Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

ĐẤT VÀ NGƯỜI

Ở xóm mình có bà tên là Rao.

Bà có 2 con trai, nhỉnh hơn mình vài tuổi. Còn ông chồng thì chết đã lâu.

Ngày cải cách ruộng đất gia đình nhà bà được xếp là cố nông, lại tích cực đấu tố địa chủ phong kiến tay sai đế quốc sài lang, nên thuộc diện thành phần cốt cán của cuộc cách mạng vĩ đại đổi đời để dân cày có ruộng.

Vậy là bà Rao được chia 5 sào ruộng, lại được chia quả thực một nửa cái nhà ngói của địa chủ Tiếm.

Ông Tiếm bị quy địa chủ bóc lột vì nhà có hai mẫu ruộng, một con trâu. Ông cày ruộng, bà làm hàng xáo. Thỉnh thoảng lúc thời vụ cũng phải thuê người làm. Thuê người làm là bóc lôt. Điều ấy được khẳng định một cách hùng hồn từ Trung ương tới địa phương. Vậy ông Tiếm là kẻ thù của giai cấp.

Chưa hết, lúc có tiền ông Tiếm còn mua được chức Lý Cựu (Cựu Lý trưởng)… nhưng thực ra ông chưa được làm lý trưởng ngày nào. Không đương mà cựu là như thế- chức mua mà! Chả là ngày xưa Hội đồng Hương thôn bán chức công khai để lấy tiền sửa lại cái đình làng. Chức Lý cựu chỉ để lấy oai chứ chả có quyền hành gì. Có chức sắc thời phong kiến ắt hẳn là tàn tích của chế độ phong kiến, là kẻ thù của chế độ mới… đáng để loại trừ.

Ông Tiếm mất nhà, mất đất… ngậm ngùi dẫn vợ con ra cuối làng làm cái lều ở tạm. Bụng bảo dạ cũng còn may không bị án tử hình.

Bà Rao lên đời. Ở nhà ngói. Vênh vang lắm. Bà nói bằng giọng người ở tỉnh, bảo với các con: “Mẹ con ta từ lay xa dời con cua dốc” (Cua rốc là cua đồng, ở quê tôi vẫn gọi thế)

Ruộng bà để cỏ mọc. Vì lười nên dù có vào tổ đổi công nhưng chẳng ai người ta làm cho.

Được ít hôm bà bán nhà, bán đất vừa được chia. Nhiều tiền lắm. Mấy mẹ con bồng bì ra cắm đất ngay cạnh cái lều chỗ ông Tiếm đang ở. Ông bà Tiếm hùng hục quật lập đào bới san lấp… được độ sào đất, tưởng yên thân; thì bà Rao nhảy đến ở ké. Ông kêu toáng lên đưa đơn Ủy Ban Hành chính giải quyết.

Nhưng bà Rao còn kêu to hơn. Bà kể lể tham gia cách mạng Cải cách ruộng đất. Bà là người có công lôi bọn bóc lột ra ánh sáng...

Ủy ban thương bần cố nông nghèo khổ lại là tầng lớp cách mạng tiềm tàng. Vả lại đất ông Tiếm đang ở tự dưng thành đất có tranh chấp. Đã có tranh chấp thì chia đôi, bên nào cũng có phần là yên chuyện.

Ông Tiếm lại mất đất lần nữa. Ông phải chia đôi mảnh đất của mình vừa quật lập cho bà Rao một nửa.

Bà Rao lại có đất ở, lại có nhiều tiền bán đất bán nhà ngày xưa của chính địa chủ Tiếm. Mấy mẹ con sống sung sướng lắm! Ngày ngày thằng cu Thìn con thứ hai bê cái nồi đất đi mua phở ở ngoài đầu đường quốc lộ. Ba mẹ con xì xụp húp phở… mùi nước phở thơm lừng.

Cả đời ông địa chủ Tiếm cũng chưa biết đến cái bát phở nó như thế nào. Nhưng cái mùi phở thơm lừng làm cả nhà ông chỉ biết nghênh mặt hướng về nhà bà Rao bần cố nông, hít hít mũi tưởng tượng và… nuốt nước bọt.

Ông Tiếm lụi cụi biết thân biết phận kẻ thù giai cấp nên chẳng dám ho he. Ruộng còn vài sào chó ỉa, ông giao cho bà vợ. Còn ông đi làm thợ mộc.

