Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

XIN HÃY NHỚ!



BẢN QUỐC HẢI CƯƠNG HOÀNG SA XỨ TỐI THỊ HIỂM YẾU!
(Bộ Công tâu lên Hoàng Đế Minh Mạng- Năm thứ 17- Bính Thân 1836)





(Ảnh Cua Rận - chụp tại Lý Sơn Quảng Ngãi)


... Đọc thêm!

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

VĨNH BIỆT NGUYÊN!


Ngày nào cũng vào internet. Ngày nào cũng tìm đến Lão Thày Bói Già Nguyên!

Để nghe Lão bói mông, nghe Lão kể chuyện. Sướng! Sướng vì được thấy một nội lực thâm hậu, vì những miếng võ cao cường, một cách nhìn tươi rói mà hóm hỉnh và sướng vì được bất ngờ…

Lão viết ngắn… thậm chí rất ngắn mà hay.

Xưng “Thầy bói già” mà tuổi vẫn băm…

Mới hôm 18 còn được xem cái viết ngắn 58 của Nguyên. Đã mừng…

Nhưng sao đi vội thế Nguyên ơi! Dẫu rằng “Sinh ký tử quy”. Phải chăng trời cũng ghen tài.

Một nén nhang bái biệt. Nguyên ơi!

Thành tâm chia buồn cùng Hòa và cháu Bũm.


.... Đọc thêm!

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

QUÀ TẶNG Ý NGHĨA


Hôm vừa rồi mình đi thăm đảo Lý Sơn. Lại đi đúng vào ngày 8- 3. Nhưng cũng không thể quên ngày trọng đại của phụ nữ.

Sáng sớm, trên giường lăn xuống đất... mình phóng ngay ra chợ mua 1 bông hồng và… một cỗ lòng chay (một quả tim và hai quả thận lợn)

Vợ nhận quà, khoái chí cười rúc rích… Rồi bảo anh mua như thế vừa ý nghĩa vừa thiết thực.

Rồi vợ bảo: Nếu có ngày đàn ông thì không biết tặng cái gì cho ý nghĩa như món quà của mình vừa tặng.

May thế… Không có ngày của đàn ông!



.... Đọc thêm!

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

AI NGƯỜI KHÔNG CÓ 8-3



Hôm vừa rồi đi một hội chùa. Tháng giêng đa số các chùa đều mở hội. Đến nhà một thằng bạn chơi, gặp hội chùa ở quê nó. Trong lúc vợ nó bận bịu bếp núc làm cơm, hai thằng rủ nhau ra chùa.

Loanh quanh xem xét hết mọi chỗ. Gặp sư thầy trụ trì. Sư thầy mời bia “Hai nơ ken”. Rồi mời cả thuốc lá ba số 5. Lộc Phật, lộc chùa mà…mấy khi gặp người quen. Quen là quen thằng bạn mình…Oai ra phết.

Sư thầy nhìn mặt thì tầm tuổi mình. Đầu cạo trọc chắc cũng lâu lâu, bây giờ cọng tóc nhu nhú như chân nhang trong bát hương hội đồng. Nhưng mà tất cả các cọng tóc đều bạc hết.

Vị sư này chắc thời còn trẻ cũng khá xinh gái. À quên: đấy là vị sư nữ! Mà cũng lạ, ở quê mình đa phần trụ trì các chùa làng là sư nữ.

Trên đường về, thằng bạn bảo: “Vị sư này trước là thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn thời chống Mỹ.”

Mình hỏi “Sao xinh gái vậy không đi lấy chồng mà lại đi tu!”

Thằng bạn trả lời: “ Giải phóng mới được về, lỡ mẹ nó thì con gái, người teo tóp như miếng cau khô… Trẻ thì nó không ngó đến. Già thì thằng chết vợ, thằng bỏ vợ, lại kèm thêm một đống con… mà mấy anh già thì nước non gì. Đâm khiếp! Vậy nên đành đi tu…”

Nghe xong, chỉ biết chép miệng: “Khổ thế!”
*
* *
Rồi lại nghĩ về những cô thanh niên xung phong mình đã gặp.

Đấy là thời kỳ cuối năm Bảy Hai đầu năm Bảy Ba. Bọn mình vào Nam đánh nhau.

