Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

CẢ ĐỜI EM THA HÓA CHẲNG BẰNG CỤ VUI MỘT PHÁT...


Một tay giáo viên hốt hoảng bảo với mình: “Gay quá bác ơi!”

Mình hỏi lại: “Có việc gì mà gay? Chết người à! Cháy nhà à!”

Hắn bảo:
- Chết người, cháy nhà ở nước ta là chuyện thường, ngày nào chả có… Nhưng hôm qua em nghe tin mấy ông cán bộ cấp Sở của một tỉnh nghèo Sóc Trăng đánh cờ mỗi phát: 5 tỷ đồng.

- Ối giời ơi! Tiền đâu mà lắm thế?

Hắn bảo:
- Thì ti vi cũng nói, các báo cũng nói. Bác không nghe à! Vậy mỗi tháng trường ta lĩnh ở kho bạc bao nhiêu tiền lương?

Mình bảo:
- Tính gì mà không ra. Người cao nhất hơn bốn triệu. Người thấp nhất hơn một triệu.

Hắn nhẩm tính:
- Vậy bình quân giáo viên trường ta mỗi người khoảng 2 triệu 5 trăm ngàn một tháng.
Cả tháng lương lĩnh về, được già 70 triệu cho hai mươi sáu con người, duy trì dạy dỗ hơn bốn trăm thằng học sinh. Lương bốn năm giời của tất cả giáo viên trường ta mới đủ cho các ông ấy thắng cờ một phát. Mà đấy mới chỉ là quan của tỉnh nghèo!

Rồi hắn ta dồn một hơi:
- Chả phải giấu giếm gì nữa bác ạ. Cứ nói toẹt ra! Chúng mình đang được lên án mãnh liệt từ Trung ương tới địa phương! Lên án cái gì? Bác biết rồi. Giáo viên ở nông thôn, cũng... cũng có dạy thêm... dĩ nhiên là phải theo quy định của Tỉnh. Một buổi thu 5.000đồng/HS. Tuần ba buổi cho ba bộ môn. Thu cả tháng 60.000 đ/HS. Dạy bỏng hơi rát cổ. Vừa dạy vừa nịnh để học sinh nó khỏi bỏ học. Một buổi dạy được khoảng 60.000- 80.000 đồng. Bỏ sức lao động, bán cháo phổi chứ có ăn không đâu! Ấy vậy mà khi cầm đồng tiền, nhìn phụ huynh tả tơi vất vả… lại cứ nghĩ không phải với bà con. Cả tháng bỏ sức dạy thêm được dăm trăm ngoài lương mà lúc nào cũng canh cánh lo hay là mình tha hóa, hay là mình biến chất, nghề mình mạt vận đến nỗi phải nặn từng đồng bạc của học sinh… Đi đâu cũng có người chửi, người đe, công an nhiều khi coi như tội phạm hình sự… nhục lắm!
Vậy mà một ván các ông ấy đánh cờ bằng 100 năm lương cùng 100 năm tha hóa biến chất dạy thêm của em! Chắc đó là những ván cờ siêu hạng của… của cấp… cấp vũ trụ.

Mình ớ ra vì tay này tính toán nhanh phết!

Hắn còn nói thêm:
- Thôi từ nay bác đừng bắt chúng em “học tập đạo đức…” nữa nhá! Đừng sợ chúng em thoái hóa biến chất thành phản động nữa nhá! Ba đời nhà em có thoái hóa biến chất đến chết cũng chẳng bằng các cụ vui một phát… Không biết các cấp trên có “Học tập Đạo đức…” không nhỉ?

Mình bảo:
- Đừng có mà ăn nói bậy bạ. “Học! Học nữa. Học mãi.” Không nhớ lời dạy à! Đừng vì con sâu bỏ rầu nồi canh…

Tay ấy ngoay ngoảy bỏ đi. Nghe rõ hắn vừa đi vừa lẩm bẩm:
- Lạy bác! Kính các cụ! Nếu em có nói gì không phải thì cũng đừng chấp. Mà có chấp thì cũng đếch ra người. Các cụ thuộc đẳng cấp tiền tỷ…, chúng mình đẳng cấp tiền nghìn. Các cụ gấp triệu lần! Chấp vậy chẳng hóa ra là… là cái hạng tiểu nhân.

Mình tức quá gọi giật lại:
- Này cậu nói cái gì đấy! Ai thèm chấp với cậu…

Hắn gãi đầu:
- Bác cũng chả hơn chúng em. Ấy là em cứ nói trước vậy! Vơng! Làm gì mà các cụ lại chấp với chúng mình cơ chứ!



... Đọc thêm!

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

VĂN TẾ "K. JONG. ỈN"

Các bạn bloger hỏi sao chưa thấy văn tế K.J.I. Mấy ngày nữa mới chôn lão, nên đưa văn tế bây giờ là hơi sớm. Nhưng Cua vừa viết xong cứ đưa lên, gọi là "tế sớm... khỏi ruồi". Hì hì. Mời các bác xem và phủ chính cho.

Hỡi ôi!
Mười mấy năm vạn tuế tung hô mà chết chợ chết đường
Mặt trời chửa thấy lên… người vĩ đại chốc đà độn thổ

Nhớ linh xưa:
Mặt thớt môi dày
Bụng to tựa rổ

Nối chí Ỉn- Sung cha, nguyên đường lối nặng chữ hận thù
Khệnh khạng giáo Mác Lê, khin khít cài then, cửa không dám mở

Thấy đồng tộc phía Nam nước mạnh dân giầu- dạ nhỏ nhen bực tức ghét ghen
Nhìn thế giới kêu gọi hòa bình, bụng rắp tâm làm bom nguyên tử.

Dân teo tóp đói ăn- ngày qua ngày mồm vẫn phải tung hô
Nước mỗi lúc mỗi nguy- lại liên kết ma đầu trục quỷ

Ngày ngủ đêm đi
Ra điều lãnh tụ

Cung cúc Thiên triều
Xin ăn từng bữa.

Nào đâu thế giới đại đồng? Cùng Khựa một đường, quạc mồm gào vô sản anh em
Còn đây nặng khí độc tài! Con nối cha truyền, miệng xưng xưng Cộng hòa Dân chủ.


Giàu mạnh gì mà vì đói hai triệu dân chết ức chết oan
Ưu việt đâu mà triệu triệu người siết rên thống khổ

Hùng mạnh chăng! Diễu binh ngàn lính gái giương đùi, lãnh tụ đứng trên hau háu nuốt nước miếng mà nhìn
Huy hoàng ư! Cũng học đòi "ương ca" tha thướt trăm mỹ nữ cung tần- sau kính "dâm" mắt như mắt hổ.

Dân đành cam phận:
Mỗi lời nói ra, ai cũng phải đắn đo kẻo bị tiếng Hàn gian
Từng cử chỉ nên rụt rè, kẻo mang danh phản động để rồi chịu tù đày bắt bớ.


Ủn Ỉn ngày qua ngày:
Giễu võ giương oai- nỡ lòng bắn pháo vào đất người cùng dân tộc phía nam
Lút cút đi đêm- sang Bắc quốc gọi Hán tộc Cẩm Đào là bố.

Năm mươi tuổi dám xưng “Cha dân tộc”, vốn nhát gan chỉ đi tàu bọc thép, sợ thăng thiên chẳng dám cỡi máy bay.
“Già dái non hột”, khiếp chúng dân nổi lên, lo giữ mình đào hầm ngầm mấy chục dặm dài, phòng chuyện xảy ra, còn lối thoát bằng chiêu độn thổ.

Vậy nên
Dân chúng oán than, khổ như trâu mà chẳng dám kêu.
Nước nghèo vẫn hoàn nghèo- thành tựu “ca đựng nước” cũng in hình Ỉn Sung bậc bố.

Phải một năm đại hạn cho những kẻ độc tài.
Thêm một phát chết chợ chết đường để rồi được tiếng vang như mõ

Bin-la-đen chết vùi chết dập, xác trương phình nằm dưới biển sâu
Ga- đa- fi ăn đạn vào đầu, chết trần truồng, nơi sa mạc mồ chưa mọc cỏ.

Trục quỷ trục ma, đảo xa biển Mỹ… Phì lão rậm râu sức tàn lực kiệt nằm thở phì phì
Đồng chí đồng môn, lục địa Á châu, trọng ngoại bang lú càng thêm lú.

Thương thay
Triệu dân Bắc Hàn mặt mếu, khóc ròng ròng thương tiếc, chẳng biết còn khổ đến bao giờ, khấp khởi mơ một gói mì tôm.
Đại tướng Ủn tuổi mới ngót băm, đứng vắt mũi… nghe câu “giầu chẳng ba họ, khó chẳng ba đời…” nghĩ kiếp mình liệu có bằng Ỉn bố.

Ỉn bố vừa tắc thở, Ủn con tên lửa chỏng lên trời mà bắn, cốt để lấy oai
Đài Truyền hình rấm rứt đọc tin, chảy nước mắt, ra chiều nức nở.

