Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

TUẦN NGỐ ...

Đầu xuân năm mới...nhà Cua xin gửi tới các bạn cái chuyện vui vui ... để mong cả năm được vui vẻ.

Ông Trưởng xóm vừa đi vừa lẩm bẩm: “Bỏ mẹ! Mai là hết hạn mà chỉ tiêu xóm mình vẫn chưa đạt. Làm cách nào bây giờ? Làm cách nào bây giờ?”
Giá là cái cây thì chặt béng đi là gọn, là con lợn đực thì đè mẹ nó ra mà cắt dái là xong. Nhưng đây là con người, vận động đến sùi bọt mép mà cả xóm chẳng thằng nào chịu.. Làm thế nào bây giờ. Làm cách nào bây giờ?

Chợt ngoái lại, thấy thằng Tuần Ngố đang luật quật đi cùng chiều. Trông bộ dạng vắt vẻo của hắn mà buồn cười: đầu cúi gằm, hai tay vung vẩy, chân bước thập thõm…Mẹ thằng khỉ! Ngố vậy mà có con vợ khá gái phết. Cứ phôm phốp phôm phốp, trắng trắng là… như thể ngó cần…Chắc thằng này đang thèm rượu. Ừ nhỉ. Tại sao không vận động thằng này? Đúng rồi. Sao mình không nghĩ ra? Hay thật!

Ông đứng lại đợi cho Tuần Ngố đến gần.

- Tuần! Đi đâu đấy?

Thằng này vẫn vắt vẻo bước, mặt cúi gằm:

- Gì?

- Đến nhà tao uống rượu!

- Thật không?

- Thật. Nhà tao có rượu ngon lắm. Đến nhá!

Thằng ngố bây giờ mới ngẩng đầu, hắn cảnh giác nhìn người đối diện. Chả bao giờ lão trưởng xóm lại mời uống rượu, cả cái xóm này đều vậy… Những việc nặng nhọc bẩn thỉu chả ai thèm làm như xúc phân hố xí, thu dọn chuồng lợn thì mới gọi hắn đến làm. Rót cho vài chén rượu, trả cho vài đồng là xong. Vừa rẻ vừa đỡ phải vất vả nịnh nọt tìm người.

- Làm gì?

Ông xóm trưởng hề hề cười ra điều thân thiện:

- Chả phải làm gì đâu. Uống rượu chơi í mà.

- Ngay giờ á!

Đúng là thằng này đang cơn thèm rượu. Được rồi. Mày chết với ông. Đợt này thì ông chắc chắn hoàn thành chỉ tiêu.

- Ngay bây giờ! Tao đang rỗi.

Tuần Ngố đánh một hơi ba chén tống, miệng xuýt xoa: “Mẹ.. rượu ngọt thế. Ngon không thể tả được! Bác thửa được cái giống rượu khớ thế!” rồi vươn người với chai rượu để rót tiếp. Nhưng đồng chí Trưởng xóm đã nhanh tay giữ khư khư chai rượu, ngón tay cái bịt miệng chai cẩn thận như để rượu khỏi bay hơi. Cái đầu trưởng xóm gật gù, cái miệng thì thào:


- Này! Có việc này hay lắm. Vừa có tiền uống rượu. Vừa có thóc đem về cho vợ. Làm không?

- Đi ăn cắp à?

- Ôi cái nhà chú này! Sao lại cứ phải ăn cắp mới có tiền, mới có thóc! Đây là làm việc cho Nhà nước, làm cho xã hội, làm cho phong trào, làm cho nhà mình… Rất nhiều cái lợi. Mà lại chả phải vất vả gì! Chiều nay đi huyện. Chỉ một loáng là xong. Xe đưa xe đón. Hai tạ thóc với một trăm ngàn đồng đưa đến tận nhà. Thế mới hay chứ lị.

Tuần Ngố tròn mắt. Việc gì mà lại hay thế nhỉ? Không phải làm mà vẫn có tiền, có thóc mà lại lợi ích tứ bề.

Đồng chí trưởng xóm bây giờ mới phọt ra:

- Đi triệt sản!

Chàng ngố hỏi lại:

- “Tiệt sản” là cái gì?

- Là đi thắt ống dẫn tinh- Ông trưởng xóm giải thích.

- Ống dẫn tinh là cái gì?

Đúng là thằng ngố! Lại phải giải thích. Mãi thằng này mới nghe ra. Nhưng khi nghe ra rồi thì hắn giãy nảy:

- Vậy không “ấy” được vợ nữa à. Đếch vào! Vợ tôi nó đánh chết tôi. Tối nào nó cũng bắt phải "ấy" một phát rồi mới được ngủ...

Trưởng xóm hoảng. Cơ màu này lại mất không mấy chén rượu. Vậy là ông đành nghiêng chai rót đầy vào chén của Tuần, rồi chuyển gam thẽ thọt:

- Vẫn “ấy” vợ bình thường. Dưng mà vợ mày nó sẽ không to bụng nữa. Không đẻ nữa. Mà mày cần đếch gì đẻ nữa. Bốn đứa rồi còn gì. Khổ bỏ cha chứ báu gì! Đồng ý nhá.

Tuần Ngố làm một hơi hết chén rượu… rồi nghe ra. Ừ kể cũng khiếp. Mấy lần đàn bà ngồi ổ, nó vặt vẹo mình đến tối mặt chả biết lối nào mà lần. Ăn cũng chả có mà ăn thì nói gì đến rượu. Khổ không thể tả được! Đằng này lại có cả tiền lẫn thóc. Xong béng! Nhưng vẫn còn ngài ngại:

- Để tôi về bảo với con vợ tôi đã.

Trưởng xóm vội rót đầy vào chén Tuần Ngố:

- Ấy không! Việc ấy để tao. Cứ đi lên huyện về rồi tao sẽ bảo với vợ mày.

Ngay chiều hôm ấy chàng ngố cùng Trưởng xóm, đại diện Hội Phụ nữ, đại diện Trạm Y tế, đại diện Ban Kế hoạch hóa gia đình, đại diện… Dăm sáu người được một cái Công nông chở lên bệnh viện huyện.

Mấy hôm sau xóm được tuyên dương là đơn vị dẫn đầu hoàn thành chỉ tiêu triệt sản, đặt vòng Kế hoạch hóa. Được thưởng năm trăm ngàn đồng. Hội đồng xóm liên hoan to lắm.

Tuần Ngố đi đâu cũng khoe: “Bác Trưởng xóm đến là tốt, tốt không thể tả được! Từ cái dạo tớ đi “tiệt sản” đến giờ, chả mấy ngày mà bác ấy không sang thăm… Lần nào bác ấy cũng cho chai rượu. Mà rượu nhà bác ấy ngon lắm nhá, ngon không thể tả được! Lần nào cũng say mê man… Mà vợ tớ dạo này hiền lắm. Nó đếch bắt phải "ấy” iếc gì. Ngủ thoải mái."

Nhưng sau đấy mấy tháng lại thấy bụng vợ Tuần Ngố phình ra như cái trống.

Cả xóm ngơ ngác: Sao lại có sự lạ như vậy? Hắn đã tiệt sản rồi cơ mà!

Ông Trưởng xóm bảo: “Có cái gì tuyệt đối trăm phần trăm đâu. Chắc là có sai sót trong kỹ thuật. Ngày xưa nghiêm thế mà đức Thủy Tổ họ tôi vốn làm Thái Giám trong triều nhưng vẫn sinh con đẻ cái, nên bây giờ có cả một dòng họ như ngày nay. Đấy cứ xem trong Gia phả họ thì biết”


Rồi vợ Tuần Ngố đẻ ra thằng con giai, mặt mũi phương phi lắm. Hàng xóm đến thăm, lúc ra về mọi người xì xào: “Đúng là con nhà tông không giống lông cũng giống cánh… dưng mà thằng này sau này khá…!”

Tuần Ngố nghe vậy thì khoái củ tỷ, hắn bảo: “Ngẫm ra sướng không thể tả được! Chỉ hơi ran rát tý như bị kiến kềnh cắn, mà vừa được tiền, vừa được thóc, vừa được rượu uống, vừa… không phải "ấy" mà... vưỡn có con.”



