ hành lạc thì có biết Quắc trông thấy nhưng cả hai đều nghĩ: Sợ gì thằng câm! Cứ để nó nhìn cho sướng. Câm thì nói được với ai. Nhưng ai ngờ lại có người hiểu được tiếng của thằng câm. Để đảm bảo an toàn cho cái ghế và mái ấm gia đình, giữ trọn tiết hạnh, nên cả hai (Dĩ nhiên là từng người) đều có thù lao hậu hĩnh cho sự im lặng của bộ đôi câm biết nói.
Tự nhiên bộ đôi này lại có thêm nguồn thu nhập. Vì tay thông tin là người biết giữ lời hứa. Những sự việc tương tự không đến nỗi hiếm. Quắc vẫn ra vào các cơ quan trong giờ nghỉ như thường.. Những khổ chủ bị các hắn tống tiền thì chẳng ai dại gì mà lại nói ra, nên người khác không biết vẫn cứ tưởng Quắc câm. Mà cái sự không biết ấy đồng nghĩa với sự không cảnh giác. Vậy là tay thông tin cứ việc kính thưa các ông đã bị bắt và chuẩn bị kính thưa các ông sắp bị bắt về cái sự hây hấm…


Còn nữa- Kỳ sau đăng tiếp

... Đọc thêm!

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

CÂM VÀ CUỘI (kỳ 2)

(Tiếp theo kỳ trước)

