Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

GIÁ NHƯ... "ĐÂY BIỂN VIỆT NAM"

Tối nay háo hức chờ đến giờ để xem tường thuật trực tiếp Lễ Trao giải Thi Ca “Đây biển Việt Nam”
19 giờ rà hết các kênh 1-2-3 của VTV… không thấy gì! Cứ 15 phút lại rà một lần VTV.. chả thấy gì. Ô hay chả nhẽ hoãn Lễ Trao giải. Nếu vậy thì tiếc quá!

Lúc nãy hỏi lại một người bạn thì biết chỉ tường thuật trên Truyền hình Hà Nội.

Ôi giời. Nhầm!

Nhưng lại thấy tưng tức!
Tưng tức vì cái nhẽ nỡ nào bên trọng bên khinh.

Sao cái “Láng giềng gần” lại được Đài Trung ương của ta hạ mình phối hợp với đài tỉnh Quảng Tây (Khu tự trị dân tộc Choang) của Tàu?


Sao “Đây biển Việt Nam”… Một chương trình mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN đã nói: “Đây biển Việt Nam” như một ngày hội lớn của lòng yêu nước, một hội nghị “Diên Hồng” bằng thi ca, hội nghị “Diên Hồng” của lòng yêu nước, như một lời thề thiêng liêng, phải bảo vệ tổ quốc tới cùng.”
Một hoạt động tuyên truyền lòng tự hào về đất nước về biển đảo, khẳng định chủ quyền đất nước; là công sức trí tuệ của nhân dân, của văn nghệ sĩ cả nước… lại nỡ bị đưa xuống tầm để đài Tỉnh thực hiện!

Hay là....

Nhưng Thủ tướng mới khẳng định chủ quyền biển đảo trước Quốc Hội rồi cơ mà.

Mà cũng chẳng tức được: nhà mình nghèo, cũng như đa số dân Việt… không có đầu Kỹ thuật số, không truyền hình cáp. Đài Hà Nội chỉ phủ sóng thường cho khu vực Hà Nội xem chứ các tỉnh ngoài có biết thì cũng đành chịu nếu không qua cáp, qua kĩ thuật số!

Tiếc thật. Đành vậy chứ biết sao!

Giá như…






.... Đọc thêm!

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

17-2


"Nhân Dân" không nói gì!

"Quân đội..." chẳng nói gì!

"Cựu chiến binh" chẳng thấy gì!

"Đại đoàn kết"... cũng rứa.

...
Bác Dứa đi chơi...


Xóm nghèo.
Mẹ già lọm khọm... tay run nén nhang.
Cay mắt... Oan?
Ngày này... năm ấy...
con ơi!



... Đọc thêm!

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

CÁI NHẼ TỪ MỘT TÍCH CHÈO...

Thực lòng mình vẫn băn khoăn vì cái nhẽ của ông bạn “đếch nói nữa..”. Hắn lại bảo từ cái nhẽ này có hai cái nhẽ nữa. Nhưng không tiện hỏi thì hắn đã về. Hôm nay sang nhà hắn xem hắn nói gì. Chứ chưa nghe hắn nói thì vẫn băn khoăn.

Vào đến nhà đã thấy tiếng cười, tiếng nói râm ran. Thì ra có mấy ông hàng xóm rỗi việc vừa sạ xong lúa hôm qua, hôm nay sang nhà hắn tán tếu.

Hắn đang ngồi xổm ôm cái điếu. Thấy bỏ thuốc vào nõ điếu rồi, xe điếu cắm vào rồi nhưng cái tay vẫn cầm cái đóm với cái bật lửa ga… mồm vẫn đang nheo nhẻo:

- Các ông đã xem chèo rồi thì biết… cái vở chèo có ông quan tên là Xà Xẻo Xá gì gì đấy: đại loại ngày xưa có một thằng sang nhà bên cạnh, lừa lúc vợ hàng xóm đang bế con nằm ngủ. Hắn thò tay bóp vú vợ người ta. Người đàn bà này la lên. Anh chồng xông ra táng cho thằng này một trận. Thằng này đau quá lên nhờ quan phân xử...

Cả đám cười ồ. “Nó không đập chết còn may! Lại còn báo quan…”

- Thì gái đĩ già mồm mà. Để im tớ nói cho mà nghe. Thằng này bảo động cơ của nó trong sáng. Nó sang xin sữa cho con nó.

- Thế quan xử làm sao?

- Quan mới xử thế này: Vì tư lợi mà xâm phạm nhà người ta. Người ta đánh cho là phải. Còn nữa: phải trả tiền sữa cho nhà người ta.

Tất cả ồ lên: “Đúng!Đúng!”

Chủ nhà châm lửa vào cái đóm nhưng mặt vẫn tưng tửng: “Ấy vậy mà thằng này vưỡn còn cãi…”

- Cãi làm sao? Tất cả lại đồng thanh cùng hỏi.

Chủ nhà lại dập cái đóm rồi thủng thẳng:

- Thằng bị đánh bảo rằng: Sao lại bắt tôi trả tiền sữa vì tôi biết là vợ nó không còn sữa.

Tất cả lại nhao nhao: “Sao lại biết không còn sữa? Rõ dớ dẩn”

- Nó bảo rằng lúc nãy nó rình thấy trước đấy người đàn bà vợ chủ nhà đã cho con bú rồi…bú cả hai vú. Vậy nên không còn sữa.

- Vậy quan bảo làm sao? Lại nhao nhao hỏi.

- Quan mới bảo rằng: thằng này bố láo. Mày bảo đi xin sữa nhưng biết người ta hết sữa mày còn thò tay vào vú người ta làm gì. Rõ ràng mày là thằng mất dạy. Vậy là quan vẫn bắt phải đền tiền.

Tức thì hàng chục người cùng rầm lên: “Có lý, có lý. Xử vậy mới là xử chứ”

Lúc ấy chủ nhà mới thong thả rít thuốc. Hắn nhả khói mù mịt rồi thủng thẳng:

- Ấy cái vụ Tiên Lãng cũng vậy. Cưỡng chế vì tư lợi. Thủ tướng xử cho tuột chức là phải. Nhưng còn việc đánh cá phá đầm… lại lý sự Công an báo cáo: nhà Vươn đã thuê người thu hoạch cá rồi. Tôi hỏi các ông. Các ông sẽ xử thế nào?

Một ông bảo:

- Còn thế nào nữa. Vẫn phải bồi thường chứ sao nữa. Biết người ta đã thu hoạch hết rồi thì sao lại còn xuống đánh bắt. Đúng không? Biết người ta thu hoạch rồi còn nhảy xuống đầm mà ngâm trong lúc giời rét sun dái... Có họa mấy thằng điên!

Ông khác lại bảo:

- Rõ ràng là có ý đồ không tốt. Tại sao là không tốt? Còn rình xem nhà người ta đã đánh cá chưa! Tôi thả cá vược rồi tôi biết. Đầu tiên thì thả xô. Khi cá to khoảng một ký thì bắt đầu thu hoạch dần dần, mười phần thì phải thu hoạch ba phần chứ không thì đông quá, nuôi không xuể. Còn bảy phần bao giờ cũng phải để đến tết… Lúc ấy cá to, lại nhiều người mua nên được giá. Vì vậy chả anh nào nuôi cá vược mà chưa đến hai mươi tết lại dại dột đánh hết cá lên mà bán.