Đấy là chuyện vào những năm cuối thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước.

Trưởng xóm tiến bộ không ngừng. Năm nào cũng hoàn thành mọi chỉ tiêu. Lại chăm chỉ học hành hết bổ túc lại tại chức hàm thụ. Bây giờ Trưởng xóm đã là lãnh đạo Huyện có bằng Thạc sĩ hẳn hoi.

Thằng cu con nhà Tuần Ngố vậy mà thông minh sáng láng. Nhà vẫn nghèo nhưng mẹ hắn vẫn đủ tiền để nuôi hắn học một lèo xong Cao học. Tài thế! Trong khi đó các anh chị của hắn chưa hết cấp hai đã phải bỏ học.

Trong bia Học vị của làng thấy đề chữ Th.s trước tên của ông Trưởng xóm cũ (bây giờ là lãnh đạo huyện) và tên thằng con nhà Tuần Ngố. Hai cái tên được xếp liền nhau, trên cùng… vì đấy là hai người có học vị cao nhất xóm.

Tuần Ngố vênh mặt tự hào: “Nhá! Thấy chưa? Giống nhà tớ thông minh. Thông minh không thể tả được! Con tớ gần nhất xóm. Từ nay đố đứa nào gọi tớ là Ngố nhá… có mà tớ vả cho rơi răng”

Còn các cụ cao niên mắt mũi kèm nhèm, còng lưng nghển cổ xem bia cứ đọc Th.s thành Thiến sót…

(Ảnh mạng, không liên quan đến bài viết)

... Đọc thêm!

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!


Đào thế Rồng chầu mừng Năm mới

Nhà Cua nhân năm mới Nhâm Thìn xin chúc bạn bè gần xa: vui Xuân đoàn tụ, vạn sự hanh thông, thế mạnh như Rồng, nhà nhà hạnh phúc.


(Ảnh xin từ trang Quê choa)
... Đọc thêm!

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

BÁNH CHƯNG... DÉP!

Năm ấy mình học lớp 4.

Thường ngày đến trường toàn đi chân đất. Trước khi đi ngủ mới rửa chân, rồi lộc cộc guốc gỗ từ cầu ao vào nhà để leo lên giường. Năm nào ông nội cũng đẽo cho đôi guốc gỗ xoan, quai bằng mảnh vải bạt.

Tết ấy mẹ bảo: Năm nay được giấy khen. Mẹ thưởng cho đôi dép cáo su.

Tối hôm hai ba ông Táo lên giời, mẹ đưa cho mình 5 đồng… bảo đi phiên chợ tết ngày hai nhăm tháng chạp để mua dép.

Năm đồng lúc bấy giờ to lắm. Hơn thùng thóc. (10kg)

Cả đêm không ngủ. Ngày hai bốn chờ đợi. Tờ 5 đồng mình gói lại đem giắt vào kẽ vách. Thỉnh thoảng lại chạy vào mở ra xem. Thấy tiền vẫn còn. Yên tâm!

Sáng ngày hai nhăm, mình háo hức đi chợ. Tay nắm chặt tờ 5 đồng. Mỏi tay này thì dừng lại, mở tiền xem còn nguyên vẹn rồi chuyển sang tay kia.


Mình đi rõ sớm vì sợ gặp bạn bè… sợ chúng nó rủ đi chơi rồi mất tiền. Với lại cũng muốn bất ngờ để khoe với chúng nó: mình có dép.

Đến chợ chen gần chết mới đến được cửa hàng ông bán dép cao su.

Mình được ông bán dép chọn cho một đôi dép đẹp lắm. Hai đầu cong vút, giữa lòng mo. Bốn quai thơm mùi cao su, dưới đế lại còn khía hạt na. Vừa vặn chân. Hết bốn đồng tám. Vẫn còn hai hào.

Mình xỏ chân ngay vào dép, nghiến răng kéo cái dây quai hậu lồng vào gót. Đàng hoàng rồi. Hãnh diện ra về, cứ độ dăm bước lại nhìn xuống chân.

Nhưng được độ dăm trăm bước thì không chịu nổi. Bàn chân bị những cái quai dép thít lại như dây trói. Mu bàn chân phồng lên, còn lòng bàn chân đau rát và nóng như phải bỏng.
Đành phải cởi dép ra, kiếm cái dây chuối buộc vào rồi vắt lên vai đi chân đất về nhà. Bây giờ mới cảm nhận được cái sướng của việc đi chân đất: bước chân nhẹ tâng tâng, mặt đường mát lạnh. Sướng tê người. Mà sao trước đấy không nhận ra nhỉ.

Về nhà mình cho dép vào sâu tít gầm giường. Mẹ hỏi còn tiền không, mình đưa hai hào. Mẹ bảo: thôi mẹ mừng tuổi.

Sáng hai tám nhìn xuống gầm giường: đôi dép bạc phếch. Cái đế duỗi ra thành lòng máng như ống tre luồng bổ đôi. Xỏ dép vào… căng quai hậu, mũi chân thò ra trước mũi dép đến cả ngón.


Vậy là chịu, không thể đi được. Nghĩ bụng: Đi chân đất càng sướng. Nhưng lại tức, vì mua phải đôi dép đểu, lão thợ cắt ra từ cái mảng hông của cái lốp ô tô. Giá mẹ mua thì còn có cớ để văng ra ăn vạ… nhưng đằng này lại do chính mình đi mua.

Ông anh nhà bên cạnh thấy mình nhăn nhó thì hỏi làm sao. Mình trình bày. Hắn ta bảo: Khó đếch gì. Tao biết cách chữa.

Mình tin ngay, chẳng gì lão cũng hơn mình 3 tuổi. Nịnh nọt mãi rồi phải hối lộ hắn mất hai hào còn lại trong túi thì hắn mới chịu bày cho mình cách làm. Mất hai hào kể cũng tiếc. Nhưng mà đành vậy, chả nhẽ mua dép về lại để không.

Tối ba mươi, hàng xóm nhà nào cũng nổi lửa nấu bánh chưng. Nhà mình nghèo, chưa bao giờ nấu bánh chưng. Nhưng năm ấy theo lời lão mình về cuộn từng cái dép lại, lấy dây đay buộc chặt và cho vào nồi mười, đổ nước đậy vung và nổi lửa… ninh dép.

Hàng xóm qua chơi thấy trong bếp đỏ lửa, nồi mười đậy vung, nước sôi ình ịch thì bảo: “Năm nay nhà này khấm khá thế… gói được bánh chưng!” Mẹ mình chẹp miệng: “Vơng… gói mấy cái bánh chưng gù cho cháu nó ăn.”

Gần giao thừa, mình tắt bếp, vớt đôi dép nhúng xuống ao. Ngồi chờ dép nguội rồi nín thở gỡ dây. Tuyệt vời… Đôi dép cong lòng mo lên như mũi thuyền, đẹp hết chê. Sướng quá. Mất thêm hai hào cũng đáng.

Sáng mồng một, xúng xính trong bộ quần áo nâu mới may, mình lấy dép đi vào chân.
Trưa mùng một, đôi dép lại trở về hình lòng máng, lại như cái đoạn ống luồng bỏ đôi, mười ngón chân lại đi trước dép.


Tức quá. Tối lại bỏ dép vào nồi, lại ninh ình ịch ình ịch.

Hàng xóm sang chúc tết lại hỏi: “Nhà cháu tối mồng một mà vẫn ninh bánh chưng à? Ừ, cứ làm vậy thì ngày nào cũng được ăn bánh nóng.”

Ngày hôm sau cũng vậy. Tối mồng hai lại ninh dép…


Tết năm ấy chả được ăn miếng bánh chưng nào.

Vì mọi năm thấy nhà mình không gói bánh thì nội ngoại, hàng xóm đem đến cho. Có tết được dăm cái bánh chưng.

Còn năm ấy… chả ai cho! Mọi người bảo: “Nhà nó có bánh chưng rồi, ngày nào cũng ninh bánh, ngày nào cũng được ăn bánh chưng nóng… Mà cái nhà ấy vậy mà ăn độc. Cấm cho ai được lấy một miếng…”


... Đọc thêm!

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

XÓM THÙ DAI.