Lại thương thay!
Nhiều kẻ nghĩ đến tình chư hầu đồng chí, ngậm ngùi trong dạ, muốn đến viếng tang mà nó đếch cho vào.
Triệu triệu người còn có lương tri nghĩ cái loại mặt lợn môi dày sống làm chi để càng thêm thẹn hổ.

Ôi thôi thôi!
Cải ngồng buộc cắt phần "cướp giết hiếp"… dành trang đầu thống thiết đưa tin, ngẫm phận mình "theo đóm ăn tàn"
Bờ-lố-ge-rờ "bày tỏ tiếc thương" dồn dập entry, kẻ xướng người còm, cùng nhau nâng chén rượu suông, bụng dạ lá mơ chát chát tom tom... mắm tôm, thịt chó.

Ô hô! Ủn Ỉn.




... Đọc thêm!

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

THƠ- CỜ VÀ... NGƯỜI


“Bỏ nước ra đi nhớ tự ngày
Lòng trung canh cánh có trời hay.”


“Nghề mọn cơ cầu noi nghiệp trước,
Tiếng thơm sử sách để sau này”.


“Ngày nay bốn biển chung đường lối,
Nhà cũ xa trông núi Việt dài.”


Nghe mấy câu thơ trên chăc mọi người sẽ tưởng đến một người có tấm lòng trung trinh vì Tổ quốc. Mấy câu thơ trên cũng mang hơi hướng thời đại phết, nhiều khi ta cứ tưởng là của thời bây giờ: “Bốn biển chung đường lối”
Nhưng … xin thưa: Đó là thơ của Trần Ích Tắc. Kẻ bán nước vô liêm sỉ đến lừng danh trong lịch sử.
Còn nữa: "Nghề mọn cơ cầu noi nghiệp trước,tiếng thơm sử sách để sau này". Ai bắt các cháu giương cờ 6 sao... Làm ăn như thế chắc có tiếng thơm sử sách để sau này.

Nguồn Ảnh AFP


.... Đọc thêm!

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

ICOM CHO SÓI BIỂN...


MAI THANH HẢI:Thế là vợ chồng "Sói biển" Mai Phụng Lưu, đã rời Hà Nội sau buổi truyền hình trực tiếp "Vinh quang Việt Nam" trên VTV1, sáng 18/12/2011 vừa rồi và sau chặng đường xe đò, đang ở Quảng Ngãi đợi hết động biển, ra lại Lý Sơn, lên tàu ra Hoàng Sa.

Mình viết mấy dòng (Khách quý về từ Hoàng Sa), kể lại 1 ngày ở cùng Lưu và những tâm sự của anh, về chặng đường đã qua, trước mắt đau đáu với Hoàng Sa.

Trong câu chuyện, mình có nhắc đến việc chiếc tàu Q.Ng 11388 Lưu mới đóng, dùng để đi biển, thay cho chiếc tàu cũ, bị Trung Quốc bắt giữ, đập phá lần thứ 4 và phải trả lại, bởi chủ nợ siết nợ.
Chiếc tàu mới của Lưu, có công suất 90CV, với tổng giá trị là 700 triệu đồng. Số tiền đóng tàu, ngoài 300 triệu tiền vay Ngân hàng, còn lại là vay mượn của bà con. Lưu bảo: "Toàn tiền đi vay, lãi suất cao và bây giờ có vay cũng chả được, nên ngư cụ - phương tiện phục vụ việc đánh bắt cũng chưa sắm hết!". Buồn và lo nhất là chiếc tàu đi xa thế, đến nơi thiêng liêng nhưng nguy hiểm thế, nhưng chẳng có thứ phương tiện thiết thân, đó là bộ đàm (Icom) liên lạc với đất liền, gia đình và tàu bạn.

Lo lắm. Bởi trên tàu, ngoài Lưu còn có 3 đứa con trai và anh em ngư dân khác, lên đến cả chục người. Chẳng may có mệnh hệ gì, biết liên lạc - cầu cứu ai, giữa biển cả mênh mông?.

Entry mình viết ra, được rất nhiều bạn đọc phản hồi, qua cả email và điện thoại. Ai cũng rưng rưng: "Đóng góp 1 chút, để Sói biển có 1 chiếc Icom". Nhiều bạn đọc còn động viên mình: Phát động phong trào quyên góp, mua cho "Sói biển" Mai Phụng Lưu chiếc Icom, qua bạn đọc Blog và các Blogger

Được sự động viên của mọi người, mình xin mạo muội đề nghị bạn đọc giúp đỡ, mỗi người chút xíu, gọi là "của ít, lòng nhiều" để Lưu có 1 chiếc Icom.
Trưa nay, mình đã điện thoại cho Mai Phụng Lưu và Lưu rất mừng, giọng nói rưng rưng - gấp gáp trước tấm lòng bạn đọc và niềm vui. Lưu cho biết: Chiếc Icom này có thể mua được ở TP. Quảng Ngãi, tốt nhất và hiện đại nhất có giá gần 30 triệu đồng.

Nếu mọi người có tấm lòng với "Sói biển", xin hãy giúp đỡ.
* Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Mai Thanh Hải, STK: 1330 1010 361434, Sở Giao dịch, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Email: thanhhai2006@gmail.com; Nick yahoo: thanhhaivir

ĐT Mai Thanh Hải: 0917500550 - 0989066681
ĐT Mai Phụng Lưu: 01293990170.

* Mọi sự giúp đỡ, xin ghi rõ thêm: Ủng hộ mua Icom cho Mai Phụng Lưu

Mọi sự ủng hộ, sẽ được cập nhật công khai - liên tục trên Blog Mai Thanh Hải

Trân trọng cảm ơn mọi người.

-------------------------------------------------------------- Đọc thêm!

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

"BIỂN CỦA ÔNG BÀ MÌNH !"


Hôm nay mình đi dự lễ Khánh thành Nghĩa trang Liệt sỹ. Chính thức thì sáng mai mới cắt băng khánh thành, nhưng theo phong tục Việt Nam thì chiều hôm nay làm lễ khai quang yên vị.
Tiếng trống tiếng chuông và tiếng kinh kệ xôn xao… Trên những ngôi mộ mới xây những nén hương nghi ngút, những cốc nến lắt lay…
Gió biển gầm gào. Lạnh.
Bên một ngôi mộ mới. Bà cụ già xoa xoa tấm bia. Tay nhăn nheo run run.
Mình đến gần. Nghe tiếng bà cụ lẩm bẩm: "Giá mà… Thôi vậy cũng được."
Thì ra chưa đưa được anh về.
Một trăm ba tám ngôi mộ! Trong đó có hơn ba chục ngôi chỉ là mộ gió.
Các anh còn đang chốn nào?
Bà mẹ liệt sĩ: "Thôi… cũng được. Chốn nào thì cũng đất nước mình!"

Chợt điện thoại reo. Mai Thanh Hải điện bảo lên Hà Nội uống rượu.
Mình nói đang bận. Vả lại từ đây đến Hà Nội hơn trăm cây số. Lên đến nơi thì cuộc rượu cũng tàn!
Hỏi thêm đang ngồi với ai?
Mai Thanh Hải trả lời: "Người cùng họ- Mai Phụng Lưu."
Sói biển Mai Phụng Lưu! Người bám biển Hoàng Sa. Mai được tuyên dương. Bốn lần bị “tàu lạ” bắt bớ đánh đập, bị phá thuyền, bắt lưới…
Mình chưa được gặp Lưu. Chỉ nghe tên và nhìn qua ảnh.
Thôi đành uống rượu qua điện thoại.
Mình nâng chén qua cái điện thoại mời Mai Phụng Lưu: "Mai xong việc, cùng với Hải xuống đây chơi. Ba thằng cùng họ uống rượu. Về đây cũng biển."
Lưu bảo: "Phải về ngay chuẩn bị đi biển kiếm đồng nuôi vợ con!"
Mình hỏi: "Lại ra Hoàng Sa à?"
Lưu nói như đinh đóng cột:
- Dạ! Biển của ông bà mình mà.
Biển của ông bà mình mà. Thế thôi! Chả dài dòng. Không gì giản đơn hơn thế!
Và cũng vì cái lý do đơn giản như thế, Mai Phụng Lưu lại ra khơi!

Chốn nào cũng đất nước mình!
Biển là của ông bà mình!


Chợt tự hỏi: Không biết ngày mai Đài truyền hình có tường thuật trực tiếp lễ vinh danh những người bám biển giữ đảo không nhỉ, mà sao không thấy quảng cáo.

Rồi lại tự trả lời: Chắc là có! Tại mình chẳng chịu xem ti vi. Ngay cái “Láng giềng gần” người ta cũng quảng cáo cả tuần cơ mà!


Chú thích ảnh:
-Ảnh trên: Đảo Hữu Nhật- (Hoàng Sa)chữ VIỆT NAM do ngư dân ta viết trên tấm biển chữ Tàu.(Ảnh mạng)
-Ảnh giữa: Mai Phụng Lưu trên đảo "Ông Già" (Hoàng Sa)- (Ảnh Mai Phụng Lưu)
-Ảnh dưới: Mai Phụng Lưu và Mai Thanh Hải bên gốc cây lấy về từ Hoàng Sa (Ảnh Mai Thanh Hải)


... Đọc thêm!