Ngày xưa làm thợ mộc thường được chủ nhà mời ăn cơm trưa. Ông Tiếm làm cho người ta nhưng bữa cơm trưa ông không uống rượu, chỉ mỗi bữa ba bát cơm- kể cả cơm độn cũng ba bát, chỉ một con tôm kho, một ít rau và lưng bát nước rau hoặc canh. Thế là xong bữa. Khác hẳn những ông thợ khác ăn uống bê tha, sáng giũa cưa trưa mài đục… Ông Tiếm làm rất chăm chỉ đẫy ngày đẫy buổi. Buổi tối hôm trước ông ngồi giũa cưa, mài chàng đục sắc lẻm sáng loáng. Sáng đến nhà chủ là làm ngay. Ông làm ra sản phẩm vừa chắc vừa đẹp, tiền công vừa phải. Thành thử ông là thợ mộc có uy tín. Quanh năm không hết việc.

Bà Tiếm cùng các con cắm mặt mò cua bắt ốc, chăm vài sào ruộng chó ỉa được chia lại (vì thành phần không được vào Hợp tác xã). Lúa tốt. Hợp tác xã ghét lắm nhưng đành chịu.

Dần dà kinh tế cũng khá lên. Người ta đồn ông mua một cái soong nhôm bốn đồng hai hào, cho tiền vào đấy lấy dây thép ràng lại. Nhà ông lại càng bị ghét vì…giầu. Các con học hành tử tế nhưng chẳng được đi đâu ngoài việc đi bộ đội.

Năm Bảy sáu- người chủ mua đất quả thực của bà Rao đi kinh tế mới. Ông Tiếm phá cái soong bốn đồng hai đếm tiền mua lại miếng đất cha ông với giá bốn nghìn năm trăm đồng. Hôm nhận đất, ông cùng vợ con thắp hương giữa sân khấn vái Tổ tiên đã phò trợ cho vợ chồng con cái hai chục năm bòn gio đãi sạn nuôi chí bền để hôm nay lấy lại được mảnh đất cha ông. Ấy là nhờ bề trên khôn thiêng phù hộ. Ấy là điềm nhà vẫn còn sự hưng vượng. Rồi ông khóc. Vợ con ông cũng khóc.

Mà đúng số ông may thật vì chỉ ít lâu sau đổi tiền: mười ăn một. Với số tiền ấy nếu có cũng chỉ mua được vài con gà. Đấy là nói về sau này.

Lại nói về mẹ con bà Rao thời mới bán đất ăn chơi được mấy tháng rồi cũng hết tiền. Hai anh con giai là Mão và Thìn lồng ngồng là Đoàn viên, nhưng chẳng chịu đi làm nên không có công điểm HTX. Dẫu vậy vẫn được HTX chia thóc điều hòa. Thóc điều hòa chỉ ăn vài tháng là hết. Rút cuộc lại đói vẫn hoàn đói.

Hai tay con giai bỏ đi đâu không biết. Bà mẹ ở nhà lại đến từng nhà xin bòn từng cái lá rau già, lại mò mẫm cua ốc ngoài đồng…

Vài năm sau thì bà Rao mất. Hai ông con giai về lại gạ bán đất cho ông Tiếm. Ông Tiếm bảo mua. Nhưng con ông Tiếm không đồng ý. Mặc dù các con ông giống tính ông bà chăm chỉ tằn tiện, chịu khó bươn chải nên bây giờ giầu có lắm rồi. Họ bảo không mua.

- Đất của gia đình ta quật lập, bây giờ lại phải bỏ tiền ra mua là cớ làm sao?

Ông Tiếm bình tĩnh bảo:

- Vì đấy là đất của nhà ta nên bằng mọi giá ta phải lấy về. Giữ được đất thì nhà mới thịnh. Cứ nghiệm mà xem: kẻ nào bán đất đai của cha ông đi thì chắc chắn kẻ ấy mạt vận ngay. Vua chúa cũng vậy thôi! Các con cứ giở sách sử mà xem, cấm có sai một mảy.


Các con ông nghe ra. Gia đình ông mua lại mảnh đất của chính mình mà ngày xưa bà Rao chiếm dụng.

Bây giờ thì ông lại giầu nhất làng mặc dù ông đã già lắm rồi, móm hết cả răng.

Có người dọa ông Tiếm: không khéo lại bị quy địa chủ lần nữa.

Ông cụ chả nói gì… móm mém cười…


Vừa rồi lại nghe nói chỗ đất nhà ông cụ Tiếm lại bị đưa vào diện quy hoạch. Nhà nước đang chuẩn bị thu hồi cho doanh nghiệp.