Làng mình có quốc lộ 21 chạy cắt ngang.

Ngày xưa đường rải đá lởm khởm gập ghềnh. Ngày vài chuyến xe khách chạy qua.

Dân làm lều quán bám mặt đường. Rồi cũng thành nhà ở.

Tự dưng làng mình lên thành thị trấn. Con đường được mở rộng hơn. Cán bộ công chức trong huyện đổ về làng mình mua đất để định cư lâu dài, đi làm cho tiện.

Có miếng đất mé bờ sông ven đường đang để không, vài ông thương binh làm quán: ông sửa xe đạp, ông bán bún chân giò.

Lãnh đạo huyện thấy miếng đất ngon, cấp cho con giai ông bí thư và con rể ông Phó Chủ tịch huyện.

Hai ông thương binh nhận được trát phải dỡ quán!

Hai ông này không chịu. Cả làng không chịu. Tất cả đều bảo rằng: Đây là đất làng, hai thương binh là người làng chưa có đất có nhà, vì thế phải để chỗ cho người ta làm ăn. Con cái lãnh đạo ở tận đẩu tận đâu sao lại về đây cắm đất?

Vậy là huyện tổ chức cưỡng chế. Dân quân, công an rầm rộ kéo đến phá nhà phá quán của thương binh.

Dân làng thúc trống báo động: “Bà con ơi , kiên quyết chống lại bọn Bôn Bốt Iêng xa ri cướp đất”. Cả làng kéo ra phản đối.


Nhà chức trách vơ một phát khoảng gần mươi người vì tội chống người thi hành công vụ. Thu luôn cái trống, bảo là tang vật nổi dậy chống chính quyền.


Vài hôm sau khám nhà người bị bắt thấy có cả thuốc nổ. Kinh thế! Mặc dù cái ông thương binh và cả gia đình nhà ấy ngớ người... khăng khăng không chịu nhận. Nhưng tang chứng vật chứng rành rành, rồi Công an lại “khéo léo sử dụng biện pháp nghiệp vụ để vận động thuyết phục” nên anh ta phải ký vào biên bản.

Kết quả mấy ông thương binh phải đi tù. Án nặng nhất là năm năm. Một ông ra tù được mấy tháng thì chết.

Lúc ông chết phải đi mượn trống của làng khác. Từ hồi ông đi tù đều phải mượn trống mỗi khi làng có đám ma. Làm cái trống không khó, nhưng làng bảo thế nào huyện cũng phải trả, lúc bấy giờ chả nhẽ làng lại có hai cái trống thì còn ra thể thống gì. Nhưng cái trống làng bị thu làm tang vật suốt cho đến nay vẫn chưa trả lại. Bây giờ cái trống vẫn ở chỗ công an huyện. Mãi vừa rồi làng mới làm quả trống mới.

Mấy ông ở huyện còn tuyên bố: “Cả nước chỉ có hai cái trống đi vào lịch sử: một ở Tiền Hải Thái Bình và một ở thị trấn Y. Phải giữ lại đưa vào bảo tàng ”.

Rồi mấy năm sau lại có lệnh của Chủ tịch huyện giải tỏa hành lang giao thông. Tất cả phải phá nhà, làm lùi lại so với lề đường tám mét. Không có đền bù!

Dân làng mình lúc bấy giờ nhiều nhà đã đổ mái bằng, đã trở thành phố huyện. Phố thì chả nhẽ lại mái rạ. Vây là ai cũng cố để có cái nhà bê tông.

Bây giờ bắt tự phá nhà thì phải chấp hành chứ biết làm sao. Chả ai dám ho he, bài học mấy ông đi tù vì chống người thi hành công vụ nhỡn tiền. Cái nhà bê tông cưa cắt cẩn thận thì cũng còn dăm mét ở tạm, chứ để “bọn Bôn Bốt Iêng xa ry” giải tỏa thì nó cho tan tành. Vừa phải nộp tiền trả công cho người phá nhà mình vừa không còn chỗ mà chui ra chui vào.

Cả dãy phố náo loạn vì tiếng ình ịch phá nhà và tiếng khóc. Công an hiên ngang bước trên đường, mặt mũi lạnh tanh, dùi cui ve vẩy đằng sau đít.


Nhà thằng Vần cũng vậy, vợ chồng hắn cố đến rạc người gầy gò như cú rõm mới làm được cái nhà mái bằng. Nợ còn đầm đìa, vừa ở được mấy tháng… nay phải phá. Hắn trèo lên nóc nhà vừa vác búa tạ giáng xuống mái nhà mình vừa khóc, vợ hắn cũng ngồi dưới đất khóc như thể đám ma. Cứ quai được mươi nhát búa thì đã nhọc, Vần ta ngồi phệt xuống gào lên: “Sao ác thế! Địt mẹ chúng nó…”

Công an đứng dưới vóng lên: “Thằng kia! Mày chửi ai?”

Thằng Vần chõ xuống: “Tôi chửi cái đứa ác!”

Đồng chí công an lại vóng lên: “Nhưng sao mày lại bảo “chúng nó”? Chúng nó là ai? Liệu thần hồn, tao gô cổ lại bây giờ! Có muốn không?”

Vần ta khiếp quá. Im thít!

Chủ tịch huyện lên chức Chủ tịch tỉnh rồi đến tuổi cũng phải về hưu.

Hôm nghe tin Chủ tịch đã nghỉ hưu thằng Vần bảo:

-Dân xóm tao đố thằng nào trong “chúng nó” có gan đi bộ khoảng hai trăm mét trên con đường thị trấn này.

Dọa vậy mà hiệu nghiệm phết! Bọn “chúng nó” mặc dù đã về hưu nhưng người thì bán nhà đi chỗ khác ở, người thì không dám ra đường. Rút kinh nghiệm, các lãnh đạo đương chức chả bao giờ để dân xóm mình nhìn thấy mặt.

Mình kể chuyện này với mấy tay bạn. Các hắn ấy bảo: “Dân xóm ông chỉ được cái thù dai! Xóm ông là xóm thù dai...”



Ảnh mạng, không liên quan đến bài viết.



... Đọc thêm!

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

BUỒN CƯỜI THẬT!

Mình đã được mấy ông bạn chấn chỉnh: "Từ nay nếu tức thì đừng có nói. Chỉ nên nói cái sự buồn cười." Vậy nên ở cái vụ Đoàn Văn Vươn- Vinh Quang Tiên Lãng, thấy tức lắm nhưng không dám có ý kiến. “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe.” Dưng mà nghe nhiều rồi lại thấy buồn cười. Buồn cười thì nên nói! Nói về cái sự gây cười.
Cười cái gì?

Nhẽ thứ nhất: Cười vì cái sự trống đánh xuôi kèn thổi ngược.
Lão Hiền Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng thú nhận việc đập bỏ hoàn toàn ngôi nhà hai tầng của anh Đoàn Văn Quý là nhầm, nhầm tức là sai, hơn thế lão ta khẳng định: chính lực lượng cưỡng chế đã đập bỏ nhà hai tầng của anh Đoàn Văn Quý.
Ở cuộc họp báo của lãnh đạo Hải Phòng cũng nói thế.
Ấy thế mà lão Thoại Phó Chủ tịch Hải Phòng hôm vừa rồi lại bảo việc phá nhà anh Quý do nhân dân bức xúc.
Vậy là thòi ra cái đuôi bao biện.
Thòi ra cái bụng của lãnh đạo Hải Phòng và không ít quan khác hễ làm sai là đổ tội cho dân.
Các ông có đủ quyền lực trong tay vậy các ông phải tìm cho ra kẻ nào trong nhân dân dính vào việc chả liên quan gì đến bản thân mình mà dám tự dưng vô cớ phá hoại nhà người ta. Bắt kẻ ấy phải bồi thường và cho đi tù theo đúng bộ Luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam!
Việc tí tỳ tị các ông còn làm ra cơ mà. Đây là việc động giời: vô cớ phá nhà dân mà lại chịu… không biết ai làm… là thế nào? Chả nhẽ chính quyền bất lực.
Buồn cười thật!