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

XEM "LÁNG GIỀNG GẦN"... Ô HẾ HÀ...Ô HÊ HÁ...



Chương trình nối hai đầu cầu Thủ đô Hà Nội và Thủ phủ Nam Ninh của dân tộc Choang Quảng tây(?) Đài Trung ương của ta phối hợp đài Tỉnh của láng giềng(?)
Hay thật!
Nghe ca sĩ Tàu hát tiếng ta: Thấy lãnh tụ nước mình chống gậy đi giữa rừng. Giản dị nhường nào!
Nghe ca sĩ ta hát tiếng Tàu “Xuân về, hoa quyên quyên nở hồng đỉnh núi”: “Quân Chủ tịch Mao đến dân vui mừng hớn hở”. Ảnh lãnh tụ Tàu chói lọi vừng dương(?)
MC Diễm Quỳnh hớn hở mặc áo Tàu, nặn sủi cảo, bê mời khách Tàu. MC Bằng chua lời bình: Chúng ta đã thấy niềm vui của Diễm Quỳnh. Quả là vui!
Người đẹp Việt Nam áo dài thướt tha như thể tiên sa cho láng giềng bổ mắt. Thèm xem người đẹp Choang mà họ ứ cho xem.
...
Cảm động khi Tùng Dương- Thanh Lam vặn mình gào thét: “Ôi quê tôi!”
Ôi quê tôi vẫn còn mái nhà
Liêu xiêu liêu xiêu, thơm mùi khói chiều

Ôi quê tôi, vẫn còn cánh đồng
Xanh bao la lưng còng dáng mẹ

Ô hê hà ... Ô hê há

Ô hê hà ... Ô hê há



... Đọc thêm!

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

"...MÀY LÀ THẰNG DÂN TỘC KHIẾP!"


Trung đội mình có hai tay người dân tộc Tày Cao bằng tên là Hà Văn Tiết và Ma Văn Thắng. Các hắn rất ít chuyện trò với bọn mình nhưng được cái nết hiền lành chịu khó, anh em mang nặng thì sẵn sàng giúp đỡ, ốm đau thì cơm cháo tận tâm. Những khi chỉ mình hai hắn với nhau thì nói chuyện với nhau cả ngày không biết chán, líu lo như chim… nghe cũng vui vui.

Đặc biệt Hà Văn Tiết còn biết tiếng Lào. Chả biết hắn học bao giờ. Hôm tiếp xúc với dân Lào ở binh trạm 34, chàng Tiết nhà ta còn hung hăng lên phiên dịch. Chả biết hắn dịch tiếng Việt ra tiếng Lào như thế nào, nhưng đến khi ông người Lào nói thì hắn dịch ra tiếng Việt như sau: “Ló bảo thế lày: Kính thưa thằng thủ tướng bộ đội‘*’ …” làm bọn mình cười vãi nước mắt nước mũi… Tiết không giận, cũng đứng nhe răng cười.

Còn Ma Văn Thắng thì cứ khăng khăng nói với mình: “Họ tao là họ Mai”. Mình bảo họ tao làm gì có thằng “ma” như mày. Một lần hắn hỏi mình: “Viết thư bằng bút bi đỏ có được không”. Mình bảo: “Được chứ sao không! Trông càng đẹp, tình cảm càng dạt dào…” Lạy giời! Vậy mà hắn viết thư cho vợ bằng mực đỏ thật. Hì hục gần buổi sáng thì viết xong thư cho vợ, đưa lên ngắm nghía rồi gọi mình đến: “Đẹp thật mày ạ! Trước tao không biết, cứ đi viết bằng mực xanh” Mình hoảng hồn vội bảo: “Tao nói đùa đấy”. Hắn đỏ mặt, xé ngay cái thư rồi hằm hằm bỏ đi.

Hôm sau hắn chửi mình: “Mày tưởng mày là người Kinh mà khôn à! Mày chê tao người dân tộc à! Tao nói cho mà biết nhá: Bác Hồ bảo Dân tộc anh hùng… chứ có bảo người Kinh chúng mày anh hùng đâu à!”

Mình xanh mặt, xin lỗi hắn rối rít. Nghe xong, hắn hì hì cười đắc ý lắm, còn móc thuốc rê cho hút.


Cả Tiết và Thắng đều rất thích văn nghệ. Mình được các hắn quý vì mình hát cũng tàm tạm và rất hay hát.

Những ngày giời mưa ở hậu cứ, hai tay Tiết và Thắng đứng ở hai đầu lán trung đội è è thổi kèn lá “giao duyên”. Buồn đến nẫu ruột mà không ai dám nói gì vì sợ các hắn giận.

Đánh nhau thì thôi, ở hậu cứ thì một tuần có một tối sinh hoạt văn nghệ Đại đội. Lính mấy chục người, quanh đi quẩn lại cũng mấy bài, hát đi hát lại. Chính trị viên Mạo, dân Bắc Ninh thì lần nào cũng chỉ có bài quan họ theo điệu “Gió đưa cây cải”. Sau thành quen, cánh mình cứ thấy Chính trị viên tham gia sinh hoạt thì đề nghị thủ trưởng hát bài “Gió đưa cây cải vào soong”.


Còn tay Sửu người Nghệ An thì lần nào cũng khoe giọng bằng tiếng Tàu qua bài “Ra khơi nhờ tay lái vững”.

“Tá hải giang xing kháo tua sâu
Oản ù sâng tì quó thi thai dang
Uy li chứ xeng ủ mèo choàng
Càn cưa ming tâu chư mao trửa tung ti sư xẻng
Uy pu lì a lua ti quo thi hải giang
Cưa ming xỉn trung li pú khải cung sán tảng
Mao trửa tung ti sư xeng sừ púa lúa thi thai dang”
.

Hắn hát nhiều đến nỗi… trong đại đội thằng nào còn sống đến hôm nay chắc cũng còn thuộc.

Lần nào mình cũng phải hát. Ít nhất là hai bài. Anh em thích lắm. Nhiều lúc mình cũng thấy râm ran, mũi phồng như cà chua…

Trong một lần, trái với thường lệ, anh em giới thiệu mình hát trước. Mình đứng lên cố tìm trong đầu xem còn bài nào mới thì hát chứ hát lại thì chán lắm. Nhớ mãi mới ra, mình hát điệu chèo “Quân tử vu dịch”, trước khi hát còn giới thiệu đây là đoạn Dương Lễ tiễn Châu Long trong vở chèo Lưu Bình Dương Lễ:


“Thiếp đâu dám quên tình đôi lứa
Tưởng những lúc mặn nồng hương lửa
Nhớ những lúc môi kề má tựa
Ngao ngán thay cảnh vợ xa chồng
Gió lạnh đêm đông, lẻ loi cô phòng
Ngày xanh mòn mỏi, vào ngóng ra trông
Trăm năm chút nghĩ đèo bòng
Xa nhau ai có thấu lòng cho ai”


Cả Đại đội lặng nghe, nhìn Thắng thấy hắn rơm rớm mắt…

Tất cả vỗ tay rầm rầm khi mình hát xong, rồi gào lên: “Hay lắm! Hay lắm… hát lại, hát lại đi…”

Mình đang định hát lại thì Chính trị viên xua tay: “Thôi! Bây giờ người khác hát…”

Sửu ta lại lên: “Tá hải giang xing kháo tua sâu, oản u sâng…”

Chính trị viên vỗ tay, rồi còn bảo: “Vỗ tay! Vỗ tay đi các đồng chí, hát hay lắm…” Nhưng lính nghe đến thuộc rồi nên chỉ vỗ tay vài cái chiếu lệ.

Sinh hoạt văn nghệ xong thấy có lệnh triệu tập cán bộ Trung đội lên hội ý gấp. Mình đã mắc võng ngủ thì thấy Trung đội trưởng lay dậy. Đành mắt nhắm mắt mở ra theo anh ta ra ngoài.

Trung đội trưởng hỏi:

- Tối nay cậu hát cái bài ấy là có ý đồ gì?

Mình ngớ người:

- Bài hát chèo, văn công với đài Hà Nội vẫn hát. Ý đồ gì đâu!


Trung đội trưởng bảo:

- Cậu phải cẩn thận đấy nhá! Phải xác định lại lập trường tư tưởng!

Mình chả hiểu tại sao lại “phải xác định lại lập trường tư tưởng.” Nhưng không dám hỏi thêm.

Ngày hôm sau cứ canh cánh lo. Đợi trưa vắng người, khều thằng liên lạc đại đội ra hỏi. Thằng này bảo:

- Tối qua Chính trị viên triệu tập họp Ban Chỉ huy vì chuyện của mày đấy.

- Chuyện tao làm sao?

- Mày ngu, … Chính trị viên bảo xem lại tư tưởng của mày, rất có thể đã dao động tư tưởng, để kẻ địch lợi dụng. Hát như thằng phản động “ngao ngán thay cảnh vợ xa chồng” làm mất ý chí chiến sĩ.

Mình vã mồ hôi hột.

Tay liên lạc còn bồi tiếp: “Ông ấy bảo cái bài hát “Quân tử mắc dịch” là bài hát phản động. Chiến sĩ phải hát như thằng Sửu mới hoành tráng, mới khí thế chói lọi! Ông ấy giao cho Trung đội theo dõi mày đấy. Cẩn thận nhá!”