Khi mở cửa, nhìn thấy cái cảnh tan hoang, ông Chủ tịch Thị xã không nói gì mà lẳng lặng vào nhà. Mọi người thấy thế cho rằng ông đang bực lắm. Phen này thì khối anh chết. Mà quả là ông đang bực thật. Ông vừa nhận Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục. Đang gắn vào cái hộp kính treo trên tường sắp hàng cùng với các Huy chương Vì sự nghiệp Văn hoá quần chúng, Huy chương vì Sự nghiệp Khuyến học, Huy chương vì sự nghiệp...có dễ đến gần chục cái Vì sự nghiệp các loại thì bà vợ yêu quý của ông ỏn ẻn: “Toàn là Vì sự nghiệp… ấy mà cấm có thấy đứa nào vì lãnh đạo, chả mấy khi thò mặt đến”. Ấy là bà có ý trách những cái anh chỉ biết lấy lời khen hay thay phong bì. Mấy chú bên kinh tế, đậm đà lắm, tình nghĩa lắm, mà lại kín đáo chứ chả phô trương. Đúng là đàn bà chỉ biết một mà không biết hai: Tiền ông giữ, xây dựng cơ sở vật chất ông nắm, công tác cán bộ ông điều hành trực tiếp; mấy cái anh giáo dục còn gặm được cái gì ngoài việc lo chuyên môn. Có đâu mà phong bì với phong bao. Nó chỉ có cái huy chương là để tri ân đối với ông về sự hết lòng vì nền giáo dục của quê hương. Hương án giữ mặt tiền. Có người lo phía sau phải có người giữ phía trước. Vậy mà bà vợ không biết cho. Thế mới bực!
Đã là lãnh đạo thì phải quan tâm đến tất cả các ngành. Các ngành thì lại muốn được lòng lãnh đạo để được ưu ái hơn nên các loại huy chương vì sự nghiệp... cứ như sao trên giời sa xuống đậu vào ngực ông. Bao giờ người ta cũng nói: “Chỉ có anh là xứng đáng nhất, bởi vì không có anh thì làm sao có phong trào...” Ông biết là họ nịnh. Nhưng ông cũng thấy tự hào. Thầy giáo của ông trên ba mươi năm dạy học cũng chỉ được nhận Huy chương với ông cùng ngày. Mà ông thầy ấy còn phải mấy lần làm hồ sơ xét duyệt lên, xét duyệt xuống mới được. Còn hồ sơ Vì Sự nghiệp của ông thì đã có cánh cán bộ Phòng Giáo dục thị xã làm tất. Họ lại còn phải năn nỉ ông thì ông mới chịu kí vào bản thành tích công lao của chính mình. Bởi vì ông rất khiêm tốn. Mà mấy tay ấy nó sáng tác thành tích cho ông đến là khéo. Nào là ông chỉ đạo phổ cập cấp hai đạt chuẩn sớm nhất trong tỉnh, nào là ông nghiêm túc chỉ đạo cuộc vận động hai không mà chỉ số chất lượng vẫn cao hơn trước khi chưa có hai không. Ở đâu thì không biết chứ còn ở thị xã này dứt khoát là không có chuyện học sinh ngồi nhầm lớp!
Thực ra cái sự chỉ đạo của ông là sự quyền biến từ có thành không và ngược lại. Ông hùng hồn tuyên bố Phổ cập là công việc trọng tâm quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ của các nhà trường. Bằng mọi giá phải phổ cập! Hiệu trưởng nào không làm được phổ cập cấp hai thì sẽ bị cách chức! Thế là Hiệu trưởng các trường hoảng tam tinh: Phấn đấu mãi, thậm chí phải chạy chọt mới có cái ghế xoàng xoàng. Chả nhẽ lại để mất vì cái sự không phổ cập. Học sinh bỏ học nhiều, chả có thể cản được. Nhưng vẫn phải phổ cập. Cái khó ló cái khôn. Người ta đã phát minh ra sáng kiến vĩ đại: biến cái số học sinh bỏ học thành số học sinh chuyển trường. Đất nước rộng bao la, cứ bảo chuyển trường đi Tây nguyên, đi miền Nam, đi Quảng ninh, đi… Có giời cũng chẳng kiểm tra được. Vậy là thị xã lập nên kì tích: Từ ngày thành lập đến nay không có học sinh nào bỏ học. Sự phổ cập trở nên chắc chắn. Còn cái việc học sinh ngồi nhầm lớp, ông giải quyết cực kì ngoạn mục. Ông bảo văn phòng thảo công văn chỉ thị cho các nhà trường phải rà soát lại xem có hiện tượng này không. Tay văn phòng làm ngay tắp lự đưa ông duyệt. Lúc đó ông bảo phải thêm vào câu: “Nếu trường nào có học sinh ngồi nhầm lớp thì hiệu trưởng và giáo viên phải chịu trách nhiệm, chịu kỉ luật”. Chẳng ai muốn bị kỉ luật! Và kết quả giáo dục thị xã tuyệt đối lành mạnh. Được đà ông giao kế hoạch cao hơn năm trước. Một số tay hiệu trưởng có ý kiến thì ông bảo: “Các anh báo cáo không có hiện tượng ngồi nhầm lớp. Đúng không nào? Thế thì chỉ tiêu chất lượng không có lí gì lại thấp được. Chẳng ai phú quý giật lùi, bế con dốc đầu trở xuống.” Cái lí trên đời vẫn phải thế. Vậy thì hai không chứ bốn không hay đến mười không cũng thế thôi. Thành tích giáo dục của thị xã vẫn ngời ngời, ông lại vừa lĩnh huy chương… Vậy mà cổng của cái anh Quang Trung lại bị đổ.
Cái sự bực dọc với vợ còn có nguyên nhân khác. Tay em vợ ông làm thiết kế cái cổng, còn thi công do chính em rể vợ ông đứng ra cai thầu. Ở cái thị xã này thì tất cả các công trình đều do ông bật đèn xanh nên các em vợ ông bao thầu trọn gói. Ông cũng yêu cầu phải dân chủ minh bạch trong cái việc này lắm. Các em ông bao giờ cũng thắng thầu. Đó là cái lẽ dĩ nhiên. Các doanh nghiệp khác biết thân phận đành bán sới đi nơi khác làm ăn. Đối với cái công trình này, ông đã bảo: “Thôi! Cái này không bõ bèn gì! Cho thằng khác nó làm. Để được cái tiếng khách quan” Nhưng bà vợ khóc lóc nói rằng ông không biết thương người nhà mình. Hay là ông lại bị con nào xỏ mũi dắt dây... Thế là ông đành... Đã ưu ái như thế mà lũ em vợ ông còn làm ăn như c...! Vua nghe vợ mất nước! Không khéo lại mang tiếng.