Nhẽ thứ hai: Cười vì cái sự liều, sự vô học nên “thiếu quá nhiều i-ốt”về pháp luật. Dám điều lực lượng vũ trang đi cưỡng chế thu hồi một cái đầm tôm.
Mấy ông nông dân quê tôi có nói nôm na thế này: “Con tôi đi bộ đội là để bảo vệ Tổ quốc. Nếu yêu cầu con tôi ra bảo vệ biên giới, thu hồi Hoàng Sa… thì dù có hy sinh cũng cam lòng. Còn nếu phải cầm súng để chống lại chính người dân chúng tôi, thì không bao giờ tôi cho con tôi đi bộ đội”.


Đối với thằng láng giềng nó vũ trang cướp đất, cướp biển cướp đảo…ngay nhỡn tiền mà các lãnh đạo vẫn chủ trương giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Vậy thì đối với người dân tại sao các ông không dùng biện pháp hòa bình… mà lại giải quyết bằng vũ lực.
Tục ngữ nói về tính cách của anh chàng hèn là: “Dọa được người thì mặt đỏ như vang, không dọa được người thì mặt vàng như nghệ” ngẫm ra đúng phết!
Buồn cười thật!



Nhẽ thứ ba: Cười vì cái sự nhầm. Đi cưỡng chế một nơi lại tấn công phá nhà một một người khác. Cái sự sai lè lè. Vậy mà cũng bao biện được! Thử hỏi các ông: Nếu con ông chơi với một đưa bạn, thằng bạn nó mắc lỗi đánh một đứa khác. Bố thằng bị đánh ra bênh con cứ con ông mà tẩn. Liệu ông có chịu không? Nhẽ đơn giản vậy thôi. Chắc chắn ông sẽ chửi tam tổ thánh hiền cái thằng vô cớ đánh nhầm con ông thậm chí còn vác gậy mà phang ấy chứ chả chơi.
Buồn cười thật!
Thôi nói vậy thôi. Còn nhiều cái buồn cười trong vụ này. Nói thêm tý nữa thì lại thành ra… muốn khóc!


... Đọc thêm!

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

BĂN KHOĂN!

Những ngày này cách đây chẵn 38 năm (17-19 tháng 1 năm 1974)"Láng giềng gần" ăn cướp Hoàng Sa.
Xin được đăng lại chuyện kể về cái ngày ấy khi mình đang ở Quảng Nam. (Chuyện này mình đã đăng hồi tháng 7 năm 2011.)


Tháng giêng năm 1974

Bọn mình đang đánh nhau ở Tiên phước Quảng Nam. Suốt ngày L19 vè vè trên đầu kêu gọi cán binh Cộng sản bỏ súng quay về Bắc với cha già vợ dại con thơ. Rồi tiếng ru con eo éo, tiếng trẻ con khóc u oa… cải lương lâm li… ong ong bên tai. Điên hết cả người!

Một hôm không thấy ru eo éo, không thấy u oa, không thấy cải lương… mà lại thấy bản tin đặc biệt: Hỡi các cán binh cộng sản! Bọn giặc Trung Cộng đã ngang nhiên xâm lược nước Việt nam, ngang nhiên dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng sa... Chính phủ "..." bán nước công nhận Hoàng sa là của… Trung cộng. Là người Việt Nam cùng nhau lên tiếng bảo vệ chủ quyền đất đai Tổ quốc.

Cánh lính mình đều nghe thấy hết. Nhưng không đứa nào dám hỏi gì. Phải đến vài hôm sau mình mới mạnh dạn hỏi chính trị viên. Lão ta bảo: thằng ngụy nó nói bậy, tin thế chó nào được.


Mấy hôm nữa thì chính ủy trung đoàn xác nhận là có thật cái việc Trung quốc chiếm Hoàng sa. Nhưng ông này nói thêm: các đồng chí Trung quốc giúp ta lấy Hoàng sa, sau này sẽ giao lại cho mình. Lo cái gì. Đây là việc làm mang tầm chiến lược.

Mình là thằng lính trơn, tuổi mới hai mươi chẳng biết thế nào là chiến lược chiến thuật nhưng nghe vậy thì tin ngay vì “Việt nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông” Trước khi đi bộ đội mình thấy khối nhà còn treo ảnh Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ bên cạnh ảnh Cụ Hồ. Sinh hoạt đại đội vẫn có thằng đứng lên hát “Ra khơi nhờ tay lái vững làm cách mạng nhờ tư tưởng Mao Trạch Đông” Ta hai jang xing kháo tua sâu oản ù sâng tì quó thi thái jang (giữa đại dương lướt sóng chắc tay chèo lái…)Và Chính ủy đã nói là phải đúng.

Năm 1975 không thấy nó trả Hoàng sa. Mình nghĩ chả nhẽ Chính ủy nói phét. Năm 1976 cả đơn vị phải đi đánh nhau biên giới Tây Nam, rồi 1979 thằng Tàu đánh biên giới phía Bắc. Lúc bấy giờ lại thấy Chính ủy bảo Trung quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm!

Thì ra các ông ở trên cũng dớ dẩn…

Năm 1988 nó xả súng giết 64 chiến sĩ tại Trường Sa.

Mấy năm sau lại thấy khẩu hiệu đồng chí Bốn tốt mười sáu chữ vàng!

Rồi thấy bắt giam những người biểu tình bày tỏ Hoàng sa Trường sa là của Việt Nam. Vào mạng Bauxit và một số trang hô hào Hoàng sa Trường sa của Việt Nam thì lại bị ngăn tường lửa.

Vừa rồi vụ biển Đông, giặc Tàu xâm phạm chủ quyền các báo nhà nước ú ớ nói chả ra đầu ra đũa. Xem trên ti vi cái cô Phương Nga Phương Ngiếc vừa phản đối vừa làm duyên mặt tươi như người mẫu trình diễn áo tắm. Chắc là nói mấy câu cho qua lượt.
Được mỗi hôm rồi lại im thin thít.

Mình hỏi mấy ông bí thư chi bộ… có biết chuyện biển Đông vừa rồi không. Ông nào cũng không biết, ông nào cũng há hốc mồm nghe, xong lại còn hỏi ngược lại thật á thật á chả có nhẽ… sau đó lại khen phim trạng sư Mộng Cát của Tàu hay thật(!)

Hôm nay nghe Phi lip pin gọi hẳn Đại sứ quán Tàu quở trách. Cái anh Phi vậy mà gớm! Chả như mình.

À phải rồi. Đã lâu không thấy đài báo nói đến cụm từ “dân tộc Việt Nam anh hùng”. Ừ nhỉ. Chỉ thấy phim Tàu, tin Tàu tràn ngập ti vi từ Trung ương đến cấp tỉnh và người Tàu thì nhan nhản mọi nơi trên đất Việt Nam. Nhiều đến nỗi nếu có tai nạn như vụ Dìn Kí thì Ba Tàu cũng góp mặt số đông…

Chợt nhớ một cái đề cho học sinh điền vào dấu ba chấm (…)

Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm.
Tổ quốc ta có bao giờ… thế này chăng.

Sao mà ra đề ác thế, khó thế!!! Điền không đúng ý thì liệu thần hồn!

7/2011


... Đọc thêm!

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

TÁO VỆ... BÁO CÔNG?

Nhân Chủ nhật... chỉ còn hơn một ngày nữa các Táo Quân lên giời, mời bạn bè thư giãn bằng bản báo cáo thành tích của Táo Vệ.

Cẩn Tấu Ngọc Hoàng!

Thần kẻ mọn hèn, rập đầu trước ngai vàng, thỉnh an Cung chủ- xin được báo danh: Táo quân Nước Vệ.

Nhời đầu Cung Chúc Ngọc Hoàng “quang vinh” vạn vạn tuế! Yên tâm giữ ghế (thần thêm mấy con zê- rô nữa, để vững bền cho đủ tỷ năm…)

Tân Mão đã sắp đi qua, Mèo già tấp tểnh thăng thiên… chuột thò cổ… sinh sôi lũ lũ đàn đàn

Nhâm Thìn đang kề cận, bậc Chí tôn sắp vây cánh, giũa vuốt nanh… cho rồng lộn hạ phàm, đặng cai quản nhân gian trần thế

Nay:
Tuân chiếu chỉ định kỳ
Hèn thần kính trình mọi nhẽ.