Lúc ấy nghe rục rịch Hiệp định Pa ri sẽ được ký kết. Bom đạn cũng đã bơn bớt dọc đường đi. Bơn bớt chứ vẫn còn. Vậy là cấp trên cho bọn mình được đi xe ô tô vào đến trạm ngoài A Sầu- A Lưới (Thừa Thiên- Huế).

Đi trên đường Đông Trường Sơn. Máy bay vẫn ném bom nên đường hỏng liên tục. Lúc xe mình đi qua gặp nhiều tốp nữ thanh niên xung phong đang sửa đường.

Bọn mình được vỗ béo vài tháng trước khi đi B nên thằng nào cũng má phinh phính, môi đỏ… đẹp giai phết!

Mình là Trung đội phó nên thường đứng ở cửa xe. Chức trách cảnh giới máy bay đối phương ném bom là một phần, và còn một cái phần quan trọng hơn là nếu máy bay đối phương ném bom thì mình sẽ là người lao xuống vệ đường trước tiên… hoặc là sống hoặc là chết trước tiên. Chí ít thì cũng chẳng chết chùm. Nói ra cũng hơi xấu hổ. Nhưng giữa cái sống và cái chết thì dẫu có là thằng ngu cũng phải toan tính.

Vậy nên mình cứ đứng ở bậc cửa xe nghênh mặt nhìn giời…

Đi qua một đoạn đường vừa sửa nhấp nha nhấp nhô, xe bọn mình phải đi với tốc độ của rùa bò. Các cô thanh niên xung phong chống cuốc đứng bên vệ đường, tay vẫy, mồm léo nhéo: “Đồng hương đây! Đồng hương Nam Hà đây… Đồng hương Hà Nội đây… Đồng hương Hà Tây đây…”

Lính ta tất thảy nhoài người ra cửa sổ thành xe, tay vẫy rối rít, rồi cũng rào rào: “Đồng hương đây! Đồng hương Nam Hà đây… Đồng hương Hà Nội đây… Đồng hương Hà Tây đây…”

Mình cũng vậy, cũng một tay bám thành xe, tay kia vẫy, cũng mồm gào đồng hương, đồng hương…

Chợt có một cô Thanh niên xung phong nhảy lên chỗ bậc cửa xe mình đang đứng. Mình chưa hiểu sự thể thế nào thì bất ngờ cô quàng tay ôm lấy cổ mình và hôn rối rít lên hai má. Mình mới chỉ cảm nhận được mùi tóc khen khét, mùi mồ hôi… chưa kịp định thần... thì cô gái đã nhảy xuống. Cô vừa chạy vừa cười trong tiếng cười tiếng hô của cả đám lính trên xe và đám Thanh niên xung phong dưới đường: “Nữa đi… nữa đi…”

Đi qua đoạn ấy, cả xe đua nhau tán mình nào là lãi nhất, nào là sướng nhất… Thực ra đây là cái hôn đầu tiên mình được nhận từ một người con gái. Mình cũng chưa kịp cảm nhận được gì ngoài mùi tóc khét và mùi mồ hôi… Vậy là ngượng và xấu hổ.


Vì ngượng nên đến những đoạn đường sau hễ gặp Nữ thanh niên xung phong mình lại đưa tay dứ dứ… Không hô hét đồng hương đồng khói gì nữa…

Đến đoạn đường chuẩn bị kết thúc chặng đi xe chuyển sang cuốc bộ, lại thấy một đám các cô thanh niên xung phong chống cuốc nhìn… Mình vẫn đứng cửa xe tay dứ dứ…

Chợt có một cô (có lẽ nhiều tuổi hơn cả bọn) hát to… Không! Cô hét thì đúng hơn:

- “Chúng bay vào sẽ không có đường ra”(*)…

Rồi thấy cả đám Thanh niên xung phong nhao nhao:

- “Chúng bay vào sẽ không có đường ra”

Chúng mình lặng người. Không biết sao lúc bấy giờ mình còn kịp phản ứng hét to:

- Các anh không về thì… thì các em ế chồng! Ế chồng… Rõ chưa… sướng chưa…

Quay lại thấy sau lớp bụi mù các cô gái lặng im đầu cúi...
*
* *
Đến ngày hòa bình đơn vị mình chả còn được mấy thằng…


Hôm nay ngồi viết cái chuyện này bởi mình lại nhớ về cái ngày xưa ấy. Mùi tóc khen khét, mùi mồ hôi, những câu chào tìm đồng hương… và cả cái câu hát “Chúng bay vào sẽ không có đường ra…” như đang hiển hiện.