Một ông khác lên tiếng:

- Lại nghe cái việc ấy do Công an báo cáo… Cái mồm lão đại Ca nghe nó rờm tai… nào là nhà người ta có lô cốt, hầm ngầm… viết thành sách…hợp đồng tuyệt đẹp… Ừ cứ cho là tài giỏi vậy nhưng có bắt được ai đâu. Tôi ngờ chuyện này lắm. Hàng trăm người bao vây mọi ngả dùng cả thuyền đổ bộ. Kinh! Như vậy rõ ràng khi anh tấn công người ta không ở đó. Mà quả thật lúc đó anh Vươn đang mải đấu lý ở trên xã…

- Vậy thì cớ gì mà bảo người ta giết người thi hành công vụ. Một ông bàn góp.

Chủ nhà lúc ấy mới lên tiếng:

- Thì thế… Thì thế mới ra chuyện. Việc này vẫn thấy thế nào ấy…

Mình chả dám góp thêm nhời. Vậy là lẳng lặng mà về.


... Đọc thêm!

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

CÁI NHẼ TỪ ĐỀ BÀI TOÁN SAI?


Lâu không thấy ông bạn đếch nói nữa sang chơi. Lúc tối hắn sang nhà mình, vẻ phấn khởi lắm:

- Thủ tướng kết luận rồi nhé!

Mình biết ngay là hắn nói vụ Tiên Lãng Hải Phòng. Nhưng để xem hắn nhận xét thế nào.

Hắn nói ngay:

- Kết luận tương đối thỏa đáng. Nhưng tớ vẫn còn băn khoăn hai nhẽ.

Mình hỏi: “Nhẽ gì?”

Hắn bảo:

- Cái nhẽ thứ nhất: Thủ tướng kết luận vẫn xử lý Đoàn văn Vươn vì tội có hành vi giết người thi hành công vụ! Nhưng kiến nghị Tòa án giảm nhẹ tội do việc cưỡng chế sai.

Mình phản ứng ngay:

- Ừ! Thế là phải. Còn kêu ca nỗi gì?

Hắn trợn mắt:

- Ông dạy học nên tôi hỏi ông: Nếu ông ra một đề toán đúng thì học trò nó mới giải đúng. Phải không nào?

- Dĩ nhiên!

- Vậy bây giờ ông ra đề sai? Học trò nó sẽ theo các dữ kiện của ông nó giải… để kết quả sai. Ông nghĩ sao?

Mình nóng mặt: thằng này bắt đầu giở trò đây. Cần cảnh giác! Vậy là trả lời:

- Thì mình phải xin lỗi chúng nó. Và cho chúng nó điểm tối đa nếu kết quả ấy đảm bảo suy diễn lôgic trên cơ sở những dữ kiện đã cho.

- Tốt! Vậy vụ Tiên Lãng, Thủ tướng đã kết luận là Ủy ban huyện cưỡng chế trái luật. Cưỡng chế trái luật thì không phải là công vụ. Mà là gì nhỉ…? Nói trắng ra là cướp. Vậy phải đối xử với hành động ấy như thế nào? Phải tự vệ! Đúng không nào. Lôgic đấy chứ. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh cơ mà. Vậy cho nên tớ nghĩ nên tha bổng anh em nhà Vươn. Ấy là tớ cứ nghĩ thế…

Mình cũng bí về kiểu lập luận của hắn. Nhưng chả biết nói thế nào. “Thôi còn nhẽ gì nữa?”

Hắn lại tưng tửng:

- Nhẽ này lại có hai nhẽ nữa?

Gớm đến là rắc rối! Sao mà lắm nhẽ thế không biết? Mình im để hắn muốn nói gì thì nói. Hắn thấy mình im nên có vẻ mất hứng: “Thôi đếch nói nữa… tao về!”


... Đọc thêm!

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Ơ HAY... LẠ NHỈ?

Vietnam net. vn Cập nhật 09/02/2012 02:21:13 PM (GMT+7) Lãnh đạo Tiên Lãng giải trình với cảnh sát điều tra Bài của Hoàng Sang

11 giờ 30 ngày 9/2, rất nhiều cơ quan báo chí đã tập trung tại trụ sở UBND huyện Tiên Lãng.
Thời điểm chúng tôi có mặt, ông Lê Văn Hiền - Chủ tịch huyện và Nguyễn Văn Khanh - Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng đang ở trong phòng làm việc.
Đặc biêt, trong phòng làm việc có thêm cán bộ của cơ quan CSĐT
Tại phòng làm việc của Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, ông Lê Văn Hiền đã phải giải trình, trả lời nhiều vấn đề, thông tin xung quanh vụ cưỡng chế.



Công an làm việc tại UBND huyện Tiên Lãng=>

Trong khi đó, tại căn phòng cuối dãy hành lang của Phó Chủ tịch, ông Khanh cũng đã phải trả lời cán bộ điều tra một số vấn đề liên quan tới việc cưỡng chế, giải phóng mặt bằng tại huyện Tiên lãng, việc phá hủy đồ đạc và ngôi nhà của ông Đoàn Văn Vươn, cũng như việc thực hiện nhiệm mà lãnh đạo huyện giao trong giải phóng mặt bằng.
Trong quá trình công an làm việc với lãnh đạo huyện Tiên Lãng, khi thấy sự xuất hiện của phóng viên, ông Hiền đã yêu cầu phóng viên rời khỏi tòa nhà UBND huyện Tiên Lãng.
Nhiều phóng viên yêu cầu được làm việc với tư cách đại diện cho một cơ quan báo chí. Thế nhưng, ông Hiền đã gọi bảo vệ đuổi phóng viên ra khỏi trụ sở cơ quan.
Mặc dù trước đó, ông Hiền đã bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ quá trình điều tra.
Buổi làm việc của cơ quan điều tra với lãnh đạo Tiên Lãng kéo dài chừng 3 tiếng, đến 12h5’ buổi làm việc kết thúc.
Đến 12h10’, 2 cán bộ điều tra của Công an Hải Phòng lên chiếc xe ô tô rời khỏi trụ sở huyện Tiên Lãng.
Đặc biệt, sau khi buổi làm việc kết thúc, khi phóng viên định tiếp cận để trao đổi làm việc với lãnh đạo Tiên Lãng thì một bảo vệ của UBND huyện có tên là Hinh đã có hành vi ngăn cản phóng viên tác nghiệp, đóng cổng UB, với lý do báo chí chưa được phép vào UBND huyện vì chưa có lệnh của ông Hiền. (hết trích)

Ô hay- Lạ nhỉ:

1/ Ông Hiền và ông Khanh đã bị đình chỉ chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng. Vậy tại sao vẫn làm việc tại Phòng Chủ tịch- Phó Chủ tịch.

2/ Ông Hiền vẫn đang thực sự điều hành UBND huyện Tiên lãng hay sao mà gọi bảo vệ đuổi phóng viên. Còn ra lệnh cho bảo vệ “báo chí chưa được phép vào UBND huyện vì chưa có lệnh của ông Hiền.”

3/ Nếu việc ông Hiền, Khanh bị đình chỉ có hiệu lực thì hai ông này phải đến làm việc theo yêu cầu của cơ quan CA tại cơ quan CA chứ tại sao CA lại đến làm việc với hai ông này tại Phòng dành cho Chủ tịch- Phó chủ tịch huyện!

