Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

NỢ NHÂN GIAN (truyện ngắn của Mai Tiến Nghị)

(Tiếp theo và hết)

Những tưởng lão cứ vênh vang được mãi. Vài năm sau vợ lão chết, nghề giết chó bán ở chợ chả còn ai mua vì bắt đầu có những quán cầy tơ bảy món với đủ mọi chiêu trò câu khách ra đời. Rồi hai “sĩ quan vặt lông chó” của lão sinh ra nghiện ngập cờ bạc ma tuý. Bao nhiêu tích cóp của lão dần dần biến mất vào những cuộc đỏ đen và những cơn phê phê của hai quý tử. Khi tiền cạn thì hai thằng con cũng lần lượt từ giã lão để đi về thế giới bên kia do chích thuốc quá liều. Trước khi ra đi chúng đã kịp để lại cho ông bố già một đống nợ. Mà chủ nợ toàn bọn mổ mèo lấy cá... chúng thuê đầu gấu đến nhà giơ dao siết nợ. Lão phải bán nhà để trả nợ cho con.
          Lão Viên không còn nhà, vật vạ tại lều chợ... tối tối đánh bạn với đám ăn mày. Mọi người bảo: ở với bọn ăn mày thì có khi đi ăn mày...
          Và lão đi ăn mày thật. Đầu tiên mọi người can ngăn... Lão lý sự rằng thân tôi, tôi phải lo. Mọi người chả có thể lo cho tôi được mãi, ăn mày thì nào có hại gì đến ai. Mọi người đành chịu lão bởi vì vào những năm chín mươi tự lo cho mình cho gia đình còn khó, sao có thể lo được cho người khác.
          Lão chuyển từ lều chợ vào ở cái nhà kho cũ vốn để không của Hợp tác xã từ ngày khoán ruộng. Gian ngoài cùng chứa đòn đám ma, gian giữa thì để mấy cái máy bơm hỏng. Lão tá túc ở gian tây cùng ngay sát đường xóm. Cán bộ hợp tác xã thấy tự nhiên có được người coi kho không công thì để yên cho lão ở. Mọi người thấy hoàn cảnh lão vậy cũng chả ai nỡ bì bục gì.
          Tôi ra quân và đi học nghề gõ đầu trẻ vào cái thời mà lão Viên bắt đầu sa sút. Tôi ra trường được vài năm thì được đưa ma hai thằng con lão và được chứng kiến sự nghiệp ăn mày của lão bắt đầu.
          Ngày nào cũng như ngày nào, lão Viên ra đi từ mờ sáng. Đến tối nhọ mặt người mới thấy lão thất thểu vẹo vọ về tới nơi tá túc. Bộ dạng lúc đi như thế nào chả mấy người làng được biết nhưng lúc về thì trên người lủng lẳng những dúm ni lông được buộc vào một sợi dây thừng đeo vắt vẻo trên cổ, trên vai. Mọi người gọi lão là “lão Chín Dúm”. Có lẽ áng chừng số lượng các dúm như vậy, chứ có khi còn nhiều hơn…
          Buổi tối tôi hay thể dục bằng cách đi bộ. Nhiều hôm đi ngang qua thấy lão “Chín Dúm” về. Lão thong thả gỡ cái dây treo toòng teng các loại dúm ni lông trên cổ xuống. Tôi vốn tò mò nên ghé vào xem. Lão cũng tự nhiên chả cần phải giấu, cứ mở từng dúm từng dúm... Đầu tiên là dúm gạo rồi một dúm có một ít cơm đã bốc mùi chua, dúm rau úa vàng như dưa muối, dúm vài cái đầu cá kho, dúm vài miếng thịt lợn, mấy miếng xương có lẫn những sợi miến nhão nhoẹt mà có lẽ lão vào ăn xin ở một đám cưới hay đám ma... Lão trút dúm gạo vào cái xô nhựa mẻ, các thứ khác lão cho vào những cái bát sứt sau khi đưa lên mũi hít hít để đánh giá chất lượng, có khi cơm rau dính cả vào bộ râu rậm. Cuối cùng là một dúm nhỏ chỉ nhỉnh hơn cái chén hạt mít. Lão nâng niu ngắm nghía cái dúm rồi đặt xuống đất, lần tìm