Giữa lúc ấy thì ông em vợ đến, mặt tái nhợt ấp úng:
- Thưa anh…
Ông lộn tiết:
- Thưa cái con khỉ. Làm thằng kỹ sư xây dựng mà ngu. Bây giờ nó đổ rồi, trắng mắt ra chưa?
Cán bộ trong thị xã này bị ông Chủ tịch chửi là ngu là chuyện bình thường. Tay kĩ sư định thanh minh nhưng ông bảo ngay:
- Về thiết kế lại! Rồi bảo tay Quang Trung lập dự án sang tôi kí. Khẩn trương làm lại ngay!
Tay kĩ sư em vợ sướng quá. Không ngờ mọi việc lại giải quyết đơn giản đến thế. Không điều tra nguyên nhân, không xác định trách nhiệm, không kỉ luật ai! Nhưng mình cũng đã thiết kế còn trên cả những tiêu chuẩn kĩ thuật theo những điều mình đã học. Công trình lại do chú em rể làm. Nếu nó có ăn bớt đến bốn mươi phần trăm thì cũng vẫn còn đủ tiêu chuẩn kĩ thuật. Thế mà cái cổng vẫn đổ. Tại sao nhỉ?

Còn nữa-kỳ sau đăng tiếp
... Đọc thêm!

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

TẠI RƯỢU MÌNH NGON!

Ngày Chủ nhật- Hát một bài cho đỡ buồn: Bài "Tại Rượu mình ngon", mình sáng tác năm 1997 phổ thơ ông bạn rượu Nguyễn Danh Khôi.
Cây nhà lá vườn, của nhà làm ra. Giọng thuốc lào...Tự hát và tự... dựng video clip. Mời mọi người nghe tạm!
Tại rượu mình ngon
Cho ta dại dột.
Ngày mai ngày mốt
Có còn say không?
Bống bống bồng bồng
Ai ru tôi ngủ...
Bao giờ rượu đủ
Cho vơi lặng thầm?

Đọc thêm!

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

CÂM VÀ CUỘI (truyện ngắn đăng nhiều kỳ)

Dạo này bận nên không viết kịp Blog- Thôi thì để nhà đỡ trống, mình đăng mấy cái truyện ngắn để mọi người đọc cho...đỡ buồn. Nói là truyện ngắn nhưng cũng phải đăng đến dăm lượt mới hết. Bạn bè thông cảm...
Cái cổng trường Trung học Phổ thông Quang Trung của Thị xã bị đổ vào đêm ngày thứ Bảy.
Một thị trấn vắng vẻ ven biển bỗng trở thành thị xã vì nó được coi là nơi phát triển công nghiệp và du lịch. (Công nghiệp ở đây là nghề làm muối, còn du lịch là do có bãi tắm). Nằm ở trung tâm của thị xã mới được thành lập ấy, trường Trung học Quang Trung như là một niềm kiêu hãnh của mọi người. Bởi nó là trường học có cấp cao nhất ở đây. Niềm kiêu hãnh này lại càng được củng cố bởi cái tên Quang Trung, cho dù ngay bên cạnh (không phải là thị xã) cũng đã có trường mang tên Nguyễn Huệ. “Anh Quang Trung to hơn, có chất lượng cao hơn anh Nguyễn Huệ”- Đấy là lời các lãnh đạo thị xã mỗi khi nói về ngôi trường yêu quý của mình.
Và để xứng tầm anh Quang Trung to hơn anh Nguyễn Huệ người ta xây cổng trường cũng to hơn. Trông nó bề thế và uy nghi lắm. Nó đối diện với nhà riêng ba tầng của Chủ tịch thị xã nên phải to, phải cao là lẽ dĩ nhiên.