Lại được nhắc “Phải cẩn thận”. Ối giời ơi!

Tuần sau, trước khi sinh hoạt văn nghệ, Ma Văn Thắng bảo mình:

- Tối nay mày lại hát cái bài… cái bài gì mà có “i hi hi” ‘**’ ấy nhá. Tao nghe hay lắm! Tao thích lắm!

Mình bảo:

- Không dám hát nữa đâu. Vì sợ cấp trên lại bảo dao động tư tưởng.

Thắng chửi luôn:

- Tư tưởng cái con củ cặc! Sợ đếch gì. Cứ hát nhá…

Mình lắc đầu: “Khiếp rồi”.

Thắng ta bĩu môi:

- Mày á… mày đếch phải dân tộc Kinh, mày là thằng dân tộc “Khiếp”.

Ôi vậy mình bị gán là thuộc dân tộc “Khiếp”


Tối mai (14/12) thấy bảo có chương trình văn nghệ “Láng giềng gần” Tàu Ta phối hợp trên ti vi. Nếu vậy thế nào cũng có Tàu hát tiếng ta, ta hát tiếng Tàu.

Vậy là nhớ thằng Sửu hát tiếng Tàu bài “Ra khơi nhờ tay lái vững” của Tàu. Và rợn người nhớ câu hát:

“Ta hải giang xing kháo tua sâu…”

Rồi lại nhớ đến cái câu Ma Văn Thắng gán cho riêng mình!

Ấy cứ lan man lằng nhằng thế. Mà sao bên Tàu nó có cả dân tộc “Choang”…


‘*’ Thủ trưởng đại đội
‘**’ hát chèo thường ngân “i hi hi” giữa các tiếng.


Ảnh mạng- không liên quan đến bài viết.

... Đọc thêm!

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

KỂ CHUYỆN THI NGƯỜI ĐẸP...



Mình không nhớ từ sau khi thống nhất thì cuộc thi hoa hậu đầu tiên là năm nào. Nhưng ngay sau đó thì có phong trào thi người đẹp được phát động trong cả nước. Rầm rộ lắm. Địa phương nào cũng có, ngành nào cũng có, lứa tuổi nào cũng có. Đơn cử có thi người đẹp phường, người đẹp huyện, người đẹp Thể thao, Người đẹp Bóng chuyền, Giáo viên Tài năng Duyên dáng, người đẹp Thư viện, Người đẹp Quan họ, Hoa hậu Biển, Hoa hậu Quý Bà, Học sinh Thanh lịch, Đoàn viên Thanh lịch, Đội viên Thanh lịch, Hoa hậu tuổi teen… và cả Hoa Hậu Bò. Không thể kể hết được. Những lúc ấy cả nước như lên cơn sốt Hoa Hậu.

Các cửa hàng trang điểm và cho thuê quần áo (áo dài, áo tắm) mọc lên như nấm mà vẫn chạy sô bở hơi tai, thi nhau hốt tiền…

Vào cái năm bầu cử Quốc Hội vào đúng ngày Nhà Giáo VN (20-11), ngành Giáo dục Tỉnh mình cũng tổ chức thi Nữ Giáo viên Tài năng Duyên dáng.

Để có cấp Tỉnh thì phải làm từ cấp Huyện. Tất cả các trường phải có thí sinh tham gia. Nếu không sẽ mất điểm thi đua, không được công nhận trường Tiên tiến.

Vậy là Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn mỗi trường nhắm lấy một cô trông khơ khớ một tý: tiêu chuần lưng thẳng không gù; chấp nhận chân chữ bát nhưng không vòng kiềng; mắt có đeo kính cận kính lão trông càng trí thức nhưng cấm… hấp háy. Da đen da trắng, mặt rỗ hay mịn không quan trọng; Đã có người trang điểm lo. Còn gầy một tý cũng được, vấn đề là phải biết mua áo ngực với loại xốp mỏng dày sao cho phù hợp.

Có cô sắp đến lên sân khấu thì tự dưng kêu thét “Chết em rồi”. Hỏi làm sao thì bảo là mấy hôm trước em mặc “cái ấy” vừa vặn trông “nổi quả” lắm mà bây giờ nó lỏng chuồi chuội chỉ chực tuột. Tại tập luyện nhiều quá nên người gầy đi đấy mà! Chả nhẽ đem độn bông hay độn giấy vào, nhỡ Giám khảo phát hiện ra thì coi như “thái độ sai mang tài liệu vào phòng thi”- sẽ bị trừ điểm. Vậy là cả trường tá hỏa “phát huy tinh thần làm chủ tập thể” chạy bổ đi các cửa hàng đi nhặt về cỡ dăm chục cái cho thí sinh mặc thử.

Cô cắm hoa thì quên kéo. Cô hát, cô múa thì nhăn nhó vì nhạc đệm sai tông sai nhịp, loa máy lúc kêu lúc tịt, thỉnh thoảng lại rít lên như tiếng máy bay phản lực… Vui phết.

Đến khi ra sân khấu thì như tiên sa cả lượt. Cũng đi vặn thừng uốn éo đánh mông. Giám khảo mắt kèm nhèm nhìn qua, gật đầu sái cổ: xinh nhẩy, xinh ra phết!

Nhưng nhìn kỹ thì thấy tiền hậu bất nhất: cái mặt nó trắng mà mang tai với lại cái cổ cái gáy thì đen, trông tựa như Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký. Da mặt tươi hồng mà cánh tay lại màu nâu tươi màu suy nghĩ…

Có cô đi giầy cao gót nhọn hơn chục phân, mặt nghênh lên giời…ra dáng người mẫu, đi đứng thế nào mà gót giầy kẹt vào kẽ sàn sân khấu suýt ngã bổ chẩng.

Phần trả lời câu hỏi ứng xử mới hay:


Giám khảo: “Đề nghị đồng chí cho biết câu “Học, học nữa, học mãi!” là của ai?”
Thí sinh: “Thưa Ban giám khảo, thưa quý vị khán giả. Sau đây em xin trả lời: đó là câu nói của Hồ Chủ tịch ạ!”

Giám khảo gật gù ghi điểm tối đa.

Một tay giáo viên đứng cạnh thấy vậy choảng một câu: “Cả giám khảo cả thí sinh ngu như chó!”

Vậy là có cuộc đấu khẩu:

- Đồng chí bảo ai ngu như chó?

-Tôi nói rồi đấy, điếc à!

- Người ta nói đúng sao lại bảo ngu như chó?

- Vậy cả đứa thi, đứa chấm mới ngu!

- Thái độ thế à! Chả nhẽ người ta nói sai.

- Sai chứ sao nữa! Câu ấy của Lê nin.

Khi công bố quả cũng hồi hộp phết. Cô trả lời “học nữa học mãi” là câu của Hồ Chủ tịch được xếp Giải Nhất. Giải Nhì: cô “Chết em rồi”. Giải ba là các cô kẹt gót giầy vào kẽ sàn sân khấu và cô “tiền hậu bất nhất kiểu Tôn Ngộ Không”.

Vỗ tay nhiệt liệt! Trường ban Chỉ đạo, Trưởng ban Tổ chức, Trưởng ban Giám khảo, Chủ tịch công Đoàn ngành… bốn ông cầm bốn cái băng lên quàng vào người Thí sinh đoạt giải. Khi các ông đứng quay ra sắp hàng chuẩn bị vỗ tay chụp ảnh thì khán giả rú lên: Có hai cái băng đeo ngược.

Ngược cũng được. Sửa sau! Bốn anh cầm pháo giấy phụt bùm bụp lên đầu đám người trao người nhận giải. Giấy bắn tung tóe rơi lả tả. Một anh giật mãi không được, quay ngang ống pháo giật mạnh, phụt ngay và bụng dưới cô giải ba. Cô này giật mình suýt ngã, rồi cúi xuống tìm xem liệu có khỏi thủng áo phía dưới không mà khán giả ngả nghiêng cười như chợ vỡ. Nó mà thủng thì chết tiền đền…

Sau cuộc thi bà mẹ của cô đạt giải nhất đi đâu cũng khoe: “Cái con X nhà tôi là đứa xấu nhất nhà… vậy mà còn được danh hiệu Hoa Hậu ngành đấy các bác ạ!”

Còn cô Giải Nhì về bị chồng tẩn cho một trận lên bờ xuống ruộng vì cái tội: “Có chồng có con rồi mà vẫn còn xí xớn”. Nhà trường, Công đoàn phải giải thích động viên cả tháng mới êm… chứ đã định đưa nhau ra tòa ly dị.

Dư âm cuộc thi còn mãi đến sau này.

Một hôm mình ướm ý ông Chủ tịch Công Đoàn ngành:

- Năm nay có làm phát thi "Giáo viên Nặng tai Dơ dáng" nữa không bác?

Ông ta nhăn mặt như ăn phải ớt, tay xua xua như phải bỏng:

- Đếch vào! Tốn bao nhiêu tiền mà lại còn mang tiếng…

Hi hi….


(Ảnh lấy trên mạng, không liên quan đến bài viết)

.... Đọc thêm!