Có thể mình không hiểu về pháp luật dưng mà cứ thấy là lạ: Bị đình chỉ chức vụ có nghĩa là hiện nay anh không giữ chức vụ ấy nữa. Nói trắng ra bây giờ anh chỉ là cái anh dân thường. Dân thường mà sao vẫn oai thế nhỉ? Vậy nên nảy sinh nghi ngờ: văn bản của Thành ủy Hai Phòng là không (hoặc chưa) có hiệu lực. Sẽ có các khả năng xảy ra:

1- Ông Hiền, ông Khanh cố tình chống lại QĐ của Thành ủy Hải Phòng?

2- Ông Hiền ông Khanh đã có thế lực chống lưng cao hơn thành ủy Hải Phòng.

3/ Văn bản của Thành ủy Hải Phòng đưa ra ngày 7/2 chỉ là một động thái giả vờ để trấn an dư luận.

Thế là thế nào nhỉ?



.... Đọc thêm!

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

BĂN KHOĂN MỘT TÍ ...

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Ông Vươn sai thế nào thì rồi sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng ông Vươn không phải là một nông dân thuần túy, cũng không phải là người u mê, không hiểu pháp luật. Ông Vươn là trí thức. Là kỹ sư cơ mà. Ông ta cũng không phải kẻ càn quấy, dám cả gan đánh đu với luật pháp đâu. Tôi nghĩ rằng, đó là việc cực chẳng đã. Và ông ta rất hiểu cái giá mình sẽ phải trả. Biết vậy mà vẫn làm vậy. Một phản ứng tuyệt vọng và dại dột. Suy cho cùng, đó cũng chỉ là cách ứng xử quẫn bách của một anh nông dân ở bước đường cùng. Người tỉnh táo và khôn ngoan không ai làm thế.
(Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Từ vụ Đoàn Văn Vươn, ngẫm lời Bác dạy” (kỳ 3)- GDVN)

Trước hết chắc chắn đó là một lời nói rất chân tình. Rất phục nhà thơ Trần Đăng Khoa. Hoàn toàn nhất trí với ý kiến đó. Nhưng… Nhưng thử hỏi nếu Đoàn Văn Vươn không làm như vậy thì có cách nào để có kết quả như ngày hôm nay (mà tất cả mọi người đã biết)

Theo cách thông thường mình nghĩ tình huống giả định như sau:

Đoàn Văn Vươn chấp nhận cưỡng chế rồi sau đó làm đơn kêu các cửa. Ai dám khẳng định sự việc sẽ được giải quyết? Và đến bao giờ thì có kết quả như Thành ủy Hải Phòng vừa kết luận?

Băn khoăn một tý. Xin ý kiến của mọi người? Để không bao giờ còn có những vụ việc như Vinh Quang Tiên Lãng!


... Đọc thêm!

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

CÁI MỒM!...CÁI MỒM...?







.... Đọc thêm!

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

QUẢ NGỌT NƠI HOANG ĐẢO (kỳ 4)

CHƯƠNG BỐN:


Từ khi Vua bảo không phải vào triều thường xuyên thì Yển thường đi trông nom công việc ở các Bộ. Từ những cuộc đi như vậy chàng nắm rất chắc những việc như ăn của đút, bán chức mua quan, xà xẻo thuế má, bóc lột người dân… của bọn quan lại Lạc Hầu Lạc Tướng. Điều mà chàng lo ngại nhất là bọn chúng cấu kết với nhau học đòi theo đuôi kiểu cách quan lại phương Bắc, mỗi nhời nói ra thì làm như chỉ có phương Bắc là tốt, cứ phương Bắc mà theo... Trong nhà còn thờ cúng các thần linh phương Bắc. Nói năng ra điều mềm mỏng nhưng đối xử với nhau như thể chó với mèo.

Nhiều lần Yển nói những điều ấy với Vua. Nhưng Vua đều gạt đi. Rồi còn giả đò chép miệng thở dài bảo:

- Bây giờ chúng nó ráo cả đều vậy. Đuổi hết chức chúng nó thì lấy ai làm, bổ chức sao cho kịp…

Thì ra bọn này cũng đã đút lót, biếu xén vua cả rồi.

Chàng ngao ngán: Hỏng!

Cho đến một hôm:

Nước Thục có quà sang biếu Vua Văn Lang! Thật là một việc chưa từng có. Vua Hùng mừng lắm. Vua triệu tập tất cả các Lạc Hầu, Lạc Tướng về triều để nghênh đón sứ thần nước Thục và tiếp nhận quà biếu của Bắc quốc.

Lạc Hầu Yển cũng có mặt trong buổi tiếp. Yển nghi ngại vì cái lần tiếp sứ này. Mọi khi nó chỉ sang người không, ăn nói lấc cấc ra giọng bề trên, có lần còn dám buông lời dọa dẫm cả vua nhà mình. Vậy mà lần này lại có quà biếu. Thế là thế nào nhỉ?

Sứ thần nước Thục tên là Đới Quắc thủng thẳng đi trước tay phe phẩy quạt lông, tám tên lính nước Thục lặc lè khênh bốn cái hòm vào kinh đô nước Việt.

Đến cửa cung, viên sứ thần dừng lại, đưa tay quạt ra sau phẩy một cái, lập tức tám tên lính dừng lại nghênh mặt đứng thành hàng ngang trước bốn cái hòm.

Viên sứ thần lúc ấy bước thong thả từng bậc đá, mặt nghênh lên giời như thể ngắm cảnh, lại vẫn tay trái phe phẩy quạt lông. Đến gần sát đối diện với vua ta ngồi, hắn tay trái vẫn giữ cán quạt, tay phải đỡ lòng cái quạt ngang bụng rồi hơi nghiêng người:

- Đới Quắc Sứ thần nước Thục xin chào Đại Vương.

Vua thấy tên sứ thần này có vẻ xuống nước khác với những lần trước thì sướng lắm. Mà nó gọi mình là gì nhỉ? À… Đại Vương… Hay! Tự dưng thấy oai: Nó là nước lớn mà nó phải sợ mình? Vậy là vua hất hàm:

- Được rồi! Ngồi đi!

Tưởng là sứ thần Quắc phật ý nhưng tay này mồm vẫn cười như không. Quắc vẫn đứng tại chỗ:

- Thưa Đại Vương, Vua Thục Quốc đã cho Quắc này sang đây dâng chút quà lên vua Văn Lang để bày tỏ lòng quý mến, đồng thời cũng xin cho Đới Quắc này xin được ở đây hầu hạ nhà vua làm người giữa, tiện cho việc bang giao thân thiện giữa hai nước! Bay đâu! Cho vào…

Lập tức bốn cái hòm được đưa vào chính điện trước mặt Vua. Vua hất hàm cho Yển lần lượt mở bốn cái hòm. Lạc Hầu Yển không tin ở mắt mình: hòm thứ nhất toàn vàng thỏi, hòm thứ hai là ngọc quý chạm khắc tinh xảo, hòm thứ ba là vải lụa rực rỡ, hòm thứ tư là một cặp ngà voi tuyệt đẹp.

Vua không kìm nổi tò mò cũng bước xuống để xem. Nhà Vua sững sờ trước bốn hòm đầy thứ quý.

Nhà Vua gật gù:
- Quý! Quý lắm. Đúng là Vua Thục có tấm lòng tốt. Tao nhận. Tao nhận! Cho khênh vào kho. Tốt… tốt…

Mồm Vua liên tục mấy chữ: “Tốt, tốt, tốt quá… tốt quá” một hồi rồi quay sang bảo lính hầu đưa sứ thần Đới Quắc vào nhà khách nghỉ ngơi.