Cái cổng trường được trang trí rất cầu kì với 4 trụ cổng vuông ốp gạch men màu mận chín. Bốn cái trụ đội một tấm bảng lớn bằng bê tông có dòng chữ Trường Quang Trung. Trên nóc bảng, ở chính giữa người ta thiết kế một con hải âu giang cánh đậu trên quả địa cầu, một bên là quyển sách mở với ngọn đuốc đang rực cháy, bên kia là mẫu nguyên tử hạt nhân biểu tượng khoa học. Do tài năng khiêm tốn của cánh thợ thi công nên quả địa cầu không được tròn lắm. Con chim hải âu có cái bụng quá đầy đặn trông giống một con vịt đang xoè cánh... con hải âu lai vịt ấy như vừa chui ra từ trong quả trứng- địa cầu. Còn bó đuốc thì giống một cái chổi rơm màu đỏ dựng ngược. Cổng được tô màu xanh đỏ sặc sỡ nên bà con thị xã đi làm muối về qua thường khen nức nở. Vì thế cả người thiết kế, người thi công và cả lãnh đạo đều hài lòng với công trình kiến trúc ấy.
Ấy vậy mà bây giờ cái cổng lại sụp xuống. Nó đổ vào ban đêm. Trời mùa đông, mọi nhà đóng cửa kín. Trong giấc ngủ nồng nàn, người ta chỉ mơ màng nghe thấy “ình”, sau đó thì yên ắng, nên cũng chẳng ai trở dạy. Đến sáng ra, mở cửa nhà, tự nhiên thấy một khoảng trống: cái cổng đã đổ rồi. Cái bảng tên trường vỡ tan gần một nửa, chỉ còn hai chữ Trường Quan... các chữ khác bay đâu mất, giơ ra những thanh sắt quăn queo. Mấy cái cột cổng nằm chình ình, thân vặn như bị xoắn, cái nọ chồng ngang lên cái kia trông như khẩu thần công ngếch nòng vuông hướng về nhà Chủ tịch Thị xã. Con hải âu bay mất mỏ, cụt ngủn đôi cánh, chỉ còn cái đầu tròn tròn ngóc lên khỏi đống bê tông vụn. Quả địa cầu thì văng ra xa cách đống đổ nát đến gần hai mét. Tan hoang như cảnh bên I-rắc bị quân Mĩ đánh bom chiếu trong ti vi.
Thông tin cái cổng trường bị đổ lan nhanh như điện toàn thị xã. Mấy nhà bình luận đầu trọc, túi thủng vì dạo này trời rét, nhà nghỉ vắng khách, suốt ngày ngồi xổm trên ghế các quán trà ngoài bãi tắm được dịp bàn tán về cái sự kiện có một không hai này. Y như bên Mỹ người ta bàn luận về cái sự cố ngày mười một tháng chín năm nào. Một ông đeo kính râm bảo tại thi công ăn bớt vật liệu nên mới thế. Tức thì một ông khác cãi lại ngay: nếu thi công bớt vật liệu thì tại sao nó không đổ ngay sau khi làm. Chắc là bị động đất. Có khả năng động đất thật! Bởi hồi đêm người ta thấy giường hơi rung một tí, sau đó là tiếng “ình”. Đấy là những người nhà gần thấy thế chứ còn những người ở xa vài trăm mét chả thấy gì cả. Nếu động đất thì phải đổ nhiều nhà khác chứ sao lại chỉ đổ mỗi cái cổng trường. Vả lại có ai nghe thấy đài báo nói gì về động đất đâu. Lạ nhỉ. Thế thì tại sao?
Sau khi viện mọi lí lẽ để tìm nguyên nhân nhưng không có nguyên nhân nào xác đáng, người ta tập trung vào cái hướng nghe có lí nhất là do mấy ông giáo trong trường không chịu cúng bái, động thổ hạ móng công trình gặp phải đúng ngày địa tặc. “Các ông trí thức hay khinh nhờn cái việc cúng bái nên mới thế”. Nhưng lại có người bảo: “Ông nói vậy là đếch biết gì. Ông hiệu trưởng nhà trường "sòng" lắm. Hôm động thổ xây cổng trường mời thầy cúng tưng bừng cả ngày trời. Hôm ấy học sinh nghỉ học cả, tôi thấy chiêng trống ầm ầm, tưởng nhà trường tập văn nghệ nên ghé vào xem, thấy có ông thầy cúng đang làm lễ. Giấy tiền vàng mã đốt một đống tướng, lửa đùng đùng như cháy nhà! Có cả hình nhân bằng rơm nữa.” Nhiều người xác nhận: Trước khi hội giảng, trước khi thi tốt nghiệp... nhà trường đều mời thầy cúng. Có thờ có thiêng. Làm gì có chuyện khinh nhờn... Lời qua tiếng lại, ai cũng giữ ý kiến phỏng đoán của mình, chẳng ai chịu ai. Thế là cãi nhau. Rồi mọi người cũng chợt thấy cái vô lí của mình khi nghe cô chủ quán lên tiếng: “Rõ vớ vẩn! Nó đổ kệ nó, các ông có đổ đếch đâu mà rỗi hơi cãi nhau. Về mà trông hàng cho vợ con!”. Tự dưng mấy ông nhớ tới nhiệm vụ của mình. Hôm nay là chủ nhật. Thôi thì phải về nom hàng, xem may ra có kéo được vị khách nào dửng mỡ trái mùa muốn tìm của lạ. Dạo này rét mướt, người ra bãi ít quá. Cứ ngồi đây thì thất thực... Vậy là giải tán. Nhưng những cái đầu thì vẫn nghĩ: Tại sao cái cổng của anh Quang Trung bị đổ?