SINH NHẬT CỦA CON.


Mình chưa bao giờ tổ chức sinh nhật. Ngày xưa cái việc ấy không có trong đời sống xã hội và cá nhân…(dĩ nhiên có trường hợp ngoại lệ: đó là sinh nhật lãnh tụ)

Nhưng bây giờ từ 1 năm tuổi đã phải có sinh nhật. Không có thì khó nghĩ với mọi người.

Cách đây 12 năm, con gái út mình đang học Đại Học ở Hà Nội điện về:

- Chúng con vừa tổ chức sinh nhật lần thứ 20 cho anh T (con trai mình, cũng đang học Đại học) vui lắm bố ạ!

Mình hỏi:

- Tổ chức như thế nào mà vui lắm?

Nó kể:

- Anh em chúng con mua 4 cân củ đậu, một rá táo ta với hai lít rượu. Gọt củ đậu, bày táo ra giấy báo. Uống rượu bằng… bát, nhắm với củ đậu sống và táo ta. Vậy mà đông, vậy mà vui… hát hò suốt đêm.

Mình chả biết nói thế nào… Đêm ấy uống hết một chai 65(cc) rượu mà không thể say...

Tuần này sinh nhật lần thứ 32 của con trai, và lần thứ 30 của con gái. Chúc các con vui, khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

... Đọc thêm!

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

LỰA CHỌN!





Lão trợn mắt, ngán ngẩm nói với tôi:

- Mẹ khỉ... cái thằng con tôi, nó ngu như con bò. Thi đại học làm cái đ...éo gì. Ở mẹ nhà mà làm cán bộ xã, làm bí thư chủ tịch. Nó không nghe tôi...

Tôi bảo: Cái lão này gàn! Báu gì cái chức cán bộ xã. Mà liệu có ai bầu.

Lão trợn mắt lên: Sao lại không bầu? Thằng con tao trẻ khỏe học hành sáng láng, tài vặt hàng bồ, phong cách đàng hoàng như lãnh tụ..

Mà ông bảo báu gì á. Nó còn là bố cái thằng Đại học... như ông đấy, cũng Đại học, làm đến Hiệu trưởng mà vẫn phải cum cúp kính thưa kính gửi,,,

- Dễ mà được làm cán bộ xã à!

- Thì biết là không dễ nhưng không khó bằng đi thi đại học?

- Sao vậy?

- Ơ cái lão này, ngu thế! Vào được đại học là có phải con anh phải giỏi hơn hàng mấy nghìn thằng tuổi như nó, học hành như nó. Này nhé. Thi Đại học thì trong mười năm nghìn đứa thi một trường người ta chỉ lấy có năm nghìn đứa...

- Vậy là một chọi ba!

- Chỉ có thằng ngu mới nói như thế! Một chọi ba thì khó đếch gì nếu con mình chọi ba thằng què. Vật một phát ba thằng chết thẳng cẳng... Nhưng thực ra không phải là như vậy mà là một chọi mười nghìn. Con mình phải hơn mười nghìn thằng. Để đỗ được vào cái trường mà nó thi ấy nếu nó là thằng đỗ dù là đỗ thứ năm nghìn thì nó cũng phải cao điểm hơn mười nghìn đứa. Tức là nó phải giỏi hơn mười nghìn đứa khác. Mà những đứa này đều thuộc diện học hành cẩn thận. Đúng không nào?

Phải chịu lão này nói đúng!

- Vậy thì tội đếch gì phải thi vào Đại học. Ở mẹ nó ở nhà. Làm thằng bảo vệ, làm cán bộ Đoàn... Trong thời gian những thằng kia vật vờ đói khát nhục như con chó... cắm cổ lòi mắt học hành thì con mình vẫn ăn trắng mặc trơn ở nhà, thỉnh thoảng lại có thể vênh mặt ta đây... thằng kia học xong đại học bơ vơ đang tìm việc làm thì con mình chí ít cũng lên tới phó công an hoặc phó bí thư xã đoàn... Rồi cứ thế mà lên...

- Nhưng mà có phải tất cả những thằng ở nhà đều làm cán bộ xã.

- Đúng! Nhưng những thằng ở nhà thì chủ yếu văn hóa lớp ba kỳ một. Cả xã may ra có vài thằng tốt nghiệp cấp ba còn ở nhà. Đánh đổ được mười nghìn thằng ở cả nước thì việc đánh đổ vài thằng ở xã là chuyện vặt. Đúng không nào? Vậy cho nên tớ ban ra nghị quyết cho thằng con: không đại học đại hiếc gì cả. ở nhà phấn đấu làm cán bộ xã để có ngày tao được làm bố thằng bí thư, làm bố thằng chủ tịch...



Nhưng thằng con lão không nghe lão. Nó thi đỗ và đi học Đại học Bách khoa.

*

* *

Gần chục năm sau lại thấy lão tấp tểnh tay xách nách mang. Hỏi bảo đi đâu. Lão hổn hển thở bảo là đi lên thăm con. Trông bộ dạng lão dạo này hom hem lắm. Mắt đùn dử to bằng hạt gạo, lưỡng quyền nhô lên như sừng trâu nghé, lưng gù gập dáng tôm luộc dở. Giọng phì phào hụt hơi.

- Mẹ nó! Quân ngu như bò. Nói không nghe...

Mình hỏi chửi ai thì lão bảo chửi thằng con. Đúng là lão gàn, con cái học hành thành đạt, công ăn việc làm tử tế ở Thủ đô, con dâu cũng làm nhà nước lại mới có cháu nội... Ối người mơ mà chả được! Thế mà lại còn nên nước. Hỏi thêm tí...

- Thế nó đã mua được nhà ở Hà Nội chưa?

Lão thở dài đánh sượt nghe chừng ngán ngẩm:

- Hai vợ chồng nó lương chưa đầy chục triệu, lại con nhỏ, lại thuê nhà, lại ở Thủ đô đắt đỏ nhất thế giới... thì tiền đâu mà mua nhà. Giá có tích cóp thì phải bắt đầu từ thời nhà Lý cách đây nghìn năm thì bây giờ mới đủ tiền.

- Đầy cán bộ xã bây giờ có nhà ở Hà Nội- Tôi buột miệng. Như chọc đúng cái bầu tâm sự, lão gằn giọng;

-Thì thế mới chửi thằng con ngu lâu.

Ừ thì ra lão cũng nhìn xa ra phết. Cái mộng làm bố Bí thư Chủ tịch cũng là cái cách nói quá để thỏa mãn cái bề nổi danh dự, cũng là để trả thù cho mấy tay lãnh đạo hống hách coi dân bằng con tép. Một kiểu nói của AQ! Nhưng về kinh tế thì nhỡn tiền thằng con lão thua mấy tay cán bộ xã thật!

Tôi trêu: Thôi! Làm lại từ đầu! Lên bắt thằng cháu nội về cho nó đi học ở quê để rồi sau này làm cán bộ xã.

Lão giãy nảy: Nói vậy mà nghe được à. Chả ai phú quý giật lùi, chả ai bế con dốc đầu giở xuống. Thôi thì không được làm bố Bí thư Chủ tịch thì cũng chẳng đứa nào dám chửi bố đám con cháu mình lên là được rồi. Chứ còn làm cán bộ xã thì cả làng cả tổng người ta vẫn ỉ eo moi móc. Mà thực ra thời buổi này làm cán bộ cũng khó. Làm đếch gì có dân chủ thật sự. Mình có tài có năng lực thật nhưng không cơ cấu thì cũng là thằng chân trơn. Mà được cơ cấu rồi lại phải gọi hàng trăm thằng bằng bố. Đếch vào nữa!

Lão chào tôi và vươn cổ, hì hục bước...

(Chuyện này đã đăng từ tháng 7 bên 360plus. Giờ đưa lên để đỡ lạnh... vì chưa viết kịp)
-Ảnh mạng- không liên quan đến bài viết


Đọc thêm! Đọc thêm!

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

CHUYỆN TRẺ CON!

Cô giáo vào lớp 6 thấy một học sinh đang bị phạt đứng ở cuối lớp. Cô giáo đến hỏi:

- Vì sao em bị phạt?

Thằng bé không nói. Nó cúi mặt nhìn xuống đất.

- Vì sao em bị phạt. Nói cho cô biết đi nào?

Nó vẫn đứng im.

Cả lớp ngạc nhiên ngó thằng bé.

Cô giáo hỏi lần nữa:

- Vì sao em bị phạt. Sao cô hỏi mà em không trả lời.

Mấy đứa con gái hóng hớt:

- Thưa cô bạn ấy không có mồm đấy cô ạ.

Thằng bé bị phạt tức quá, hai tay chỉ vào mồm… bảo mấy đứa vừa nói:

- Mồm tao đây này!

Cô giáo bảo:

-Bạn bây giờ đã nói rồi đấy nhé. Các bạn khác sai rồi, dám bảo bạn không có mồm. Vậy tại sao em bị phạt?

- Thưa cô tại em phá lớp ạ! Nhưng em không phá tường đâu mà em chỉ mất trật tự không cho các bạn khác học ạ!