Khải Bẩm Ngọc Hoàng:

Đẹp tươi nước Vệ
Đang hùng dũng thăng lên sang trọng ánh hào quang.

Mọi việc đã có “Láng giềng gần” trước sau sắp đặt, cơ cấu mô hình giúp đỡ lo toan.

Công nhân bạn vàng cả mấy vạn người vào đất Vệ tung hoành, ra sức bạt rừng khai mỏ.

Cắt cáp thăm dò khỏi vướng lối đi, đặng giúp hạ thần bảo toàn lãnh thổ, “láng giềng gần” ngày ngày cho tàu tuần tiễu biển Đông.

Nhân sĩ trí thức phản đối bạn vàng, dám nhiều người tụ tập đất Rồng; thần đã nhẹ nhàng bảo ban, cho đế giày hôn mặt để mà dẹp bỏ.

Đón Thái tử Thiên triều, “lục tinh kỳ” được đài Truyền hình cùng các cháu nhi đồng phất cao giữa thanh thiên rực rỡ.

Báo chí Khựa mắm lợi mắm môi chuẩn bị dạy cho bài học nữa, khi Táo Khựa vừa xưng xưng hoan hô bày tỏ lập trường.

Táo Thần vấn an Thiên triều vừa cất bước quy hương,

Đã thấy rập rình dọa chiến tranh bùng nổ.

Đành trấn an:
Môi răng liền cửa
Hữu nghị đời đời
Mắt nhắm mồm cười
Chữ vàng bốn tốt.
Trước sau như một.
Đường lối vững vàng.
Trật tự trị an.
Ngày càng ổn định.

Đứa con gái dám tát vào mặt cảnh sát giao thông công chính, thần nhẹ nhàng ban cho 6 tháng tù giam.

Bởi tận lực tận tâm mà một Trung tá Công an, “nhỡ tay” phang chết người, thần đã thẳng tay trừng trị: bắt 4 năm ngồi bóc lịch.

Tạm giam phóng viên chẳng biết ngợi ca thành tích, dám lập mưu tố cáo nhũng tham.

Sắp xếp cho phụ nữ hô khẩu hiệu gây mất trật tự trị an, vào dựng xây trại phục hồi nhân phẩm.

Ơn nhờ phúc ấm
Đất nước sắp giàu.

Ngành Nhà đèn của thần dù lỗ nặng nhưng biết bảo ban nhau, rơi nước mắt khi lương văn phòng tháng hơn ba chục triệu.

VINASIN tiêu gần trăm nghìn tỷ vẫn còn thấy thiếu, thần xa xót trong lòng… tái cấu trúc hơn nghìn tỷ nữa, nay đã lãi… âm.

Xăng dầu một năm tăng giá mấy lần, dân kêu còn… rẻ, xăng chất lượng vượt tầm, xe các hãng thi nhau đùng đùng… bốc cháy.

Khi lũ về, thần mở đập thủy điện tháo cho nước chảy, bởi nhớ câu “Sức khỏe là vàng”, để dân miền Trung có dịp tập bơi.

Ngành giao thông ách tắc thường xuyên, tai nạn tơi bời, tính tới tính lui, để hạn chế xe nhỏ xe to… thần bấm bụng đành… thu lệ phí.


Bên bộ Học: trình đề án ba mươi trang cần bảy mươi nghìn tỷ, phen này quyết ngang bằng thế giới, tình nguyện làm cải cách lần ba.

Nông dân phấn khởi, mặt mày tươi tắn như hoa, bởi từ nay không phải chân lấm tay bùn, ruộng đã dành để sân gôn, đất nhà dân thành khu giải trí.

Xin cho hạ thần khải bẩm thêm tí tị
Xóa đói giảm nghèo
Tiếng cả nhà thanh.
Làm nhanh vùn vụt.

Số lượng hộ nghèo mỗi ngày thêm… tụt, do biết ấn định chỉ tiêu số lượng cho các xóm bình bầu.

Để đảm bảo chỉ tiêu, bà con tự chiến đấu với nhau, vậy nên kết quả năm sau số hộ nghèo thấp hơn năm trước.

Lạm phát cao nhất thế giới đang vững vàng tiến bước, vàng đô la vui mừng nhảy giá như điên.

Xã hội văn minh, chẳng ai muốn giữ tiền, vì sau một đêm tiền trong túi mà như… mất trộm.

“Ốm là có hại sức khỏe” nhưng nhiều kẻ vẫn luôn đòi…ốm; Y tế ưu tiên bốn người bệnh…một giường

Trường học thân thiện rồi, chả cần đến kỷ cương, trẻ con giảm tải sự học hành, cứ tự do “chát, ghêm” và thong thả nện nhau thoải mái.

Báo chí thi nhau nở hoa cà hoa cải, ngày ngày hăng hái đưa tin cướp, giết, hiếp, lộ hàng…

Chống mọi tàn dư đế quốc sài lang, bảo vệ môi trường, diễn viên liều mạng hy sinh: tụt quần áo trần truồng khoe ảnh.


Lại thêm nữa phong trào bóng bánh… Khí thế ra quân hừng hực, chốn Si-gêm nỗ lực đạt giải… chì.

Đất nước rộn ràng đẹp những hội thi: Hoa hậu hoàn vũ, hoa hậu ai-đồ, hoa hậu thể thao, hoa hậu quý bà … hoa hậu vân vân… xếp hàng nhiều không kể xiết.

Nếu kể thành tích công lao thì không biết bao giờ cho hết.

Chỉ sợ Bậc Chí tôn nghe xong, sướng quá đứt ruột “tịch” luôn.

Trước Bệ Rồng xin Khẩn cầu Ngọc Hoàng mưa móc ban ơn.

Để Táo Vệ năm nay đạt thêm nhiều cái mới:

Lũ Táo con con ngày càng tấn tới, học hành chẳng cần cao, tập ấm dần dần “kế cận” đưa vào, để chức Táo chẳng bao giờ giành cho “con sãi”.

Đất nước vươn lên tầm cao… cao mãi, mượn thêm cả trực thăng nông dân chế tạo, sao cho mỗi tỉnh thành có một sân bay.

Dẫu Vệ nghèo, nhưng “Láng giềng gần” đã hứa cho vay; để chứng tỏ cho thiên hạ thấy IQ, quyết khởi công “đường sắt tốc độ cao” để “ngày ngày người lớn đi làm trẻ con đi học."


Độc quyền quản lý vàng ngay lập tức, in thêm tiền, lạm phát chỉ cho tăng độ hơn hai chục phần trăm.

Để đất nước có mấy chục sứ quân, mỗi tỉnh, mỗi bộ ngành, mỗi tập đoàn phải chủ động trở thành pháo đài kiên cố.

Phấn đấu nhất thế giới: sân gôn hiện nay chưa đủ số, thì cần thu hồi đất…
làm ngay!

Thi “Hoa hậu các loại”, “Người đẹp vùng miền”… việc thường xuyên từng tháng từng ngày… để quảng bá phụ nữ Vệ cho mục tiêu xuất khẩu.

Khải bẩm Ngọc Hoàng!

Hạ thần rập đầu mong bậc Chí Tôn chuẩn tấu, cho Táo hạ thần được mọi sự hanh thông.

Để sang năm Vệ bám đuôi rồng, sự nghiệp Táo bay vào vũ trụ!...

Phong bì dâng đủ…Kính cẩn đệ trình!



....
Ảnh mạng - không liên quan đến bài viết.


.... Đọc thêm!

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

ĐẤT VÀ NGƯỜI!

Ở xóm mình có bà tên là Rao.

Bà có 2 con trai, nhỉnh hơn mình vài tuổi. Còn ông chồng thì chết đã lâu.

Ngày cải cách ruộng đất gia đình nhà bà được xếp là cố nông, lại tích cực đấu tố địa chủ phong kiến tay sai đế quốc sài lang, nên thuộc diện thành phần cốt cán của cuộc cách mạng vĩ đại đổi đời để dân cày có ruộng.

Vậy là bà Rao được chia 5 sào ruộng, lại được chia quả thực một nửa cái nhà ngói của địa chủ Tiếm.