Còn lại Vua và các quan. Lúc bấy giờ Vua mới hỉ hả lên mặt:

- Chúng mày thấy chưa! Nước Văn Lang và nước Thục là bạn bè núi liền núi sông liền sông, cùng chung tiếng gà gáy. Nước Thục giầu có, Vua Thục là người hiền lành, tài giỏi đã đem quà biếu sang đây lại còn cho Đới Quắc bên cạnh tao để tiện bề học hỏi. Tốt! Tốt! Tốt mọi nhẽ.

Các Lạc Hầu Lạc tướng cũng đưa đà theo Vua: tốt…tốt. Nhưng cũng có nhiều người không nói gì, mặt mũi đăm đăm tỏ vẻ băn khoăn.

Yển đứng ra trước các quan: “Xin cho được nói!”

Vua đang cơn sướng nên bảo:

- Nói đi!

Yển dõng dạc:

- Từ thủa Kinh Vương lập nước đến giờ, phương Bắc đã bao nhiêu lần đòi thôn tính nước ta. Bây giờ nó lại bày trò thân thiện biếu xén cho quà cáp. Ngẫm rằng: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ.” Nhận của rồi thì chắc chắn sẽ có việc nó bắt phải làm. Đấy rồi xem! Ngay như cái việc nó để Đới Quắc ở cạnh cũng là để kìm kẹp Vua ta chứ chả tốt gì. Vậy nên nhà Vua phải xem xét… không nên nhận.

Vua chưng hửng như bị dội gáo nước lạnh, bèn quát lên rằng:

- Thằng này láo! Những chuyện trước đây phải khép lại, không nói nữa. Chúng nó cho quà là để tỏ tấm lòng thân thiện, là giúp đỡ nước ta. Nó là nước nhớn. Lôi thôi nó đánh cho. Mình cần hòa hoãn với nó. Vậy mày thích hai nước đánh nhau à.

Yển nói:

- Chẳng ai thích đánh nhau! Nhưng nếu cần thì không thể không đánh nhau. Ai cũng muốn hòa hoãn. Nhưng hòa hoãn không phải là để nó muốn làm gì cũng được… nay nó lấn, mai nó lấn. Mình cứ hòa hoãn cứ để nó lấn thì không chịu được. Chưa kể đến việc ở triều đình nó cho người kèm vua, ở từng nhà nó cho người kèm các quan… để xúi bẩy làm theo ý muốn của nó.

Vua có vẻ đuối lý đành vớt vát cầu cứu các quan:

- Mình không bằng nó nên nó cho người giúp mình cho bằng nó. Mày nói vậy là không coi ai ra gì à! Tao cứ hỏi các quan tướng ở đây xem mày nói như vậy có được không?

Lạc Tướng Thang Tuyền họ Uông tên Hy xun xoe nói rằng:

- Lạc Hầu Yển nói như thế là không được! Chúng nó thật thà, mình không nên nghi ngờ. Sao lại dám bảo của biếu là của lo. Của cho là của nợ.

Lạc tướng Ninh Hải họ Phạm tên Khê cũng nói theo:

- Đúng! Nó cho mà mình không nhận là làm hỏng cái tình của mình với nó. Thử hỏi… vua vẫn hằng ngày cho Lạc Hầu Yển… vậy là của nợ à?

Yển không kìm được nữa chỉ thẳng vào măt hai tên Hy và Khê quát lớn:

- Tao không lạ gì cái mặt chúng mày là tay trong nước Thục. Chúng mày đã được chúng nó biếu xén vàng lụa, tự ý cho người của nước Thục sang thuê đất giồng cấy. Người dân Văn Lang tự dưng mất đất cấy cày… phải bỏ làng, bỏ đất mà đi. Người ta kêu ca, chúng mày bảo đất là của vua, dân không có quyền, cho dùng ngày nào biết ngày ấy. Chúng mày thu đất cho bọn Thục Hán dân đành phải chịu. Bây giờ hai bộ ấy dân tình tán loạn, đất không có mà cấy cày, gạo không có mà ăn. Tốt cái gì? Thật thà cái nhẽ gì? Dân Thục chúng nó sang đất mình làm nhà cửa, đẻ con đàn cháu đống, chết cũng chôn trên đất Văn Lang. Đấy rồi chúng mày xem, chỉ mấy năm nữa hai bộ này sẽ thành ra của đất Thục!

Hai tên này cụp mặt đành im!

Lạc Tướng bộ Gia Ninh họ Tô tên Trừng cũng vội bênh hai tên vừa bị vạch mặt:

- Dân ở hai bộ ấy vốn lười biếng, không biết giồng cây gì, nuôi con gì, làm không chịu làm… nên để cho người Thục nó thuê là phải!

Yển quay lại tên này:

- Còn mày nữa! Mày nhận bao nhiêu vàng lụa, mày học đòi chúng nó, ngủ với bao nhiêu đứa con gái tuổi còn trẻ con… rồi để cho nước Thục nó đưa cả muôn người vào đào bới mỏ đồng. Nó vào đất Gia Ninh cướp của hiếp đáp dân lành. Mày làm ngơ để nó đánh dân. Dân kêu ca thì mày bắt bớ đánh đập. Bây giờ thằng giặc đánh sang liệu có người đi lính đánh giặc không. Chúng mày đang phá hoại Văn Lang từng giờ từng khắc đấy.

Vua nghe vậy liền cao giọng:

- Thằng Yển nói ngu! Dân nào được kêu ca? Loạn à! Dám kêu ca à! Giữ nước là việc của tao, của triều đình. Ai cho dân nói? Ai cho mày nói?

Yển bảo:

- Không có dân có mà giữ được nước khối ra đấy! Rồi cũng chẳng còn vua nữa để người Thục nó sang nó làm vua .

Vua tức quá quát lên:

- Thằng chó này! Mày láo quá rồi. Mày không coi ai ra gì hử? Mày rủa tao chết đấy hả? Được rồi! Tao phải chém chết mày vì tội… vì tội… Tội gì hở chúng mày, bên Bắc quốc gọi là tội gì?

Mấy đứa vừa bị vạch mặt vội nói hớt:

- Tội khi quân!

Vua vội cướp nhời:

- Ừ tội khi quân hay khí quân gì gì đấy… Lính đâu! Lôi thằng Yển đem ra chém!

Một Lạc Hầu vội đứng ra can:

- Nhà Vua đừng vội. Yển chỉ có tội nói thật. Nhưng Yển đã có công cứu Vua. Không có nó thì Vua bây giờ cũng chẳng có mà ngồi đây. Vậy hãy tha cho nó.

Vua ngồi ngẩn mặt một tý rồi lại bảo:

- Nó còn dám nói “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Vậy ra nó coi thường những thứ của tao hả? Từ hạt lúa, củ khoai… trên đất nước này, cái gì cũng là của tao! Thôi được. Nếu không chém đầu nó thì bắt cả nhà nó ra hoang đảo, không cho nó bất cứ thứ gì để xem nó sống bằng cách nào. Lính đâu làm ngay.

Cả chục tên lính xông vào trói nghiến Lạc Hầu Yển lại lôi đi.

(Còn nữa...)

.... Đọc thêm!

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

QUẢ NGỌT NƠI HOANG ĐẢO (kỳ 3)

CHƯƠNG BA:

Vua thoát chết thì mừng lắm. Vội về bảo với quần thần rằng:

- Mệnh tao là mệnh Giời. Tao là con Giời. Những một hai tưởng chết nhưng Giời xui đất khiến, cho người cứu giúp. Từ nay thằng Yển là con tao, tao cho nó làm Lạc Hầu ngang hàng các con đẻ.