Kể lại chuyện này để thấy các cháu 11, 12 tuổi hồn nhiên như thế nào. Vậy mà các ông nhà giời bắt học tới mười hai, mười ba môn với toàn thứ cao siêu kinh điển. Thậm chí còn học cả thơ Đường, thơ chữ Hán… Nó lười học!


Đã có lúc: “chuồn chuổn chuồn chuồn, bay lượn trong vườn, bay đông bay tây, trông như tàu bay” mà trẻ con lại thích. Tại sao vậy?

Tối hôm qua mấy ông trên ti vi bàn chuyện phim hoạt hình tại sao không có người xem. Trong khi phim của các ông được các ông ca ngợi: nội dung súc tích, tư tưởng lành mạnh, khuôn hình đẹp, âm nhạc hoành tráng… có nghĩa là hay mọi nhẽ. Các ông làm ra rồi tự khen nhau. Đến cả cái Cánh Diều vàng “Xe đạp” của bà Phương Hoa, báo chí trầm trồ tốn bao nhiêu giấy mực…Nhưng đưa cho trẻ con xem thì nó bảo: chả thích. Chiếu lần hai thì rất nhiều đứa “ứ xem”.

Nhưng trẻ lại thích xem Tôm và Je-ry. Chúng thích đến mức quên ăn. Tại sao vậy!

Rồi các vị lãnh đạo đức cao vọng trọng trống dong cờ mở tiền hô hậu ủng về các nhà trường hùng hồn rao giảng, toàn lời vàng ý ngọc, báo chí đưa tin đăng lại bài phát biểu một cách trang trọng. Vậy mà lũ trẻ ở dưới vẫn đánh nhau, vẫn nô nghịch, vẫn nói chuyện như chợ vỡ… dù cho giáo viên chủ nhiệm kề bên nghiến răng trợn mắt. Lãnh đạo tức quá trách cứ, phê bình nhà trường không biết giáo dục, để học sinh ý thức kém.

Nhưng một đứa trẻ con khác lên hát. Hát vo thôi. Không có nhạc. Mà cũng chả hay. Tất cả nghển cổ im phăng phắc nghe. Tại sao vậy?

Tại sao vậy? Câu trả lời dành cho người lớn!

Tự dưng nghĩ vậy. Kể cũng vớ vẩn!

À mà mình đang nói chuyện trẻ con…

(Ảnh mạng- không liên quan đến bài viết)
... Đọc thêm!

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

"MẤT LẬP TRƯỜNG!"

Trong chiến trường, vài năm lính mới được xem văn công văn nghệ một lần. Thường vào các dịp kỷ niệm hoặc trước khi lên đường vào chiến dịch. Cấp trên tổ chức gọi là có tí sản phẩm tinh thần để động viên chiến sĩ hăng hái chiến đấu.

Thực ra ba năm đánh nhau mình chỉ nhõn một lần xem văn công chuyên nghiệp. Lần ấy đoàn văn công Quân khu về biểu diễn. Nhưng lính không thích lắm, vì toàn hô bài chòi không quen. Giọng Quảng hơi khó nghe, nhịp điệu lại đều đều… nên chán. Lính miền Bắc nghe xong là xuyên tạc tán tếu: “To daè…i cứng ngheéc… mà… thẳng tưng ừ; Chi mô mà răng rứa chừng chừng mà quá tai… quá tai mà chừng ứ chừng… quá tai mà chừng ứ chừng…” Đại loại thế.

Thế rồi năm 73 Trung Đoàn mình tổ chức ra cái đội văn nghệ xung kích. Toàn đực rựa miền Bắc. Diễn viên thì dễ tìm, lính thằng nào chả thích hát! Khó nhất là tìm đứa đóng giả con gái. Tìm mãi được thằng Sinh người manh mảnh, da trắng õng ẹo như con gái thật. Nhạc công thì chọn được một thằng võ vẽ ghi ta, một thằng thổi sáo tàm tạm (Lính bảo: thằng này thiếu bún… thừa nước... sáo chó) và hai thằng biết kéo nhị và đàn bầu vì nhà các hắn có nghề phường kèn đám ma.

Lấy tre rừng khoét sáo, dùng lồ ô làm nhị, tre luồng làm đàn bầu. Riêng cái ghi ta thì khó. May có một thằng vốn là thợ gò, hắn lấy duya-ra mảnh máy bay Mỹ làm một cái đàn ghi-ta. Nghe cũng hay phết. Hồi mình ra quân thấy còn bày ở nhà truyền thống Trung đoàn… không biết bây giờ có còn không?

Miền Bắc thì thích hát chèo. Nên chương trình nào cũng có hát chèo. Trong đám diễn viên thì thằng Đấu hát chèo khá nhất. Còn thằng Sinh chả hát được nửa câu, khi diễn thì mặt cứ đuỗn đuồn đuột ra như người mất sổ gạo. Hắn đóng con gái cốt là cho có màu để lính thích. Vậy thôi!

Chàng Đấu nuôi được một con chó con (giống chó kiến, tai ngắn), nên khi lớn lên con chó quyện với hắn như hình với bóng. Đấu đặt tên con chó là Ních (Chả là nước Việt ta ghét ai thì gọi người ấy là chó, rồi có phong trào lấy tên TT Mỹ đặt tên cho chó nhà mình. Bây giờ có ghét mấy cũng chưa thấy ai đặt tên chó theo tiếng Tàu- Chắc sợ bị quy là…).

Nuôi chó thì không khó. Đến bữa nó xuống chỗ anh nuôi ăn chực, và lại tiện lợi vì Đấu ta đi xia không phải mang xẻng đào“hố mèo”. Đi đánh nhau thì con chó của hắn được gửi ở hậu cứ…

Một lần, chả biết tay nào còn trang sức cho con chó củ riềng đeo vào cổ. Có vậy thôi mà Đấu tức lắm. Hắn chửi toáng: “Mẹ cái loại chỉ hay ăn… có mà ăn cứt cho thằng Ních.” Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn tên là Cân (lính gọi là Cân Toét vì ông này mắt lúc nào cũng đùn dử, nhênh nhếnh nước) nghe nói vậy thì bảo: “Bậy bạ! Mất lập trường. Dám bảo đồng đội ăn cứt kẻ thù.”

Chiều hôm ấy tại vườn mít cạnh bờ sông Tranh, bọn mình được xem Đội văn nghệ xung kích diễn hoạt cảnh chèo “Đường về đơn vị”. Nội dung có một anh chiến sĩ bị thương đang điều trị tại trạm quân y nhưng vì nhớ đồng đội, hăng hái muốn lập chiến công nên đã trốn về đơn vị. Chuyện bốc khoác vậy mà bọn mình xem say sưa. Loa đài tậm tà tậm tịt, tiếng nhạc đệm nghe tiếng được tiếng mất… nên những đoạn lưu không lính ta tưng tửng đệm đàn mồm. Có mấy thằng còn tếu táo “Anh ơi dậy mà xem- Thằn lằn nó cắn chân em” “lùng nhùng lùng nhúng trong chăn”


Đấu ta vừa ngâm sổng vừa nhìn về phía mấy cây mít:

Trông lên đỉnh núi
Nhớ tới quê nhà
Nơi quê hương… kìa… Ních xơn điên cuồng bắn phá
Trong này chiến thắng nở hoa…


Lính ta dưới đệm đàn mồm: lùng nhùng lúng nhúng trong chăn

Chợt con Ních chạy ra sân khấu hít hít vào chân Đấu… Chắc nghe thấy Đấu vừa hát “kìa… Ních xơn” thì nó tưởng là… chủ gọi.

Đấu không nhìn thấy. Lại hát tiếp sang điệu “trần tình”, tay ngoáy ngoáy đưa lên trời rồi một tay trỏ vào ngực ra điều nhớ nhung:


Bâng khuâng một ì mình… nhớ ơ đơn í vị ị ị
Nhớ ì đồng chí… nhớ… í… chiều quân ì hành…


Con chó Ních nghển mõm nhìn theo tay ông chủ… Đấu xoay người một vòng, con chó cũng chạy một vòng theo chiều xoay của Đấu, mắt nó nhìn chăm chăm vào tay múa… tưởng rằng chủ nó đang rút từ túi áo ngực một cục xương…

Phía dưới, khán giả được phen cười ầm ĩ…

Tay Cốc (người Hà Bắc) thấy vậy thì bực vì con chó phá đám. Hắn vớ được một cục đá giang tay ném thẳng lên sân khấu. Phát ném trúng đích, chính xác một cách ngoạn mục. Con Ních oẳng một tiếng thất thanh rồi tru lên đau đớn và chạy biến…

Vậy là tan cái hoạt cảnh. Anh chiến sĩ không tiếp tục hát múa bỏ về đơn vị nữa mà bỏ chạy để đuổi theo con chó…

Rồi cũng tiếp tục diễn. Nhưng nhạt toẹt… vì tay Đấu mồm hát mà mặt ủ mày chau. Chắc đang mải nghĩ làm sao để tìm được con chó.