Ông Tiếm bị quy địa chủ bóc lột vì nhà có hai mẫu ruộng, một con trâu. Ông cày ruộng, bà làm hàng xáo. Thỉnh thoảng lúc thời vụ cũng phải thuê người làm. Thuê người làm là bóc lôt. Điều ấy được khẳng định một cách hùng hồn từ Trung ương tới địa phương. Vậy ông Tiếm là kẻ thù của giai cấp.

Chưa hết, lúc có tiền ông Tiếm còn mua được chức Lý Cựu (Cựu Lý trưởng)… nhưng thực ra ông chưa được làm lý trưởng ngày nào. Không đương mà cựu là như thế- chức mua mà! Chả là ngày xưa Hội đồng Hương thôn bán chức công khai để lấy tiền sửa lại cái đình làng. Chức Lý cựu chỉ để lấy oai chứ chả có quyền hành gì. Có chức sắc thời phong kiến ắt hẳn là tàn tích của chế độ phong kiến, là kẻ thù của chế độ mới… đáng để loại trừ.

Ông Tiếm mất nhà, mất đất… ngậm ngùi dẫn vợ con ra cuối làng làm cái lều ở tạm. Bụng bảo dạ cũng còn may không bị án tử hình.

Bà Rao lên đời. Ở nhà ngói. Vênh vang lắm. Bà nói bằng giọng người ở tỉnh, bảo với các con: “Mẹ con ta từ lay xa dời con cua dốc” (Cua rốc là cua đồng, ở quê tôi vẫn gọi thế)

Ruộng bà để cỏ mọc. Vì lười nên dù có vào tổ đổi công nhưng chẳng ai người ta làm cho.

Được ít hôm bà bán nhà, bán đất vừa được chia. Nhiều tiền lắm. Mấy mẹ con bồng bì ra cắm đất ngay cạnh cái lều chỗ ông Tiếm đang ở. Ông bà Tiếm hùng hục quật lập đào bới san lấp… được độ sào đất, tưởng yên thân; thì bà Rao nhảy đến ở ké. Ông kêu toáng lên đưa đơn Ủy Ban Hành chính giải quyết.

Nhưng bà Rao còn kêu to hơn. Bà kể lể tham gia cách mạng Cải cách ruộng đất. Bà là người có công lôi bọn bóc lột ra ánh sáng...

Ủy ban thương bần cố nông nghèo khổ lại là tầng lớp cách mạng tiềm tàng. Vả lại đất ông Tiếm đang ở tự dưng thành đất có tranh chấp. Đã có tranh chấp thì chia đôi, bên nào cũng có phần là yên chuyện.

Ông Tiếm lại mất đất lần nữa. Ông phải chia đôi mảnh đất của mình vừa quật lập cho bà Rao một nửa.

Bà Rao lại có đất ở, lại có nhiều tiền bán đất bán nhà ngày xưa của chính địa chủ Tiếm. Mấy mẹ con sống sung sướng lắm! Ngày ngày thằng cu Thìn con thứ hai bê cái nồi đất đi mua phở ở ngoài đầu đường quốc lộ. Ba mẹ con xì xụp húp phở… mùi nước phở thơm lừng.

Cả đời ông địa chủ Tiếm cũng chưa biết đến cái bát phở nó như thế nào. Nhưng cái mùi phở thơm lừng làm cả nhà ông chỉ biết nghênh mặt hướng về nhà bà Rao bần cố nông, hít hít mũi tưởng tượng và… nuốt nước bọt.

Ông Tiếm lụi cụi biết thân biết phận kẻ thù giai cấp nên chẳng dám ho he. Ruộng còn vài sào chó ỉa, ông giao cho bà vợ. Còn ông đi làm thợ mộc.

Ngày xưa làm thợ mộc thường được chủ nhà mời ăn cơm trưa. Ông Tiếm làm cho người ta nhưng bữa cơm trưa ông không uống rượu, chỉ mỗi bữa ba bát cơm- kể cả cơm độn cũng ba bát, chỉ một con tôm kho, một ít rau và lưng bát nước rau hoặc canh. Thế là xong bữa. Khác hẳn những ông thợ khác ăn uống bê tha, sáng giũa cưa trưa mài đục… Ông Tiếm làm rất chăm chỉ đẫy ngày đẫy buổi. Buổi tối hôm trước ông ngồi giũa cưa, mài chàng đục sắc lẻm sáng loáng. Sáng đến nhà chủ là làm ngay. Ông làm ra sản phẩm vừa chắc vừa đẹp, tiền công vừa phải. Thành thử ông là thợ mộc có uy tín. Quanh năm không hết việc.

Bà Tiếm cùng các con cắm mặt mò cua bắt ốc, chăm vài sào ruộng chó ỉa được chia lại (vì thành phần không được vào Hợp tác xã). Lúa tốt. Hợp tác xã ghét lắm nhưng đành chịu.

Dần dà kinh tế cũng khá lên. Người ta đồn ông mua một cái soong nhôm bốn đồng hai hào, cho tiền vào đấy lấy dây thép ràng lại. Nhà ông lại càng bị ghét vì…giầu. Các con học hành tử tế nhưng chẳng được đi đâu ngoài việc đi bộ đội.

Năm Bảy sáu- người chủ mua đất quả thực của bà Rao đi kinh tế mới. Ông Tiếm phá cái soong bốn đồng hai đếm tiền mua lại miếng đất cha ông với giá bốn nghìn năm trăm đồng. Hôm nhận đất, ông cùng vợ con thắp hương giữa sân khấn vái Tổ tiên đã phò trợ cho vợ chồng con cái hai chục năm bòn gio đãi sạn nuôi chí bền để hôm nay lấy lại được mảnh đất cha ông. Ấy là nhờ bề trên khôn thiêng phù hộ. Ấy là điềm nhà vẫn còn sự hưng vượng. Rồi ông khóc. Vợ con ông cũng khóc.

Mà đúng số ông may thật vì chỉ ít lâu sau đổi tiền: mười ăn một. Với số tiền ấy nếu có cũng chỉ mua được vài con gà. Đấy là nói về sau này.

Lại nói về mẹ con bà Rao thời mới bán đất ăn chơi được mấy tháng rồi cũng hết tiền. Hai anh con giai là Mão và Thìn lồng ngồng là Đoàn viên, nhưng chẳng chịu đi làm nên không có công điểm HTX. Dẫu vậy vẫn được HTX chia thóc điều hòa. Thóc điều hòa chỉ ăn vài tháng là hết. Rút cuộc lại đói vẫn hoàn đói.

Hai tay con giai bỏ đi đâu không biết. Bà mẹ ở nhà lại đến từng nhà xin bòn từng cái lá rau già, lại mò mẫm cua ốc ngoài đồng…

Vài năm sau thì bà Rao mất. Hai ông con giai về lại gạ bán đất cho ông Tiếm. Ông Tiếm bảo mua. Nhưng con ông Tiếm không đồng ý. Mặc dù các con ông giống tính ông bà chăm chỉ tằn tiện, chịu khó bươn chải nên bây giờ giầu có lắm rồi. Họ bảo không mua.

- Đất của gia đình ta quật lập, bây giờ lại phải bỏ tiền ra mua là cớ làm sao?

Ông Tiếm bình tĩnh bảo:

- Vì đấy là đất của nhà ta nên bằng mọi giá ta phải lấy về. Giữ được đất thì nhà mới thịnh. Cứ nghiệm mà xem: kẻ nào bán đất đai của cha ông đi thì chắc chắn kẻ ấy mạt vận ngay. Vua chúa cũng vậy thôi! Các con cứ giở sách sử mà xem, cấm có sai một mảy.


Các con ông nghe ra. Gia đình ông mua lại mảnh đất của chính mình mà ngày xưa bà Rao chiếm dụng.

Bây giờ thì ông lại giầu nhất làng mặc dù ông đã già lắm rồi, móm hết cả răng.

Có người dọa ông Tiếm: không khéo lại bị quy địa chủ lần nữa.

Ông cụ chả nói gì… móm mém cười…


Vừa rồi lại nghe nói chỗ đất nhà ông cụ Tiếm lại bị đưa vào diện quy hoạch. Nhà nước đang chuẩn bị thu hồi cho doanh nghiệp.