Còn nữa- kỳ sau đăng tiếp
Ảnh mạng- không liên quan đến nội dung.
... Đọc thêm!

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

VÌ SAO ÔNG GIÓNG VỀ GIỜI (Kỳ cuối)


(Tiếp theo và hết)
Đoàn quân thắng trận quay về đến chân núi Sóc, đã thấy vua quan hớn hở mở hội mừng công. Cả đám đang hỉ hả tâng bốc nhau tài giỏi.
Vẫn ngồi trên mình ngựa, Muộn cởi áo sắt, bỏ mũ sắt, ném phịch xuống đất. Cánh đàn ông làng Gióng cũng lặng lẽ đứng phía sau. Vua thấy vậy lật đật chạy lại, cao giọng bề trên:
- Khá khen cho người giai làng Gióng! Vào đây tao cho chén rượu, rồi về triều để tao cho cái chức Lạc tướng đứng đầu các quan.
Muộn lắc đầu:
- Tao chả cần.
Vua bảo:
- Về với tao được ăn sung mặc sướng. Rượu ngon gái đẹp. Đủ cả…
Muộn vẫn lắc đầu.
- Tao chả cần.
Vua chép miệng:
- Sao mà ngố thế! Bao nhiêu là công thế mà chẳng màng làm quan. Lại về vui thú ruộng vườn…
Muộn nói:
- Tao đánh giặc đâu phải vì vua! Tao đánh giặc vì nước, vì dân, vì mẹ tao. Tao không cần thưởng!
Vua lại bảo:
- Thì mày về làm quan cho tao để có nhiều vàng bạc mà nuôi mẹ già. Rồi cùng tao canh giữ cho mọi người trên mặt đất (!)
Muộn xẵng giọng:
- Đất của mình mà chẳng giữ được thì coi được gì cho ai. Giặc nó lấn nhà, mất nước đến nơi, bọn bay không lo chống trả, lại đi nịnh ngược lại nó…
Vua còn cố vớt vát:
- Thì tao cũng đã…đã làm ngựa sắt, gậy sắt…
Muộn chỉ thẳng vào mặt vua:
- Giỏi nhỉ! Rèn ngựa thì bớt sắt, đúc gậy sắt thì rỗng ruột, dồn cát vào cho đủ nặng… để ngựa sắt các ngươi làm ra chỉ đập nhẹ một phát đã tan tành, gậy sắt thì tao khua vài đường đã gẫy vụn. Ăn bớt ăn chặn cả những thứ dùng để đánh giặc thì có còn là con người? Hay là chúng mày có ý ngầm làm vậy để ta phải chết vì tay giặc? May mà ta được Thổ thần báo trước… Không biết xấu hổ, bây giờ lại dám kể công ư? Vua quan như thế thì sao có thể thu phục được lòng người, sao tao có thể ở lại!...
Còn nữa!- chàng Muộn nói chỉ đủ cho vua nghe thấy: qua những việc chúng mày đã làm, rõ ràng trong đám vua quan có nhiều đứa là tay trong của giặc Ân. Tao không sợ giặc, chỉ một phát rắm là xong. Nhưng tao ngại cái lũ hèn mọn tay sai theo giặc. Nếu tao về làm quan với chúng mày thì rồi sẽ có lúc chúng mày giở trò hèn mạt, ngấm ngầm cho tao một nhát… để tao chịu tội với giời à! Vì nhẽ ấy tao không thể ở lại.


Nói xong Muộn hướng về phía làng Gióng lạy ba lạy. Lại vòng tay cúi đầu trước cánh đàn ông làng Gióng: “Cảm ơn giai làng! Muộn còn mẹ già, xin giúp đỡ!” rồi quay ngựa bay vút lên giời.
Cánh đàn ông làng Gióng vòng tay đáp lễ và từ từ quỳ xuống ngẩng đầu nhìn theo người giời khuất dần, khuất dần vào mây trắng…
Vua toát mồ hôi, quỳ sụp xuống lạy như tế sao. Sau đấy chừng như biết tội, ra sức sửa sang mọi nhẽ để Văn Lang yên ổn được mấy trăm năm, nối qua mười hai đời vua nữa…rồi mất về tay Thục Phán.
HẾT.

... Đọc thêm!