Đến tối cũng không tìm được. Đêm về Đấu ta nằm i ỉ khóc: “Ních ơi.. mày bỏ tao đi đâu… Ních ơi ời…”

Ông Cân Toét nghe thấy Đấu ỉ eo vậy thì điên tiết. Ông bảo tay công vụ: “Mày sang bảo thằng Đấu im cái mồm! Gọi tên kẻ thù mà như gọi người thân. Mất lập trường. Chả khác gì phản động!”


(Ảnh mạng, không liên quan đến bài viết)

... Đọc thêm!

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

"...CHỈ BẰNG CON KIẾN!"

Mình bị mang tiếng là thằng hay gây gổ.

Cách đây vài năm, trong giờ giải lao của một hội nghị. Mấy tay ngồi tán gẫu với nhau. Từ chuyện cơm áo gạo tiền đến chuyện thế giới…

Một tay tên là X (Hiệu trưởng trường Cấp 2) bảo:

- Nghe nói trong Sài Gòn hôm rước đuốc Ô lim pic Bắc Kinh, sinh viên tụ tập hô khẩu hiệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Chắc là bị “bọn thế lực thù địch phá hoại nhiều mặt” xúi giục. Rõ dớ dẩn! Tớ đo trên bản đồ thì Hoàng Sa gần Hải Nam Trung quốc hơn. Gần nước nào thì là của nước đó chứ…

Mình tròn mắt: Một thằng Cử nhân Đại học sư phạm môn Địa hẳn hoi mà lại phát biểu ngu thế! Vậy là mình vặc lại:

- Ơ cái lão này! Chả biết cái đếch gì! Đâu có phải cứ gần nước nào là của nước ấy. Vậy tại sao đảo Ha-oai là của nước Mỹ?… vấn đề là nước nào phát hiện và xác lập chủ quyền trước, Công ước Quốc tế đâu có quy định khoảng cách.

Thằng cha đuối lý… nhưng hắn vẫn tức với mình, tức vì nói như vậy là xúc phạm danh dự của hắn. Rồi hắn chửi mình: “Ông tài giỏi đé…o gì mà dám bảo người ta chả biết cái đếch gì.”

Ở huyện, người bảo mình là thằng hay gây gổ!


Lại một lần khác sau đấy vài tháng…

Mình có cái laptop hàng bãi, vào mạng thấy có cái tít Hải chiến Trường Sa. Mở ra là cái video clip cảnh lính Tàu hô khẩu hiệu rồi “tả tả” xả súng bắn chiến sỹ ta ở bãi Gạc Ma hồi năm 1988 (Đài HTV9)… Đau đến nghẹn người và tức uất không chịu được… Mình “đao” về máy.

Hôm ấy Đảng ủy triệu tập tất cả các Bí thư Chi bộ về phổ biến công tác tháng. Nhưng cái cảnh anh em chiến sĩ mình bị nó bắn… cứ ám ảnh mình. Nhân lúc chưa họp, mình mở laptop, mọi người xúm lại xem (vì lúc bấy giờ máy tính xách tay ở nông thôn vẫn còn là của hiếm). Mình cho chạy cái clip đau thương ấy để mọi người cùng xem. Ai cũng tức, cũng đau..

Chợt nghe một giọng nói ráo hoảnh:

- Nó là nước lớn, trêu vào… nó đánh cho bỏ mẹ!

Mọi người sững sờ nhìn cái tay vừa nói: tay Y- Bí thư chi bộ xóm 5. Mình không kìm nổi, đứng dậy chỉ vào mặt hắn ta:

- Ai trêu? Đảo của mình, mình giữ. Thấy chiến sĩ anh em mình chết thảm như vậy mà không biết đau, không biết tức à! Ông không phải là người Việt Nam à!

Hắn ta thấy mình nói vậy thì bảo là mình xúc phạm rồi văng tục, chửi mình hết xấu…
Mọi người lảng ra… chả ai nói gì. Tự dưng mình thành người đơn độc.

Một lãnh đạo thấy cãi nhau, nghe xong chuyện bảo: “Có cái chuyện gì quan trọng đâu mà các ông phải cãi nhau”

Ôi giời ơi! Vậy chuyện gì mới là quan trọng?

Ở xã, người ta cũng bảo mình là thằng hay gây gổ!

Buồn! Chả biết nói với ai. Nhưng mình vẫn nghĩ mình đúng và gọi hai tay kia là “thằng”.

Hôm trước ghé vào trang Nhà văn Phạm Viết Đào thấy kể ông Nguyễn Duy Chiến- Bí thư ban cán sự, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới của Bộ ngoại giao nói ngày 14/11/2011 nào là Trung quốc và nước ta “có chung ông Tổ Mác Lê nin”, Đưa bản đồ ghi bằng tiếng Anh vùng Trung quốc khuấy đảo dịch là “biển Nam Trung Hoa”, nào là vụ cắt cáp tàu Vi king 2, tàu Bình Minh 2 của VN là “Yêu cho roi cho vọt”.

Nghe mà lộn ruột! Tức!

Lại giật mình…

Giật mình vì hai thằng X, Y nó nói vậy vì nó không hiểu biết, nó vô cảm, … nhưng sao cái lão ở tít trên giời cao: đầu đội chủ trương,chân vững lập trường, tay giương đường lối cũng nói vậy…?

Đất nước mình có bao nhiêu người như cái đám X, Y và ông cán sự kia?

Giá mà gặp. Chắc lại cãi nhau.

Rồi ở đâu người ta cũng sẽ bảo mình là thằng hay gây gổ


Hôm vừa rồi, nghe Thủ Tướng trình bày tường tận trước Quốc Hội về lịch sử, chủ quyền, quan điểm đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Mình sướng quá, nhẹ lòng như được minh oan…

Sướng vì mình vẫn đúng! Bởi vì Thủ tướng to gấp chục lần ông Phó ban của Bộ..., gấp ngàn lần những thằng kia.

So với ông Tấn Dũng thì “ông Chiến chỉ bằng con kiến”


Nhưng chả biết hai thằng X, Y có nghe đài xem ti vi không? (Vì đài với ti vi cũng chỉ điểm qua loa)

Nếu hôm nay chúng nó còn tiếp tục nói như vậy thì mình sẽ còn tiếp tục gây gổ… vì những thằng ấy “chỉ bằng con kiến”

Hoàng Sa Trường Sa muôn đời là của Việt Nam!


Chú thích: X, Y là những cái tên đã được nhà Cua đặt lại...


... Đọc thêm!

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

RÙNG MÌNH VÌ... TRỌNG CHỮ

Mai Thanh Hải sáng nay có bài "Báo Nhân dân ngày xưa, chắc khác bây giờ" gợi cho mình một kỷ niệm về một ông bạn lính. Kể tý cho vui. Mình phải đổi tên các nhân vật để ai đó khỏi chạnh lòng.
Đánh nhau ở chiến trường Quảng Nam- Quân khu 5 khó khăn thiếu thốn đủ thứ. Gạo phải lấy từ dưới vùng đối phương đang chiếm đóng nên không có nhiều, chỉ hai lạng một ngày còn ăn độn toàn củ chuối rừng.

Sách báo lại càng thiếu. Lâu lâu có được tờ tin của Quân khu phát cho đại đội lúc được về hậu cứ nghỉ ngơi dăm bữa nửa tháng. Đọc cái tờ tin toàn chuyện đánh nhau: ta thắng ở đâu, diệt bao nhiêu địch… Thực ra những thằng lính đánh nhau quanh năm, đã biết thế nào là thắng thua… nhiều khi người ta viết tin về đơn vị mình mà cứ ngỡ chuyện ở đâu đâu… nên cũng ngán.

Thỉnh thoảng cũng có bài thơ đăng trong tờ tin. Đọc xong chuội hết, chả nhớ gì. Duy chỉ có một lần lính tráng trầm trồ kháo nhau bài thơ: “Ngã ba…” (còn thiếu 2 chữ nữa mà không nhớ ra) của NTBH (Bút danh của NTH*). Mình đọc thấy cũng vầy vậy! Nhưng lính trầm trồ vì tác giả lúc ấy cũng có mặt ở Sư đoàn mình. Một bài thơ viết về cái địa danh mà lính tráng cả sư đoàn đều biết, tác giả lại là nữ, nữ làm thơ thì quả là kỳ tài, hơn nữa nhà thơ nữ ấy lại đang hiện diện ở đơn vị. Thế là cánh lính coi là thần tượng.

Thần tượng qua mồm lính thì cụ thể hơn một tý nữa gọi là H Đen. Thanh Thôi (Hải Phòng) là tay chụp ảnh ở tuyên huấn Sư đoàn còn khen H có cái miệng rộng với lý do: “Mẹ tao bảo mồm rộng là để ăn rau sống… Người ăn nhiều rau sống là người tốt!”

Vậy nên cực quý những tờ báo từ ngoài Bắc đưa vào, quý đến mức cực đoan. Và cực kỳ kính trọng các nhà văn nhà thơ…

Trong đơn vị có lão Thùy (người Bắc Giang) hơn mình đến bốn tuổi. Lão hiểu biết nhiều vì rất ham đọc. Vớ được sách báo là ngấu nghiến đọc không sót chữ nào. Đối với lão thì tất cả những tờ giấy có chữ in đều là quý. In ra là chỉ để đọc, không được dùng vào việc khác. Lão bảo: “Mỗi chữ in ra là trí tuệ, là tri thức. Các nhà văn nhà thơ phải vắt óc để mới viết ra được. Mà những cái được in ra là đã được công nhận. Không thể coi thường! Đầy người viết mà có được in đâu.”