Ngày mồng tám tháng ba những người sang trọng sẽ có quà tặng là những thứ quý giá như xe đẹp, váy áo hàng hiệu, vòng xuyến đắt tiền, phụ nữ bình thường sẽ có hoa cùng những lời ngọt ngào và chắc chắn có những nụ hôn.

Còn những người phụ nữ như nhà sư kia không biết có gì ngày mồng Tám tháng Ba. Có chăng là ánh nến leo lét trước tượng Phật lạnh lẽo, những tiếng mõ đều đều trong âm u chiều vắng.

Vậy là vãn một kiếp hoa, sắp vãn một kiếp người!

Ô hay… thương sư à? Ai cần! Dớ dẩn thật. Sao mình vô lý thế! Già rồi đâm lẩn thẩn.

Hỡi ôi! Sắc sắc không không…


(*) Lời bài hát “Không cho chúng nó thoát” thời chống Mỹ của Nhạc sĩ Hoàng Vân.



Đọc thêm!

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

BÀI CA CỦA CHÀNG THỢ XẺ

Nhà mình có hai tay thợ xẻ đến giúp mình xẻ cây xà cừ làm rui nhà.

Hai tay thợ hì hục vần cây gỗ ra giữa sân kê lên cân cốt rồi lấy mực.

Mình hỏi:

- Xẻ từ đâu?

Một tay giả nhời:

- Xẻ từ gốc!

Hỏi tiếp:

- Sao lại phải xẻ từ gốc?

Hắn bảo:

- Em chả biết … nhưng dễ xẻ hơn.

Mình không tin. Tay thợ kia chêm vào ra chiều lý luận:

- Thì bổ bán cái gì bao giờ người ta chả bảo “lấy dân làm gốc” rồi bổ bắt đầu từ dân. Chúng em học tập nhà nước, cũng bổ gỗ từ gốc giở lên.

Lại có loại lý sự vậy nữa. Tay này tiếu lâm phết!

Khi đo đạc chiều dài của cây xong một tay nhẩm tính:

- Còn thừa khoảng gần ba chục phân, bác có làm thớt không. Em cắt cho hai cái. Mỗi cái mười lăm phân.

Mình bảo:

- Ừ thì cắt đi. Cắt đầu nào.

Tay kia bảo:

- Cắt đầu gốc!

Hai tay bắt đầu cắt. Cắt được hai cái thớt đẹp phết. Tay tiếu lâm lật đi lật lại cái thớt vừa cắt rồi i ỉ hát:

- Lấy dân làm ì i gốc…

Tay kia cũng hát ra kiểu đối đáp:

- Gốc để ứ ư… làm gì?

- Gốc đem làm ì i… thớt…

- Thớt để tình tinh mà làm gì?

- Thớt để mà ì ì… băm…


Chết cười. Thợ xẻ mà hóm phết!

Hì..hì…


.... Đọc thêm!

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

NHỮNG THẰNG MẤT DẠY...

Hôm vừa rồi nhà mình có đám giỗ.

Giỗ thì phải đông đủ con cháu chắt chút chít.

Con thì còn hai người là bà bác và ông già nhà mình. Đều đã trên tám mươi tuổi.

Mình hàng cháu. Cháu thì đông hơn chục. Cũng đã tròm trèm U60.

Chắt thì đông. Dễ đến hơn hai chục. Đều đã đi làm. Có mấy đứa con anh cả, anh hai đánh cả ô tô riêng về ăn giỗ. Oai!

Họ có hàng, chúng mình được xếp ngồi mâm trên. Còn bọn hàng con cháu của chúng mình giải chiếu ngồi dưới đất. Chúng uống rượu như uống nước. Nói cười phớ lớ. Thôi cứ để anh em chúng nó vui vẻ. Thực ra cả năm anh em chúng mới có dịp gặp nhau vào ngày giỗ tết mặc dù chúng nó chỉ làm ăn loanh quanh Hà Nội, Hải Phòng.

Ông anh mình vốn là Công an về hưu, “bôn sệt”. Trong bữa ăn cứ lừ lừ nhìn đám con cháu uống rượu. Gần cuối bữa ông tự dưng bật ra:

- Mẹ…toàn thằng mất gốc. Không có thằng nào công chức nhà nước. Toàn làm thuê cho cánh tư bản nước ngoài…

Mình bảo:

- Thì nó làm cho tư bản mới có ô tô, có nhà riêng. Anh đừng xét nét tụi nó…

Lập tức ông anh “bôn sệt” quắc mắt:

- Chú nói ngu! Sao lại chỉ làm cho tư bản mới có nhà riêng, có ô tô… Chú xem ở huyện này đa số lãnh đạo công chức nhà nước có ô tô, có nhà có đất Hà Nội.