Tôi hỏi chuyện đó có thật không. Ông cụ Tiếm chả nói gì… mắt nhênh nhếnh nước, hấp háy nhìn… Rồi thở dài.


(Ảnh mạng minh họa, không liên quan đến bài viết)


... Đọc thêm!

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

BAY LÊN GIỜI... LƯƠNG ... BAY LÊN GIỜI!

- Báo cáo Sếp… em mạn phép hỏi xem Tết này giáo viên huyện ta được thưởng bao nhiêu ạ?

- Tiền đâu mà thưởng! Mình có phải đơn vị kinh doanh đâu. Nhà nước không cho thì làm gì có!

- Chả có cho chúng em thì thôi, chứ sao lại bắt chúng em mỗi người phải góp một ngày lương để bắn pháo hoa?(*)

- Đây là chủ trương của trên, mình phải chấp hành. Để tạo không khí phấn khởi cho mọi người cùng vui vẻ.

- Thưa sếp… bắn pháo hoa ở trung tâm huyện, cho mấy ông lãnh đạo xem. Mình vùng sâu vùng xa, giá có trèo lên nóc nhà cũng chẳng nhìn thấy… thì… thì vui gì mà vui?

- Cái cậu này chỉ được cái nói cùn! Mình không xem được thì người khác xem.

- Dưng mà… so với tháng tết năm ngoái thì tháng này chúng em đã mất cỡ 4 ngày lương bay lên giời rồi: do lạm phát ạ, trên có bù cho được một tý từ tháng 5 thì nó cũng bay tiếp lên tít tận giời cao. Tính cả năm lương chúng em bay lên giời cỡ hơn chục phần trăm. Mất thêm một ngày lương nữa để bắn lên giời là tháng tết này chúng em mất tới 5 ngày lương… Làm sao mà chúng em “vui tươi” được ạ! Mà Tết lại phải tiêu nhiều…


- Thế cậu không nghe quán triệt tết “vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm” à.

- Chẳng quán triệt thì chúng em cũng đã phải tiết kiệm để mới đủ sống tằn tiện qua ngày. Mức sống mỗi tháng lại lùi một ít… Cũng đành chịu vậy. Nhưng còn khoản bắn tiền lên giời thì tha cho chúng em. Em chả đóng đâu!

- Không đóng mà được à! Thế thì cậu không hoàn thành nhiệm vụ của người viên chức, không xứng đáng là giáo viên…

- Sao lại thế ạ?


- Ơ cái cậu này hỏi lạ! Khi kiểm điểm đánh giá công chức viên chức, liệu cậu có dám viết: “Không chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, không chấp hành pháp luật của Nhà nước, không chấp hành các quy định của địa phương”? Nào có dám viết như vậy không? Có dám không?

- Ối giời ơi! Em lạy sếp! Viết vậy thì em bị đuổi nghề là cái chắc. Thôi cũng đành! Em xin đóng. Chỉ thương con bé nhà em tết này lại mất bộ quần áo mới… Thương quá… Em đã hứa với nó từ mấy tháng trước, rằng đợt này bố lĩnh thâm niên sẽ mua cho bộ quần áo xịn mà ăn tết, nó đã mong cả năm! Bây giờ lạm phát tối cả mặt, thâm niên chẳng thấy đâu, lại còn phải đóng tiền bắn lên giời…

- Cậu phải rút kinh nghiệm ngay nhá!

- Rút kinh nghiệm cái gì ạ?

- Còn cái gì nữa! Không có tiền đừng có hứa. Từ nay đừng có hứa…

- Vâng! Nhưng lần này đã trót hứa… Thôi! Đành phải “vui tươi lành mạnh”nói với nó: lời hứa của bố đã bắn tung tóe lên giời rồi. Chào Sếp ạ!

- Chào cậu! Nhớ phương châm ăn tết “vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm” nhá…

(*)Theo Tuổi Trẻ: - Ngày 4-1, nhiều giáo viên ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) phản ảnh huyện thông báo mỗi giáo viên phải góp một ngày lương để bắn pháo hoa.

(Ảnh mạng minh họa, không liên quan đến bài viết)

... Đọc thêm!

TUỔI TRẺ: ÂN VÀ UY?

Đạo làm tướng phải có Ân và có Uy.

Ân để người ta kính trọng yên tâm tin tưởng trông nhờ!

Uy để người ta tuân phục vâng theo!

Vậy mà tờ Tuổi trẻ im hơi lặng tiếng khi Hoàng Khương bị bắt!

Báo Tuổi trẻ nhờ ai mà có số lượng hàng vạn bản báo tung ra hàng ngày, nếu không nhờ những phóng sự của những phóng viên dấn thân… thậm chí cả nơi nguy hiểm.

Báo Tuổi trẻ có kiểm tra biện pháp mà nhà báo Hoàng Khương đã làm để có những tin bài làm cho tờ báo trở thành báo nóng.

Ông Tổng biên tập và lãnh đạo tờ báo còn nhớ những vinh quang khi báo của mình được bạn đọc chú ý bởi vì nó đã dám đấu tranh trực diện phanh phui những mảng tối của xã hội.

Ông Tổng Biên tập và lãnh đạo tờ báo là người đã đồng ý đưa bài lên. Những bài báo ấy thực sự đem lại vinh quang cho tờ báo và đem lại lợi nhuận cho bản báo. Vậy trước khi bài báo đưa lên ông và ban lãnh đạo có hỏi bằng cách nào mà phóng viên có được những tư liệu đó?

Trách nhiệm về bồi dưỡng nghiệp vụ phóng viên?

Trách nhiệm về việc xác định tính minh bạch của tờ báo.

Trách nhiệm trước sự tồn tại của tờ báo. Liệu sau vụ này báo Tuổi Trẻ còn là tờ báo được bạn đọc hồ hởi đón nhận? Vì liệu phóng viên còn dám dấn thân?


Vậy mà khi Hoàng Khương bị bắt ông TBT và lãnh đạo tờ báo lại im hơi lặng tiếng!

Vậy có đúng với đạo làm tướng hay không.

Theo chủ quan của nhiều người: Lãnh đạo báo Tuổi trẻ không có Ân và chẳng có Uy: “Khi vui thì vỗ tay vào. Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai.”

Việc đúng sai của Hoàng Khương sẽ có pháp luật khẳng định. Tuy nhiên nói cho cùng, trách nhiệm này cũng là trách nhiệm của Tổng biên tập và lãnh đạo báo Tuổi trẻ.



... Đọc thêm!

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

GỪ..RỪ..RỪ...! GỪ..RỪ..RỪ...! QUẢN THÚC!

Lão bảo tôi:
-Tức mình với mụ đàn bà nhà mình quá. Kiểu này không ngoại tình cũng thành ngoại tình. Không phản động cũng mang tiếng phản động!

Tôi hỏi: Tại làm sao?

Hắn kể:
- Được ngày tết dương lịch, biết bạn bè nó được nghỉ. Bố trí lên nhà chúng nó chơi. Nhưng không được yên thân.

- Sao mà không được yên thân?

- Thì ông tính: vừa bước vào cửa nhà bạn đã thấy gừ rừ rừ…trong bụng: điện thoại! Vội mở máy đã nghe thấy vợ yêu quý xẵng giọng: “Ông đang ở đâu?”. Trả lời: “Vừa đến nhà ông bạn X…”

Ngồi được mươi phút lại gừ rừ rừ…

Vẫn là vợ hỏi: “Có những ai đang nói chuyện mà nghe thấy đông người thế…?”

Mình phải kể tên từng người và không quên nhấn mạnh giới tính: nam. Vậy mới tạm yên.

Bạn bè nâng cốc. Nửa bữa lại “Gừ rừ rừ”:

Mình mở máy. Cái máy xẵng giọng: “Ông làm gì mà không thèm nghe máy? Tôi gọi đã ba lần rồi.”

Mình cố nhịn: “Đang mải nói chuyện!”

- Chuyện với ai? Chuyện gì mà không nghe thấy máy kêu… Sao tôi nghe có tiếng đàn bà?