Lão có hẳn một cái túi nilol đựng các bài viết in mà lão cho là hay đã cóp nhặt được. Quý lắm. Phải người thân mới cho xem.

Trọng chữ đến cực đoan như vậy nên lão Thùy nhà ta đi vệ sinh chùi đít toàn bằng… giấy trắng. Lão có hẳn một quyển vở kẻ ly (cũng gửi mua từ vùng sâu) để xé dần làm cái công việc ấy…

Một hôm lão hỏi mình: “Có cách nào để làm sạch phân ở trên giấy báo được không”. Mình bảo chỉ có cách là rửa bằng nước lã. Lão bảo: “ Không được! Rửa bằng nước lã thì mủn mẹ nó giấy, với lại chữ nó bay hết”. Mình bảo vậy thì chịu.. và hỏi thêm làm việc gì mà hỏi thế.

Thùy tức tối ra mặt:

- Mẹ nó! Quân vô học! Bài báo hay tuyệt vời, vừa hào hùng vừa đanh thép đến… đến rùng mình. Viết tài thật! Vậy mà có thằng làm giấy chùi đít. Chắc lão nào ở trong Ban chỉ huy… vì báo này chỉ ở Ban Chỉ huy Đại đội mới có. Thế mà cũng đòi làm lãnh đạo.

Thì ra lúc lão ra rừng đi đại tiện nhặt được tờ giấy có chữ in. Nói là nhặt cũng không phải, vì ở chiến trường lính ta khi cần đại tiện thì mang theo cái xẻng quân dụng, ra rừng kiếm chỗ đất mềm, đào một cái hố nho nhỏ và đi vào đấy. Xong thì vứt giấy chùi (có khi là lá cây) cũng vào đấy… rồi lấp đất lại. Lính tráng gọi là “hố mèo”. Lão Thùy nhà ta lần ấy đang ngồi rặn chợt thấy gần đấy có cái đầu mẩu giấy trồi lên trên mặt đất. Nhìn kỹ… là giấy in chữ. Vậy là lão đào lên… xem xong đem giấu vào một chỗ.

Lão dẫn mình ra chỗ giấu cái bài báo ấy- còn khá nguyên vẹn. Đó là bài xã luận trên báo ….(**). Mình nhìn cái mảnh báo… Kinh quá, bịt mũi lại và suýt nôn ọe! Vậy mà Thùy đã chịu khó đọc để rồi nức nở khen tuyệt hay, hào hùng, đanh thép…đến rùng mình. Quả thật mình cũng rùng mình đến... phát nôn.

Nhưng Thùy không chịu thua. Mấy hôm sau thấy lão khoe: “Được rồi!”. Hỏi làm cách nào mà "được rồi" thì lão bảo:


- Nghĩ mãi mới ra! Phải cẩn thận từng bước. Bước một: Phơi nắng hai ngày cho khô cong. Bước hai: dùng que nứa vừa gạt vừa đập cho bong hết phân. Bước ba: Xé cuộn băng gạc được phát cho hôm đi đánh nhau, may mà đếch việc gì nên vẫn còn… lấy bông thấm nước hòa kem đánh răng xoa nhẹ vệt vàng vàng. Làm trực tiếp ngoài giời nắng để lau đến đâu thì khô ngay đến đấy. Vậy mà được! Giờ thì đọc tốt. Mày có đọc không?

Mình chối ngay. Vì vẫn còn cảm giác kinh kinh hôm nào…

Lão Thùy chép miệng:

- Mà nó ăn gì mà cứt thối thế không biết. Cứt lính bọn mình có thối vậy đâu… tao phải lấy dầu gió Nhị Thiên Đường đổ vào mà vẫn còn vẫn còn mùi …!

Chú thích:
* Nhà thơ nữ H thời gian 1972-1975 đi thực tế ở đơn vị mình. Vì H lúc ấy gầy quá nên Thanh Thôi mới trêu vậy.
** Mình vẫn còn nhớ tên bài xã luận nhưng đưa lên e rằng người ta lại suy diễn phức tạp.


(Ảnh mạng minh họa cho vui mắt- không liên quan đến bài viết)

... Đọc thêm!

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

NHỠ TAY !...

Thấy Mai Thanh Hải đưa cái "phụ tùng xích líp..." thì kể góp với lão ta chuyện này cho vui:

Bọn mình vào lính toàn ở độ tuổi choai choai, đa phần chưa có người yêu. Thằng nào có người yêu thì cùng lắm cũng chỉ được “thơm” vào má người yêu một phát là cùng. Vì ngày ấy kiêng khem dữ lắm chứ chả như bây giờ.

Tuổi choai choai là tuổi chưa thành “người lớn”, nhưng không còn trẻ con, đã thích con gái. Đối với bọn mình chưa có người yêu nên chỉ biết phái nữ qua tưởng tượng. Lão Hưng trung đội trưởng đã có vợ ngồi kể chuyện ngủ với vợ thế nào… sướng lắm! đầu tiên là đưa tay sờ ti…. nào mềm, nào ấm, nào đầy đầy… bọn lính trẻ chúng mình há hốc mồm ngồi nghe. Khoái củ tỷ.

Nhưng lão Xuân- Đại đội phó bảo: thằng Hưng nó bốc phét, nghe làm gì, nó như thế này thế này cơ… nó rắn câng cẩng, nó mát rười rượi… Tức thật, chả biết đúng sai thật giả thế nào. Rồi tưởng tượng! Mà tưởng tượng hình dung gì thì cũng qua cái hình cái bóng cụ thể: đó là các nữ “anh nuôi”.

Đại đội mình có mấy cô anh nuôi. Cũng không xinh. “Cằm cô Luận, trán cô Binh, tớ đem ghép lại thành hình Lê nin”, “Đùi Na, má Dánh, mông Đào; nếu đem ghép vào quỷ dữ chạy xa”. Mình đặt ra câu ấy để trêu. Trêu thì trêu vậy nhưng vẫn thinh thích… Bởi vì cả đại đội hơn trăm thằng toàn đực rựa, có mỗi năm cô khác giới…

Hay thử liều một phát…

Nhưng lại sợ! Nhỡ nó tát cho thì nhục…

Vậy là theo đuôi các anh lớn, mạnh mồm kháo chuyện với nhau. Nhưng đến trước bọn nữ anh nuôi thì…ngọng cả đám.

Thằng Quốc trong tiểu đội là thằng hung hãn nhất, chả biết sợ là gì. Quốc bảo: “Để tao!”


Hôm sau Quốc ta cố ý lùi lại xếp hàng sau cùng khi ăn cơm.

Cũng nói thêm ngày ấy ăn cơm ở sân kho HTX, nghe keng keng tiếng kẻng cơm khua thì lính cầm bát đũa ra sân kho. Cả đại đội tập trung thành sáu hàng dọc, lần lượt 6 người theo hàng ngang tách ra, biên chế thành “mâm”, 3 chị nuôi ở trong cái cửa liếp chắn lưng chừng đưa cho một soong cơm, một soong canh, một đĩa 4 ngăn đựng thức ăn. Lính đứng ở ngoài liếp nhận lấy. Sau đó cái biên chế “mâm” bê cả ra sân, tìm chỗ trống ngồi xổm ăn cơm chứ không có nhà ăn như bộ đội bây giờ.

Đang ăn thì thấy thằng Quốc từ chỗ phát cơm canh vừa chạy vừa vuốt mặt, mồm la oai oái. Canh rau muống rớt đầy tóc, bám lên mặt lên cổ…

Mọi người ngơ ngác. Chẳng hiểu tại sao.

Hỏi mấy “chị nuôi” thì thấy mấy cô mặt lạnh như kem quốc doanh bảo: “Nhỡ tay”

Không thấy Quốc ra ăn cơm nữa. Mình chén xong về đến nhà trọ thì hắn đã tắm xong.

Quốc thì thầm kể với mình: hắn đợi ở hàng sau cùng, tới lượt hắn ta đến chỗ “chị nuôi” Dánh để nhận canh. Bằng hai tay, Dánh đưa soong canh cho Quốc. Thay vì đỡ lấy soong canh từ tay Dánh… hai tay hắn lại đưa ra... bóp vú “chị nuôi”…

Dánh bị bất ngờ, tức đỏ mặt nhưng không thể bỏ soong canh xuống vì vướng tay của thằng giời đánh đang…

Dánh lúng túng đến mấy giây. Và việc gì đến phải đến: cả soong canh trút lên đầu thằng Quốc. Quốc vội bỏ tay khỏi ngực đối thủ và chạy biến.

Mình hỏi: “Thấy thế nào? Thích không?”

Quốc ta đượt mặt:

-Chả ra cái đếch gì… cứng như bọc bìa cat- tông, khô khồ khồ. Mấy lão chỉ nói phét!

Hi Hi...

(Ảnh mạng, không liên quan đến bài viết)

... Đọc thêm!