Các quan đều vâng theo nhời ấy.

Yển ta từ bấy giờ luôn túc trực bên cạnh vua. Chỉ những lúc Vua ngủ thì Yển mới giao việc canh coi cho bọn ở dưới sau khi đã dặn dò cẩn thận. Vua quý lắm! Những việc nhớn bé trong triều ngoài nội Yển cũng được quyền bàn. Nhưng với bản tính ít nói, Lạc Hầu Yển nhiều khi chỉ ngồi im. Vua thấy vậy càng quý bội phần.

Yển được Vua cho một căn nhà gần cung Vua. Thấy Yển chẳng vợ con, chẳng kẻ hầu người hạ, lúc ở triều thì vậy còn lúc về nhà thui thủi một mình thì Vua động lòng thương hại. Một hôm Vua đang ngồi, xung quanh có bốn con đàn bà áo xống hở hang hở đùi hở vú lả lơi kẻ xoa người bóp... Lạc Hầu Yển vào cung thấy vậy thì trừng mắt. Mấy con đàn bà nghe chừng sợ. Vua cũng thấy ngường ngượng bèn đuổi đám đàn bà lui ra. Rồi hỏi:

- Sao mày không lấy vợ?

Yển nhà ta hỏi lại:

- Lấy vợ để làm gì?

Vua bật cười:

- Ôi cái thằng này…! Nhẽ thường thì đàn ông phải lấy đàn bà làm vợ. Ngủ với nhau sướng lắm! Rồi sinh ra con cái, con cái lại lấy vợ lấy chồng để sinh ra cháu chắt. Như tao đây này: đã có hàng trăm vợ mà còn vẫn phải lấy thêm.

Yển lại bảo:

- Dưng mà tao suốt ngày bên Vua, chả biết đứa đàn bà nào… lấy sao được vợ.

Vua lại bảo:

- Thôi thế này: mày xem trong đám đàn bà hầu hạ tao, mày thấy thích đứa nào thì tao cho. Tao cho về làm vợ mày. Nhá!

Yển nói luôn:

- Vậy lộn ổ à! Không được!

- Sao lại không được? Sao lại lộn ổ?

Yển bấy giờ mới thong thả nói:

- Như Vua nói cứ ngủ với nhau là vợ chồng. Tất cả những đứa đàn bà hầu hạ Vua, vua đều ngủ với cả rồi. Ngủ cả ngày, ngủ cả đêm. Vậy chúng nó là vợ Vua. Con Vua lại lấy vợ Vua chả hóa lộn ổ còn gì. Không được!

Vua nghĩ: Mẹ cái thằng này, tưởng đù đờ mà nói khôn phết. Nhưng cố vớt vát:

- Các vua phương Bắc vưỡn như thế mà!

Yển bảo:

- Kệ chúng nó! Người Văn Lang ta khác: Không lộn ổ lộn chuồng.

Vua đành im. Nhưng trong bụng lại nghĩ: Chả nhẽ thằng này không phải đàn ông. Trong một lần vui vầy với đám đàn bà, tự nhiên vua buột miệng nói:

- Có dễ thằng Yển nó không có con cu!

Đám đàn bà nhao nhao hỏi:

- Sao Vua lại nói vậy?

Vua kể:

- Tao bảo là sẽ gả một đứa trong đám chúng mày cho nó. Nhưng mà nó không chịu…

Đám đàn bà nghe thấy thế thì thích lắm. Bởi vì Yển vừa khỏe mạnh, vừa đẹp giai… Nếu được Yển để mắt tới thì mình sẽ được thoát khỏi lão vua hom hem, yếu như sên… xét cho cùng thì làm chả bõ ngứa. Vậy là đứa nào cũng cố tình uốn éo, ăn mặc khêu gợi vú vế thỗn thện, mắt liếc đưa tình… mỗi khi gặp Yển.

Một lần Yển vào cung. Không thấy Vua ở đó. Chỉ có mấy đứa đàn bà đang nô nghịch trêu nhau nói cười khanh khách. Lạc Hầu Yển bèn hỏi:

- Vua đâu?

Mấy đứa đàn bà thấy Yển đến thì không nô đùa nữa. Chẳng đứa nào giả nhời Yển, tự nhiên cả bọn tuột hết xống áo. Lồ lộ những thân hình trắng phau, những nét cong tuyệt đẹp. Tất cả nét mặt dáng điệu đều mời mọc…

Yển sững sờ, đứng như trời trồng. Trong lòng không khỏi rung động, người như đông cứng lại, bức bối, áo khố chật chội…

Đám đàn bà thân thể lõa lồ đều à cả đến. Có đứa ngồi cả lên đùi Yển đưa tay vạch khố. Những cánh tay trần mát rượi bá vai bá cổ, hôn hít, rờ rẫm…

Yển nhắm mắt… Hương thơm từ mái tóc làn da ùa vào mũi, những mơn trớn, những ngọt ngào… Nhưng… Nhưng… Không được! Đây là cung vua, không phải là của mình! Choàng tỉnh… tất cả những rung động chỉ thoáng qua rất mau. Yển định thần lại, dùng hết sức lực vùng vằng đẩy bọn đàn bà văng ra xa, mồm hét:

- Láo! Quân mất dạy! Tao chém hết cả lũ…

Và Yển rút gươm… bọn đàn bà lồm cồm bò dậy nhặt áo xống chạy biến.

Yển dừng tay thở. Người bải hoải. Rồi cúi đầu lững thững ra khỏi cung.

Vua nấp sau rèm vải trông thấy hết. Khi Yển vừa đi khỏi thì vua bước ra. Lũ đàn bà cũng xúm lại.

Vua hỏi: “Chúng mày thấy thế nào?”

Cả bọn nhao nhao: khỏe lắm, mạnh lắm, cứng như… gỗ lim.

Vua nghe vậy càng thấy quý Yển hơn và trong bụng thấy nể nể…

Hôm sau gặp Yển, Vua bảo:

- Thôi từ nay lúc nào tao gọi thì hãy đến. Mày nên đến thăm nhà các Lạc Hầu, xuống các Bộ, xuống các làng các chạ… xem xét các quan, nghe ngóng dân tình…Thấy có gì lạ thì về bảo tao. Rồi hễ thấy thích đứa con gái nào thì cũng về bảo tao. Tao bảo gia đình nó gả cho. Nhá!

Lạc Hầu Yển nghe theo lời. Các Lạc Hầu Lạc Tướng thấy Yển đến thì vội vàng nghênh tiếp. Biết Yển chưa có vợ nên nhà nào cũng gọi con gái ra chào, bụng thầm mong Yển để mắt đến.

Yển đi chơi đến dăm ngày mà chả ưng được cô nào. Bởi cô nào cũng đẹp. Nhưng thấy các cô giả đò thẹn thùng nhưng lại kênh kiệu, trong nhà sai bảo hết người này người khác ra điều con quan… thì Yển ta sinh ghét. Cái ngữ chúng mày mà bắt làm lụng thì chỉ có mà ăn cám. Vậy là về cung. Vua hỏi thì lắc đầu bảo là không thích đứa nào cả.

Vua đành thôi không nhắc đến chuyện ấy nữa.