trong túi lôi ra một cái kính không gọng... lão thong thả treo cái kính lên mặt bằng hai sợi dây chun. Tôi hồi hộp: vàng... chả nhẽ lão lại ăn xin được cả vàng. Sự trịnh trọng thái quá của lão càng làm tôi tò mò... nhưng lão chả để ý gì đến việc có người đang chứng kiến. Tay run run lão mở cái túi. Tôi căng mắt nhìn và không thể tin được: đó chỉ là những viên đá mạt... Những viên đá dính đất nham nhở và chỉ to bằng hạt ngô... lão đổ mớ đá ra nền nhà, chìa ngón tay trỏ cáu bẩn gạt từng viên, từng viên... đếm cẩn thận như đếm kim cương: “Một.. hai..... hai bốn... hai nhăm.... hà hà... ba mốt. Ba mốt...” Mặt lão dúm lại: “Hơi ít... ba mốt... ít hơn hôm qua”. Lão đần mặt ngẫm nghĩ một tý rồi  bốc tất cả những viên đá cho vào một đống đá mạt cũng đến gần nửa xô ở trong góc nhà. Có lẽ đấy là đống đá gom lại từ những ngày trước đó. Lão nhìn đống đá, mặt bần thần, chòm râu rung rung, cổ họng hừm hừm vài cái rồi thở dài đánh thượt. Rồi lão cúi mặt như mặc niệm...
          Quan sát mấy lần đều như vậy. Chả hiểu lão quỷ già này làm cái trò gì mà quái gở thế không biết?
          Tuyệt nhiên không thấy có tiền. Có lẽ lão giấu trong áo quần. Mà để ý làm gì. Kệ lão!  
    
          Kệ lão nhưng đâm ra thắc mắc về những dúm đá trong đám chín mười cái dúm mà hàng ngày lão tha về. Băn khoăn thì phải hỏi, bởi tính tôi không hỏi thì vẫn còn băn khoăn. Một lần tôi đi qua thấy lão đã tắm rửa quần áo sạch sẽ ngồi ở hiên, tôi ghé vào ngồi rồi đánh bạo hỏi “Bác đi như vậy liệu có kiếm được khơ khớ không”. Hỏi mà không chắc được trả lời. Trái lại, lão trả lời luôn bằng giọng thân thiện: “Cũng nhì nhằng đủ ăn mày ạ!”
          -Đi ăn mày cũng hay đấy chứ! Vậy sao ngày nào cũng thấy bác có dúm đá mạt mang về? Để làm gì vậy?
          Lão đắn đo một tý rồi nói bằng giọng khàn khàn chán nản:
          - Ôi giời. Hay ho gì kiếp ăn mày... Dưng mà có nhẽ đời bắt tao giả nợ hay sao ý mày ạ. Cũng phải thôi, có nhẽ tao sát sinh nhiều quá... giết người, giết chó... giết nhiều chó quá nên nó oán.
          Tôi lạnh người... Giết chó thì ai cũng biết. Nhưng giết người? Lão đã giết người mà không bị tù tội gì... Chưa thấy ai nói lão đã từng giết người. Thế là thế nào? Chắc là lão thuận mồm hay lú lẫn mà nói vậy thôi.
          Ngửng một lúc, lão thở dài:
          - Mày hỏi tao mang đá về làm gì ư, ôi dào sướng gì cái kiếp ăn mày. Nhục lắm! Người tốt bụng trông thấy mình thì thương hại, được nhời tử tế... mình cũng mát ruột. Nhiều người đã chẳng cho lại còn chửi bới... Đau. Trước thì cũng có bát ăn bát để... giờ thì đi ăn mày... Tao ngẫm ra mình đang phải giả nợ... Mỗi lần người ta chửi mình, mỗi lần người ta không cho... là một lần mình giả nợ đấy mày ạ. Có nhẽ đến lúc chết... Đến chết mà cũng không biết cái nợ của mình nhớn chừng nào. Vậy tao mới nghĩ ra cách cứ mỗi lần xin mà người ta chửi, người ta không bố thí... thì tao lại nhặt một viên đá mạt cho vào túi. Đá mạt thì ở chỗ nào chả có. Cuối ngày đếm lại, nếu được nhiều đá là hôm ý mình giả nợ được nhiều. Đấy tao nghĩ thế đấy.