Chả nhẽ bằng này tuổi rồi mà còn bị chửi là ngu. Mình đang định cãi, thì thằng cháu là con của ông anh “bôn sệt” vóng lên:

- Chú nói đúng đấy! Nếu con làm công chức trong sạch, ra trường mười mấy năm… mỗi tháng ba triệu, ăn chẳng đủ… Nếu chỉ trông vào đồng lương thì phải một trăm năm không ăn không uống mới đủ tiền sắm nhà, sắm ô tô.

Ông anh chửi luôn:

- Mày lại ngu nốt. Vậy sao người ta vẫn có, người ta không trong sạch à.

Thằng cháu không chịu thua. Phải công nhận thằng này cứng cổ:

- Họ trong sạch hay không thì giời biết đất biết... Nhưng con khẳng định là con trong sạch.

Ông bố đành ngồi im. Rồi lại móc chuyện:

- Này cái vụ Tiên Lãng, nghe đâu bắn chết một người. Kinh!

Mấy ông anh đã về hưu cũng chép miệng: “Kinh! Kinh thật. Tôi cũng nghe thế…”


Mình chưa kịp phản ứng thì thằng cháu lúc nãy lại vóng lên:

- Lạy các cụ! Các cụ nghe đâu mà ra cái chuyện chết người?

- Thì chúng tao đi sinh hoạt chi bộ. Thấy mấy ông bảo có chết người. Không chết người mà Thủ tướng lại kết luận “giết người thi hành công vụ” à. May mà do cưỡng chế sai mới được đề nghị giảm tội.

- Lạy các cụ! chả nắm được gì chỉ suy luận lung tung- Thằng cháu lại cãi.

Ông bố điên tiết:

- Mày bảo bố mày suy luận lung tung à thằng kia!

Thằng cháu ngồi im. Nhưng mà mình cũng bực vì thấy mấy ông chả nắm được gì nhưng lại hay nói bừa. Thôi để cho vui vẻ nên dàn hòa cho xong. Tự nhiên bữa ăn kém vui. Bọn trẻ im lặng ngồi uống rượu.

Trên mâm bọn mình cũng trầm hẳn xuống. Ý chừng thấy nặng nề ông anh thứ hai lại lên tiếng:

- Phải nói cấp trên quan tâm… Trong lúc khó khăn mà vẫn quan tâm đến các cụ. Tết vừa rồi các cụ tám mươi, tám nhăm, chín mươi tuổi chẵn… đều có quà. Mỗi cụ mấy trăm…

Một thằng cháu là con ông anh vừa nói lẩm bẩm nhưng cũng đủ nghe:

- Đấy… lại chuyển gam ca ngợi! Quan tâm cái gì? Vứt đi mỗi người một triệu, người ta cho mấy cụ già được vài trăm mà đã ca ngợi rối rít!


Ông này nóng mắt:

- Tiền đâu mà vứt đi mỗi người một triệu?

Thằng cháu này nhổm người định đứng dậy, nhưng vẫn còn cố cãi:

- Thì cái vụ Vinasin đấy. Vứt đi chín mươi ngàn tỷ, mỗi người dân từ đứa nứt mắt đều phải chịu mất một triệu đấy. Mà cái nước mình còn mấy cái như vậy ấy chứ…

Tức thì ông bố gầm lên:

- Mẹ… thằng kia… Cứ nói cái gì là cãi.

Ông anh cả cũng phụ họa theo:

- Đúng là những quân mất dạy. Con với cái gì mà bố nói là cãi. Không có quân trị quân nhậm hả…

Bọn trẻ chả nói gì nữa. Chúng lục tục đứng dậy. Mấy ông anh vẫn còn lẩm bẩm: “Mất dạy… những thằng mất dạy…”

Chả trách các ông anh mình lần nào cũng khoe với mình năm nay tôi được bình bầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…

Đấy chuyện cũng chỉ có vậy. Mình chả dám bình luận bình lẹo gì vào!


(Ảnh mạng không liên quan đến bài viết)
... Đọc thêm!