Tôi hỏi chuyện đó có thật không. Ông cụ Tiếm chả nói gì… mắt nhênh nhếnh nước, hấp háy nhìn… Rồi thở dài.


(Ảnh mạng minh họa, không liên quan đến bài viết) Đọc thêm!

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

LAN MAN... THẦN TƯỢNG?

Đã lâu ông bạn “Đếch nói nữa” chẳng thò mặt đến nhà mình. Mình cũng đoán ra vì hắn có cái máy tính đổi con chó già cho thằng cháu nên hắn suốt ngày ôm in-tơ- nẹt vừa cập nhật thông tin và… coi nhà. Rồi cũng thành quen. Nhưng sáng nay sau trận mưa rào hắn lò dò sang nhà mình. Đúng là giở giời…

 Vừa hạ cái đít xuống ghế, cái mồm hắn đã xổ ra: - Tôi chán cho thanh niên bây giờ quá ông ạ!

 Mình hỏi sao mà chán.

 Hắn bảo: - Sáng nay xem ti vi, nghe điểm tin mà điên người… mấy đứa thanh niên chả có ý thức gì cả. Vài ngôi sao Hàn sang Việt Nam hát vậy mà tụ tập đón từ tận sân bay, hò la đuổi theo xe, hôn lên chỗ để đít của ca sĩ Hàn… sao mà không thấy nhục. Sao công an không bắt đi cho rồi!

 Mình bảo: “Thanh niên chúng nó hâm mộ thần tượng sao mà bắt nó?”


 Hắn trợn mắt:

 - Ông nói thật hay nói đùa đấy?

Mình bảo: “Chả nhẽ tôi lại nói đùa.”

 Hắn chửi ngay:

 - Vậy là ông ngu! Chúng nó tụ tập vậy có phải là tụ tập đông người không. Hành động hôn đít thằng Hàn có làm nhục quốc thể không? Vậy tôi hỏi ông bây giờ vài ba chục người tập trung hô vang tên Lê Đình Chinh hy sinh ở biên giới, Trần Văn Phương và tên 64 chiến sĩ hi sinh tại Gạc Ma- Trường Sa xem … liệu có bị tóm vì tội tụ tập gây mất trật tự trị an không?

Mình đờ người… hắn lại bồi tiếp:

 - Còn nữa, hôm tòa xử thằng Lê văn Luyện giết người… nhiều đứa thanh niên cả nam lẫn nữ còn hô Lê Văn Luyện- Đại ca, Lê Văn Luyện, em chờ anh sau 18 năm… Sao không tóm nó đi? Nó cổ vũ cho cái ác cái xấu vậy mà không sao…Thần tượng à! Đấy mà thần tượng à…

 Mình ngớ người. Hay nhỉ. Nhưng cũng phải giải thích một tí tị:

 - Ngày xưa anh em mình còn có thần tượng để mà tôn thờ… ví như lãnh tụ, như Pa-ven Thép đã tôi là thế đấy bên Tây, Lôi Phong bên Tàu, Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Bé bên ta… còn bây giờ… bọn chúng có ai thần tượng đâu. Những thần tượng ngày xưa đối với bọn chúng không thiêng nữa. Đối với chúng thần tượng phải sống sờ sờ mới có sức thuyết phục…

 Hắn cãi ngay:

- Bây giờ có đầy… Này nhé, các lãnh đạo chém gió vù vù như Đinh Bộ trưởng, người trẻ thành đạt như Nông gì gì đấy nhá, Nguyễn Thứ trưởng xây dựng nhá, Nguyễn công chúa Chủ tịch ngân hàng nhá, Nguyễn Minh Triết nhá, không phải ông Chủ tịch nước đâu, và vừa hôm qua hôm kia Tô Linh Hương 24 tuổi vừa tốt nghiệp Đại học báo chí đã làm đến Chủ tịch một công ty xây dựng hàng đầu nhà nước nhá… Toàn người tuổi trẻ tài cao, sao không bảo đấy là thần tượng, sao không học tập? Sao Đoàn Thanh Niên không tôn vinh rồi tuyên truyền để thành thần tượng cho lớp trẻ, để nó phấn đấu theo gương.

Ừ nhỉ! Mình tịt hẳn. Chả biết “phản biện” thế nào. Hắn trầm ngâm rồi kể:

 - Chán bỏ mẹ! Nhiều lúc chẳng đâu ra đâu. Chả ra đếch gì. Hôm nào tự dưng vợ chồng tớ mất đoàn kết cũng bởi thằng “Hàn Quốc”.