Rồi Yển cũng lấy được vợ. Trong một lần rong ruổi, Yển thấy một cô gái xinh xắn, khỏe mạnh, áng chừng mười sáu mười bảy tuổi… nhưng ăn mặc rách rưới luật quật vừa đi vừa chạy về xóm nhỏ. Yển đoán có dễ cô ta đi làm đồng về. Lạc Hầu Yển vội đi theo sau. Nấp sau vách nứa nhìn vào, Yển nhận ra ngay là nhà chỉ có hai mẹ con. Người bố đã mất sớm, mẹ già đang ốm. Thấy người con gái vét mãi trong cái cong được nắm gạo, tất bật nấu cháo. Múc ra được lưng bát cháo, cô dâng lên mẹ. Người mẹ thều thào bảo:

- Mày ăn đi… lấy sức mà đi làm! Bầm già rồi…

Cô gái khăng khăng:

- Bầm đang ốm, ăn cho khỏe!

Rồi cô ta bón cho mẹ từng thìa cháo. Người mẹ ăn xong thiêm thiếp ngủ. Cô gái nhịn đói ngồi bó gối bên bếp lửa.

Yển trong lòng vừa phục vừa thương.

Sáng hôm sau Yển vào thưa bà cụ xin được lấy cô con gái. Bà cụ mừng rỡ gật liền. Còn cô gái cũng e thẹn gật đầu ưng thuận.

Cô gái ấy tên là Ba.

Vua đứng ra làm lễ cưới cho con nuôi long trọng và vui vẻ lắm. Hai vợ chồng được ở ngay trong cung. Nhưng chỉ sau mươi hôm Nàng Ba nằng nặc xin chồng cùng về ở với mẹ mặc dù ý của Lạc Hầu Yển là sẽ đưa mẹ lên ở cùng.

Yển nghĩ có lẽ do vợ mình vốn chăm chỉ làm ăn, nay lại ngồi không thì sinh ra buồn nên cũng xin với Vua cho được theo ý muốn của Nàng Ba. Vua cũng gật đầu.

Hai vợ chồng làm nhà ngay trên nền nhà cũ của bà cụ. Bà con chòm xóm mọi người quý mến không gọi là bà Lạc Hầu mà vẫn gọi là Nàng Ba.

Dù lấy Yển nhưng nàng Ba vẫn giữ nết ruộng đồng canh cửi, chăm chỉ làm ăn. Hai vợ chồng vui vầy êm ấm, chăm sóc mẹ già chu đáo, sinh được hai con trai khoẻ mạnh. Mấy năm sao bà cụ thì bà cụ mất trong sự thanh thản vì đã được con cháu chăm chút yêu thương.

(Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp)

... Đọc thêm!

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

QUẢ NGỌT NƠI HOANG ĐẢO (Kỳ 2)

CHƯƠNG HAI:

Ở huyện Dư Phát (phía Nam của Văn Lang thuộc bộ Quân Ninh) có quan Bồ chính họ Đỗ tên Hơn. Dẫu chức quan chẳng to tát gì nhưng tên này cũng nuôi một thằng người Hán trong đám người phương Bắc sang Văn Lang tên là Hà Đào làm đầy tớ. Hàng ngày tên Hà Đào thường nịnh nọt gọi Hơn là “Đại nhân” vào ra thưa bẩm. Hơn nghe vậy thì khoái lắm… Nghe nhiều thành quen, rồi Hơn bảo:

- Dân nước mình ngu quá thể! Xưng hô với nhau vẫn mày tao chả biết gì kẻ trên người dưới, đã vậy lại còn ăn nói cộc lốc chẳng thưa bẩm gì.

Hà Đào nịnh thêm vào:

- Bẩm Đại nhân, cái tài cái chí của Đại nhân là to lắm. To như bể Đông trước mặt, lớn như ngọn núi sau lưng. Đáng ra đại nhân phải làm đến Lạc Tướng, Lạc Hầu chứ cái chức Bồ chính đứng đầu một huyện thì ăn thua gì so với tài sức của ngài.

Hơn bảo:

- Tao vẫn có cái bụng ấy. Dưng mà trên tao lại có thằng Thại làm Lạc tướng cầm đầu cả bộ Quân Ninh. Phải đợi bao giờ nó chết đã thì Vua mới biết đến tao, may ra lúc bấy giờ mới có cơ lên làm Lạc Tướng.

Hà Đào lúc ấy mới nói rằng:

- Lạc tướng Thại chỉ đẻ trước đại nhân hơn năm giời. Đợi nó chết thì còn lâu lắm. Vậy nên ta phải tính mưu tính chước chứ đợi đến lúc nó chết thì biết đến bao giờ. Mà có khi đại nhân lại chết trước nó ấy chứ lỵ!

Đỗ Hơn nghe Hà Đào nhời ấy, cho rằng đó là phải. Bèn hỏi:

- Vậy phải làm cách nào bây giờ?

Tên đầy tớ người Hán bàn rằng:

- Muốn được cất nhắc thì phải được Vua biết đến. Như cái thằng Yển lính trơn nhưng giết được gấu cứu Vua nên mới được Vua cho làm Lạc Hầu. Còn Đại nhân thì có tài có chí thật nhưng lại không biết võ nghệ, giá có gặp vật dữ thì đành bó tay chịu chết. May còn nhờ cái mồm... Nhờ cái mồm nói hay thì người ta sướng cái lỗ tai… mà lên đến Bồ chính. Dưng mà con người ta còn mấy cái lỗ muốn sướng, làm sao phải cho người ta sướng cả cái lỗ mồm, sướng cả cái mắt, sướng cả cái con cu… thì người ta mới quý mình.

Hơn gật gù… rồi băn khoăn:

- Mày nói vậy tao nghe mới ra một nửa. Còn cái nửa sau tao chả biết mày nói cái gì sất!

Hà Đào bảo:

- Đây này sướng cái lỗ mồm thì phải được ăn cái thứ của ngon vật lạ, sướng cái lỗ mắt phải được nhìn cái con đàn bà đẹp, sướng cái con cu thì… thì…
Hơn vỗ đùi:

- Tao biết… tao biết rồi. Chả vậy mà Vua có hàng trăm đứa đàn bà… Được rồi.

Bèn cho quân lính đi khắp huyện bắt người dân trèo lên rừng tìm thú quý như gà lôi, chim trĩ, lợn nòi. Lại cho quân ra vùng bể bắt dân lặn xuống nước bắt cá thu, cá ngừ, tôm hùm, ốc hương. Rồi lại dòm từng nhà thấy con gái đẹp bắt về được gần chục đứa. Tất cả đều chuẩn bị để dâng Vua.

Nhưng ác một nỗi bấy giờ dâng được lên Vua phải qua Lạc Tướng trên bộ. Chứ cái cấp huyện nhãi nhép làm sao vào được kinh đô. Vậy nên Hơn đành phải lên bẩm với Thại để Thại củ soát mọi thứ rồi mới được đưa vào cung.

Dễ có đến vài tháng giời từ khi đưa sản vật và người đẹp lên Lạc Tướng mà chẳng thấy tăm hơi gì. Đỗ Hơn sốt ruột lên Quân Ninh vào tận nhà Lạc tướng Thại để hỏi. Ai ngờ vừa bước vào cửa, chưa kịp nói câu gì đã bị Thại hô quân lính: “Chúng mày đâu! Trói thằng Bồ chính Dư Phát lại quẳng ra sân bêu nắng.”