Trả lời: à cả nhà anh bạn ăn cơm cùng.

Lại xẵng: Sao máy nói nhỏ thế. Việc gì phải nói nhỏ thế?

Ngu thế! Chả nhẽ lại ông ổng trả lời giữa nhà người ta. Điên hết cả người! Nếu không có vợ chồng ông bạn đang ngồi đấy thì mình đã đập mẹ cái máy điện thoại làm trăm mảnh cho hả.

Mình đếch nói nữa. Dập máy. Nhưng suốt bữa ăn mà bụng cứ rung bần bật “gừ rừ rừ…” Đành giả vờ mắt nhìn cái tranh tường, một tay lau mồm, một tay luồn tay vào bụng tắt máy. Mấy phút sau lại “gừ rừ rừ”. Bụng lại rung. Khốn khổ có được mấy miếng vào trong dạ dày. Vào được miếng nào nó lại bị rung rung ép thức ăn đẩy ngược lên cổ.

May mà cái máy điện thoại chỉ như tiếng mèo. Chứ nó mà kêu như tiếng hổ thì chắc cả nhân loại điên hết.

Tưởng đã yên. Nhưng vừa chợp mắt lại “Gừ rừ rừ… Gừ rừ rừ… Ơi tóc…”

Mình bấm phím cắt. Kệ! Đếch thèm nghe.

“Gừ rừ rừ… ơi tóc…” lần thứ ba thì đành uể oải mở máy: “À lồ... cò việc gì?”

Cái máy nheo nhéo: “Làm gì mà có vẻ mệt mỏi thế!”

Mình bảo: “Đang ngủ.”

Lại nhéo nhéo:
- Ngủ sao lại im ắng thế?

Giời ạ! Không thể chịu nổi nữa rồi. Con ăn hiền ở lành sao giời nỡ đày đọa con đến nỗi này… Chả nhẽ lại phải vừa ngủ vừa hát!

Mình bấm phím không nghe và… phi thẳng cái máy điện thoại ra ngoài cửa sổ.

Nhưng cái máy vẫn không việc gì. Bởi vì chỉ lúc sau mình vẫn nghe thấy tiếng “gừ rừ rừ, gừ rừ rừ…ơi tóc ai dài còn mang dáng đứng Bến Tre”… Thò đầu qua cửa sổ ngó xuống, thấy con mèo nhà chủ ngồi vật đuôi sang phải, sang trái… chân phải giơ lên… nó thủ thế rình cái vật thể lạ đang quay tròn dưới đất, chớp chớp xanh lè “Gừ rừ rừ…gừ rừ rừ… Ơi tóc ai dài còn mang dáng đứng Bến Tre… Mỗi lúc đi xa…”

Lại phải nhảy ra cầm cái máy vào. Mẹ mày! Đợt này ông cài nhạc “Em đi chùa Hương”. Kệ cho mày “Gừ rừ rừ…Nam mô a di đà” thoải mái.

Tôi bảo: “Đấy là được vợ quan tâm. Còn kêu nỗi gì?”

Hắn trợn mắt:
- Quan tâm cái kiểu gì mà như quản thúc tù nhân…

Tôi đồng cảm với hắn: “Khổ thật! Nhưng sao lại phải có bồ? Sao lại mang tiếng…?”

Hắn bảo:
- Thì mình trong sạch như thế mà vẫn bị theo dõi suốt ngày. Suốt ngày bị xét nét. Gì mà không tức. Tức nhiều thì sinh ra ghét… trông thấy mặt thì lộn tiết. Chả có ai lại yêu quý được đứa kè kè quản thúc mình. Từ cái chuyện nhà mà suy ra cái chuyện xã hội…Bờ lốc bờ leo cũng bị quản thúc y như vậy. Thôi đếch nói nữa kẻo lại bảo là...



(ảnh mạng- Không liên quan đến bài viết)

... Đọc thêm!

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

GẶP LẠI ĐỒNG ĐỘI TRUNG ĐOÀN 31

Ngày 01/01/2012 gặp mặt cựu binh E31 tại Bảo tàng Phòng không Không quân. Mình đến khá sớm nhưng chả gặp người quen... mà trông ai cũng thấy... quen quen. Gần bốn chục năm rồi còn gì. Đành nấp bóng cái trực thăng, bơ vơ một mình... Quan sát tìm người... quen.


Đang ngẩn ngơ, chợt thấy khuôn mặt... quen. Đến hỏi: ông ở C17 phải không. Đúng. Tôi ở C17. lão ấy nhận ra mình. Mình nhận ra lão: Nguyễn Văn Tạc... Mừng ơi là mừng!


Điện thoại ơi ới mãi mới gặp được Thanh. (Hội đã điện trước lên Hà Nội thì tìm gặp Thanh ở C15) Thì ra lão ấy đang đứng đợi mình ở bên kia của chiếc UH 1A, còn mình thì đứng đợi bên này...


Ông Tiến "Toác" (người thứ hai từ phải sang, tay cầm loa)vẫn toang toác như ngày xưa. Mình hỏi anh có nhớ trận đánh 211 ngày xưa, trận ấy ông Tiến Tiểu đoàn trưởng chỉ huy, tay vung K54 to mồm thét đến nỗi bung cúc quần lòi cả chim...Hi hi. Ông bảo tý nữa mày phạt rượu lão Lê Hồng Hải (Chính ủy) hộ tao. Ngày xưa cứ chỗ nào khó lão ấy bắt tao nhảy vào chỉ huy, còn hứa hễ đánh được lão ấy gả con Thanh cho. Tao chỉ huy đánh mấy trận đều thắng... Vậy mà lão ấy đếch gả...Đểu thế... cái Thanh bây giờ là đại gia ở Đà Nẵng.


Hai thằng cùng C17: Nguyễn văn Tạc (trái) và Nguyễn Quang Hà. Hà vào đại đội năm 1974. Hắn đang ở Bộ Tổng Tham mưu- hàm Đại tá.

Gặp lại 5 thằng cùng C17, cùng với mình nữa là sáu. Hẹn nhau vừa đủ... mâm. Vui quá. Từ phải sang trái: Nguyễn Đăng Xuất, Phạm Quang Minh (người đã gò ghi ta bằng nhôm máy bay Mỹ), Từ Quang Lợi (người mà mình sẽ kể vào một entry khác), Mai Tiến Nghị, Nguyễn Quang Hà (Hắn đang còn trong quân đội- hàm Đại tá) và Nguyễn Văn Tạc đang cầm máy chụp 5 thằng
Lúc khai mạc, Lợi hung hăng nhảy lên sân khấu, Tưởng gì hắn vẫn hát bài "Gẩy đàn lên hỡi người bạn Mỹ" Gần bốn mươi năm vẫn là bài tủ của hắn...





Ra ngoài ngồi cho thoáng. Gặp Anh Vũ Biên Thùy, trước là đội trưởng văn nghệ Trung Đoàn. Hỏi bây giờ bác làm gì. Bảo: vẫn ham văn nghệ như xưa, còn vạch túi áo trong thấy thòi ra cây sáo trúc. Bảo anh thổi bài nghe cho vui... Anh Thùy bảo phải có nhạc đệm mới hay, tớ đã mang USB có thu nhạc đệm nhưng lại không có... chỗ cắm nên đành thôi tiết mục thổi sáo. Rồi anh rủ: Về nhà tớ ở Tó (Đông Anh) tớ thổi sáo cho mà nghe, vui lắm. Hỏi thăm Đấu- thằng cha hát chèo "mất lập trường" có con chó Ních... Anh Thùy bảo: Đấu hy sinh rồi...

Lúc ăn cơm, Gặp Chính ủy Trung Đoàn- Thiếu tá Lê Hồng Hải. Ông đã sang tuổi 83. Chính ủy phàn nàn: Tớ bây giờ đi đứng yếu lắm. Vẫn nụ cười sảng khoái như ngày xưa. (người ngồi bên là Tài- Y tá ở C21 trinh sát). Tài hỏi ông nhớ ngày xưa ở ngã ba An Tráng có cô Bảy què không... Lúc ấy mới nhớ ra. Mà sao các hắn nhớ kỹ thế...



... Đọc thêm!