 … Còn nữa… kỳ sau kể tiếp Đọc thêm!

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

VÌ SAO ÔNG GIÓNG VỀ GIỜI?

Đăng lại phần cuối "Vì sao ông Gióng về giời" để đỡ lạnh blog. Và ngẫm điều hôm nay...

(Tiếp theo và hết)
Đoàn quân thắng trận quay về đến chân núi Sóc, đã thấy vua quan hớn hở mở hội mừng công. Cả đám đang hỉ hả tâng bốc nhau tài giỏi.

Vẫn ngồi trên mình ngựa, Muộn cởi áo sắt, bỏ mũ sắt, ném phịch xuống đất. Cánh đàn ông làng Gióng cũng lặng lẽ đứng phía sau. Vua thấy vậy lật đật chạy lại, cao giọng bề trên:

- Khá khen cho người giai làng Gióng! Vào đây tao cho chén rượu, rồi về triều để tao cho cái chức Lạc tướng đứng đầu các quan.

Muộn lắc đầu:

- Tao chả cần.

Vua bảo:

- Về với tao được ăn sung mặc sướng. Rượu ngon gái đẹp. Đủ cả…

Muộn vẫn lắc đầu.

- Tao chả cần.

Vua chép miệng:

- Sao mà ngố thế! Bao nhiêu là công thế mà chẳng màng làm quan. Lại về vui thú ruộng vườn…

Muộn nói:

- Tao đánh giặc đâu phải vì vua! Tao đánh giặc vì nước, vì dân, vì mẹ tao. Tao không cần thưởng!

Vua lại bảo:

- Thì mày về làm quan cho tao để có nhiều vàng bạc mà nuôi mẹ già. Rồi cùng tao canh giữ cho mọi người trên mặt đất(!)

Muộn xẵng giọng:

- Đất của mình mà chẳng giữ được thì coi được gì cho ai. Giặc nó lấn nhà, mất nước đến nơi, bọn bay không lo chống trả, lại đi nịnh ngược lại nó…

Vua còn cố vớt vát:

- Thì tao cũng đã…đã làm ngựa sắt, gậy sắt…

Muộn chỉ thẳng vào mặt vua:

- Giỏi nhỉ! Rèn ngựa thì bớt sắt, đúc gậy sắt thì rỗng ruột, dồn cát vào cho đủ nặng… để ngựa sắt các ngươi làm ra, tao chỉ đập nhẹ một phát đã tan tành, gậy sắt thì tao khua vài đường đã gẫy vụn. Ăn bớt ăn chặn cả những thứ dùng để đánh giặc thì có còn là con người? Hay là chúng mày có ý ngầm làm vậy để ta phải chết vì tay giặc? May mà ta được Thổ thần báo trước… Không biết xấu hổ, bây giờ lại dám kể công ư? Vua quan như thế thì sao có thể thu phục được lòng người, sao tao có thể ở lại!...


Còn nữa!- chàng Muộn nói chỉ đủ cho vua nghe thấy: qua những việc chúng mày đã làm, rõ ràng trong đám vua quan có nhiều đứa là tay trong của giặc Ân. Tao không sợ giặc, chỉ một phát rắm là xong. Nhưng tao ngại cái lũ hèn mọn tay sai theo giặc. Nếu tao về làm quan với chúng mày thì rồi sẽ có lúc chúng mày giở trò hèn mạt, ngấm ngầm cho tao một nhát… để tao chịu tội với giời à! Vì nhẽ ấy tao không thể ở lại.


Nói xong Muộn hướng về phía làng Gióng lạy ba lạy. Lại vòng tay cúi đầu trước cánh đàn ông làng Gióng: “Cảm ơn giai làng! Muộn còn mẹ già, xin giúp đỡ!” rồi quay ngựa bay vút lên giời.

Cánh đàn ông làng Gióng vòng tay đáp lễ và từ từ quỳ xuống ngẩng đầu nhìn theo người giời khuất dần, khuất dần vào mây trắng…

Vua toát mồ hôi, quỳ sụp xuống lạy như tế sao. Sau đấy chừng như biết tội, ra sức sửa sang mọi nhẽ để Văn Lang yên ổn được mấy trăm năm, nối qua mười hai đời vua nữa…rồi mất về tay Thục Phán.

HẾT.

Để xem toàn bộ truyện (5 kỳ) mời bạn bấm vào mục "chuyện xưa kể lại"


....
Đọc thêm!

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012