Hơn chả hiểu ra làm sao, lại bị phơi nắng cả canh giờ, rã rượi chẳng ra hồn cái thằng người, cứ rũ rù như gà cắt tiết. Hắn thều thào xin tha mạng. Lúc ấy mới thấy Thại đủng đỉnh bước đến:

- Mày đã biết tội chưa?

- Tội gì? Hơn thều thào.

Thại nắm tóc Hơn giật ngửa đầu hắn về phía sau:

- Tội coi thường tao! Coi thường Vua!

Hơn lắp bắp:

- Đâu dám coi thường…

Lúc ấy Thại mới thủng thẳng bảo rằng:

- Tao đã củ soát các thứ dâng lên Vua. Nhưng chúng mày cố tình chơi đểu, đi đường gặp giời ngày nóng đêm lạnh nên các thứ chúng mày đưa đều đã ngắc ngoải. Chúng mày vừa về thì chim cò chết hết, cá mú ươn thối... Còn bọn đàn bà tao cũng phải củ soát cẩn thận từng đứa, bắt cởi hết xống áo, tao đích thân thử từng đứa… cả bọn đều mất tuyết, đều đã ngủ với đàn ông cả rồi. Ấy là do chúng mày chọn người không tinh. Tao phải thử từng đứa mới biết… Mày cố tình làm vậy định đổ tội cho tao phải không. Vậy nên không dám dâng Vua. Tao đành phải để ở nhà tao kia kìa, đưa về … Tao sẽ nói với vua cách chức Bồ chính của mày. Biết không?

Hơn nghe những nhời ấy thì sôi máu: “Đúng là cái đồ ăn bẩn. Sản vật thì mày cố tình làm vậy để lấy cớ mà ăn chặn… ai còn lạ gì! Con gái thì chả nhẽ mày vạch bướm nó ra rồi cắm đầu xuống mà nhòm? Lại còn đè nó ra mà “thử” thì gì mà chả mất tuyết. Đúng là cái đồ đểu!”
Ấy là tức thì nghĩ trong bụng vậy chứ không dám nói ra. Dù sao nó cũng là quan trên, mình là cái thằng Bồ chính tép riu… Đành phải nhún đã rồi tính sau. Nghĩ vậy nên Hơn phải dập đầu lậy như tế sao nhận tội rồi xin biếu không những thứ đã đem lên.

Thại đắc chí cười ha hả, rồi cũng tha cho!

Hơn đành tiu nghỉu ra về. Vậy là mất trắng. Tên Hà Đào nghe vậy thì bảo:

- Cũng tại đại nhân không biết cách. Dâng lên Vua mà không có gì đưa dâng Lạc Tướng thì làm sao mà nó cho qua.

Hơn trợn mắt:

- Tao sẽ tố cáo việc này lên Vua để Vua trị thằng Thại tội ăn chặn!

Hà Đào vội can:

- Ấy chớ! Chết chứ chả chơi. Đây nhá, đại nhân lấy cái gì làm chứng kêu việc này lên Vua, Lạc Tướng cũng sẽ tâu lên Vua tội ăn không nói có của đại nhân. Vua tin thằng to chứ bao giờ tin thằng bé. Thói đời vẫn vậy. Bây giờ đành phải im mồm. Thôi thì từ nay cứ có gì thì dâng lên Lạc Tướng để lấy lòng mà giữ chức đợi thời. Chứ nó mà đuổi chức thì toi.

Hơn nghe ra. Từ đấy giở đi hàng tháng phải có đồ dâng lên. Các Bồ chính các huyện khác thấy vậy nghĩ thầm: Thằng Bồ chính Dư Phát nó có quà cáp biếu trên mà chả nhẽ mình không có. Lại được bọn đầy tớ người phương Bắc nói thêm vào nào là ở Bắc quốc phải thế này, phải thế nọ… Rồi chúng mách mối cho bọn lái buôn đến nịnh nọt. Bọn này đưa vải vóc rượu quý, nhân sâm đến làm quen thậm chí biếu không và bày cách dâng sản vật lên Lạc Tướng. Một vài lần như vậy tự nhiên thành nền nếp biếu xén và nhận quà biếu ở Quân Ninh. Từ Quân Ninh tệ hại xấu này lan ra các bộ khác trong cả nước Văn Lang. Tham nhũng cửa quyền cũng từ đấy mà ra, đến nỗi sau này thành chuyện bình thường.

Chỉ có dân đen thì khổ không kể xiết. Vì bọn Bồ chính, Lạc Tướng tác oai tác quái lộng hành ngang ngược. Riêng ở Quân Ninh cậy thế ở xa kinh đô Bạch Hạc nên bọn này thường tìm cách bắt bớ dân nghèo về làm nô lệ cho nhà hắn. Ai không nghe theo là bọn hắn làm tình làm tội đến dở sống dở chết. Vì vậy cả một vùng Quan Ninh, Cửu Chân từ nơi đồi núi đến tận miền bể… mọi người nghe quan huyện đi đến đâu là run sợ. Cũng có người chống lại, bọn hắn chém đầu luôn để ra oai.

Phép Vua thì không có như thế. Nhưng bọn Bồ chính đã được Lạc tướng bênh vực nên chả bao giờ lọt được những việc khuất tất lên trên. Các Lạc Hầu bên cạnh Vua thỉnh thoảng cũng có nghe loáng thoáng bèn dậm dọa mấy câu, được bọn Lạc Tướng đút lót cũng êm re. Thành thử Vua cứ tưởng đất nước đang vững vàng yên ổn nên càng ra sức chơi bời ăn ngon ngủ kỹ.




(kỳ sau đăng tiếp)
... Đọc thêm!

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

QUẢ NGỌT NƠI HOANG ĐẢO (Truyện dài kỳ)

Nói đến chuyện Mai An Tiêm và sự tích quả dưa hấu thì chắc ai cũng biết. Ngẫm ra cũng có nhiều điều giông giống ngày nay. Vậy là thích. Thích thì viết lại, hư cấu hư véo tý cho nó thêm vui... cũng chưa biết mấy ngày mới xong. Viết đến đâu đưa lên đến đấy, chưa kịp gọt giũa chỉnh sửa. Bạn đọc thông cảm.

CHƯƠNG MỘT:

Ngày xửa ngày xưa…

Đời Hùng Vương thứ 18 nước ta lúc ấy chia thành 15 bộ: Giao Chỉ, Vũ Ninh, Việt Thường, Ninh Hải, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Cửu Đức, Văn Lang, Quân Ninh, Gia Ninh, Thang Tuyền, Tân Xương, Nhật Nam.(*)

Đứng đầu mỗi bộ do một Lạc Tướng cai quản. Bộ lại chia ra thành huyện. Ở mỗi huyện có một Bồ chính đứng đầu. Kinh đô nhà vua đóng tại vùng Bạch Hạc thuộc bộ Văn Lang, bên cạnh Vua còn có các Lạc Hầu giúp rập bàn các việc nhớn bé trong cả nước.

Không như ngày trước, người chỉ có tên… bây giờ ai ai cũng có cả tên cả họ để nhận biết họ hàng ruột rà máu mủ. Dân chúng vui vẻ làm ăn, sống có tình có nghĩa lắm: Trong nhà biết thì nể trọng cha mẹ, ra ngoài làng ngoài chạ thì biết nhường nhịn nhau, biết cung kính người trên tuy xưng hô vẫn mày tao chẳng kể ngôi thứ. Vì vậy mà đất nước được yên bình.

Lúc bấy giờ người nước Hán, người nước Thục đã sang nước ta nhiều. Một số kẻ lấy lý do Bắc quốc khó làm ăn, xin vào các nhà quan Văn Lang để làm đầy tớ… Một số khác thì đem lụa tốt vải đẹp, thuốc quý rượu ngon sang Việt Nam buôn bán. Gọi là sang để buôn bán nhưng thực ra là dò xét nội tình tìm cơ hội thôn tính Văn Lang. Bọn họ sang nước ta cốt lấy nhời ngon nhời ngọt đưa đẩy để được lòng vua quan rồi bòn vét của cải, dò tìm mỏ vàng mỏ bạc và dụ dỗ người nhớn người bé làm theo những thói hư tật xấu của người phương Bắc… hòng làm nước ta suy yếu.

Vua Hùng không hay biết điều đó, vẫn cho rằng đất nước yên ổn vững vàng. Ngày ngày cùng các Lạc hầu mải vui chơi săn bắn. Đêm đêm vui thú gái đẹp rượu nồng.

Vua có một người hầu cận họ Mai tên Yển. Người này sức khỏe phi thường, võ nghệ cao cường nhưng lầm lì ít nói. Đặc biệt rất trung thành với nhà vua.

Một hôm vua vào rừng săn bắn, một người một ngựa mải đuổi theo một con nai bị thương… vua bỏ xa đám tùy tùng theo sau.

Chợt bóng con nai mất hút. Vua dừng ngựa nhìn quanh.

Đang băn khoăn không biết con nai chạy lối nào thì thấy lừng lững trước mặt một con gấu gầm gừ lao tới.

Vua toát mồ hội không biết chống đỡ ra sao, tay chân run lẩy bẩy, cây cung rơi xuống. Con ngựa vua đang cưỡi sợ quá, nó vội quay đầu tung vó chạy lồng, ông vua đang thần hồn nát thần tính bị một cái cành cây ngáng ngang người lộn cổ xuống đất. Con ngựa cứ thế chạy, bỏ mặc vua lăn lộn giữa rừng sâu.

Khi vua lồm cồm bò dậy thì con gấu đã đuổi đến gần. Nhìn mãnh thú nhe nanh lao tới, Vua nghĩ bụng hàng ngày dẫu có được tung hô muôn năm thì bây giờ cũng phải chết… bèn kêu to lên rằng: “Giời ơi! Hết rồi! Chết tao rồi” và nhắm nghiền hai mắt, hai tai ù đặc, người nhũn như chi chi, rồi ngất xỉu.

Tỉnh lại, thấy con gấu nằm sóng sượt, máu từ cổ con mãnh thú chảy thành vũng trên mặt đất, tên đầy tớ Yển đang lấy lá cây chùi máu ở mũi gươm. Lúc ấy vua mới biết mình còn sống. Vua lập cập hỏi:

- Tao còn sống phải không?

- Ừ!

- Mày vừa giết con gấu à?

- Ừ!

- Bọn Lạc hầu đâu?

- Còn lâu mới tới đây.

Vua tức quá chửi:

- Đúng là lũ ăn hại.

Yển lạnh lùng bảo:

- Chúng nó cũng cỡi ngựa, lại ăn lắm vào nên béo ục ịch, ngựa chở nặng chạy không kịp.

- Sao mày đến kịp?

- Tao phải chạy bằng cái chân của tao!

Vua lúc này mới hoàn hồn. Nhưng lại sợ có một mình với thằng đầy tớ. Ngày thường mình vẫn coi thường nó, đối đãi với nó chẳng ra gì… Nghe cái nhời nó vừa nói thì như thể nó đang oán mình. Bây giờ… Bây giờ chỉ có mình nó với mình… Nhỡ ra nó thuận tay đâm cho một phát thì xong đời.

Nghĩ thêm tý nữa… Vua bảo:

- Mày đã cứu sống tao. Như thể là mày đẻ ra tao một lần nữa. Theo nhẽ tao phải gọi mày là bố. Dưng mà tao lại là Vua. Bố Vua cũng là Vua, theo nhẽ thường thì chết rồi. Mày cũng không thể là Vua. Vậy tao nhận mày làm con tao nhá! Được không?

Yển dửng dưng bảo:

- Làm gì cũng được!

Vua mừng quá:

- Vậy mày cất gươm đi. Rồi lại đỡ bố dậy.

Yển ngoan ngoãn làm theo. Một lúc sau đám ngựa chở bọn Lạc hầu mới lặc lè đến nơi. Nhìn thấy xác con gấu, cả bọn đều lè lưỡi cả kinh, mặt xanh như chàm đổ.

Vua kể lại chuyện và chửi:

- Nuôi chúng mày toi cơm. Ăn cho lắm vào rồi lê không nổi, chả làm được việc gì. Hôm nay nếu không có thằng Yển thì tao đã bị gấu vật chết. Từ nay nó là con tao. Tao sẽ cho nó to hơn chúng mày. Chúng mày phải nghe theo nó. Nhớ chưa?

Bọn Lạc hầu và lính tráng mắt nhìn Yển mà sôi máu: Mình cả đời cung phụng Vua mà bây giờ lại bị cái thằng hầu nó leo lên đầu lên cổ sai bảo mình. Nhưng nhìn cái xác con gấu to vật nằm trong vũng máu, lại nhìn tên Yển mặt vuông ngực nở, bắp chân bắp tay cuồn cuộn, gươm dài lủng lẳng bên sườn… Thấy ngài ngại… Nhỡ ra…! Vậy là tất cả đành cùng nhau hô: “Nhớ rồi!”.

Vua bắt đưa hai con ngựa của hai Lạc Hầu cho Vua và Yển cỡi về. Lại lấy một con khác chở xác con gấu. Vậy nên bọn Lạc Hầu đành phải đi bộ. Họ vừa thất thểu đi theo sau vừa tức. Sao gấu không vật chết hai thằng đi ngựa cho rồi… để chúng tao khỏi khổ thế này.

Tức thì tức vậy nhưng chỉ lẩm bẩm trong mồm chứ chẳng ai dám ho he…

(Kỳ sau đăng tiếp)
Ghi chú:
1. bộ Văn Lang: thuộc Phú Thọ
2. bộ Gia Ninh: thuộc Phú Thọ
3. bộ Tân Xương: thuộc Vĩnh Phúc
4. bộ Giao Chỉ: tương đương miền Hà Nội ngày nay và miền hữu ngạn sông Hồng
5. bộ Vũ Ninh: tương đương Bắc Ninh, Hải Dương ngày nay
6. bộ Ninh Hải: tương đương miền nam Khâm Châu-Quảng Tây (Trung Quốc)
7. bộ Thang Tuyền: tương đương nam Ung Châu-Quảng Tây (Trung Quốc)
8. bộ Lục Hải: tương đương Quảng Ninh
9. bộ Cửu Chân: một phần Thanh Hóa ngày nay.
10. bộ Quân Ninh: các huyên bắc Thanh Hóa và Ninh Bình.
11. bộ Hoài Hoan: tương đương vùng bắc Nghệ An (tức Diễn Châu đời nhà Đường)
12. bộ Cửu Đức: tương đương nam Nghệ An và bắc Hà Tĩnh (tức Hoan Châu đời nhà Đường)
13. bộ Việt Thường: thuộc Hà Tĩnh
14. bộ Nhật Nam: nam Hoành Sơn (Hà Tĩnh)
15. bộ Bình Văn: không rõ.

... Đọc thêm!