          Tôi giật mình vì cái cách nghĩ của lão “Chín Dúm”. Thì ra ở đời khôn nhiều thì dại lắm. Mỗi lần mình bị chửi là một lần giả nợ. Kể cũng hay. Giá mà ai cũng vậy thì tốt biết mấy, mọi người sẽ sẵn sàng tha thứ cho nhau. Nhưng trong cõi người này chả có ai thích bị chửi, người ta chi thích được khen. Mà cái sự khen đúng thì đã đành, còn cái sự khen nịnh thì sao. Vậy thì mỗi lần nhận một lời khen lại là một lần nợ? Nhiêu khê thế cơ à.
          Từ lần nói chuyện ấy thấy ông Chín Dúm có cách nghĩ hay hay nên tôi thích. Ông cũng biết tôi thỉnh thoàng có viết lách đôi chút thì nể ra mặt. Các buổi tối đi bộ về nếu thấy ông đang ngồi ở hiên nhà kho thì tôi lại ghé vào nói chuyện. Có người bảo rằng ai lại thầy giáo lại giao du với ăn mày, rồi giao du với ăn mày thì lại đi ăn mày à. Có người thì lại cho rằng tôi tọc mạch vậy để lấy tư liệu viết văn. Còn tôi thì chả quan tâm, người ta nghĩ gì cũng chả sao.
          Một hôm ông đột ngột hỏi:
          - Mày có hay để ý nghe kèn đám ma vào buổi sáng không?
          Tôi trả lời là không. Để ý làm gì cho mệt. Với lại tôi thường ngủ dậy muộn...
          Ông Chín Dúm bảo:
          - Tao già rồi, ngủ không được mấy. Cứ ba giờ sáng đã thức nằm trằn trọc đợi sáng. Mà cái giấc ấy đất giời tĩnh lắm. Chả mấy ngày mà không có tiếng kèn đám ma ở các phía đông tây nam bắc rót về. Nghe rõ mồn một. Đầu tiên nghe kèn mà tưởng tượng mình đang nằm trong quan tài rồi bị chôn xuống đất nhá, rồi tan rữa nhá... Có lúc tao giơ tay lên nghĩ bây giờ đang sống giãy ngoay ngoảy mà chẳng bao lâu thì những đốt xương ngón tay này sẽ rụng, cái đầu cũng rụng, cái cổ cũng rụng, nói chung rụng hết chả cái nào dính với cái nào... thành một mớ lủng củng. Cũng khiếp lắm mày ạ! Và tiếc lắm mày ạ! Dù rằng sống cũng chỉ là thằng ăn mày ăn xin...
          Tôi rùng mình!
          Ông nói tiếp:
          - Ấy vậy mà nghe nhiều lại thấy quen, rồi thấy hay. Tự dưng thấy thích. Bởi vì ai mà chẳng chết, có ai thoát được đâu nào. Vậy nên tao chẳng sợ nữa mày ạ! Rồi tao lại thích chết mày ạ. Chết để xem cảm giác nó ra làm sao.
          Tôi bảo ông sẽ còn sống còn lâu. Có phải thích chết mà chết ngay được đâu. Ông gật đầu ngẫm ngợi một tý rồi bảo: “Có nhẽ vậy thật! Tao chưa thể chết được bởi vì còn phải giả nợ. Mới được lưng xô đá... bao giờ mới được hai xô. À mà này: sau này nếu tao chết thì lấy đá ấy mua thêm mấy cân xi măng làm cho tao cái bia nhá. Một cái bia vừa vừa chỉ cần hai xô đá chứ mấy. Chắc là sẽ đủ vì dạo này được nhiều hơn, có ngày được đến dăm chục viên ấy mày ạ. Chữ thầy giáo chắc phải đẹp. Nhớ nhá!”
          Ô hay, đến người ăn mày mà cũng cần một tấm bia trên ngôi mộ của mình. Và tấm bia ấy lại được làm bằng những viên đá mạt ghi dấu những lần bị người đời hắt hủi... tấm bia càng to càng nhẹ lòng vì nghĩ rằng mình đã trả được nhiều nợ cho đời. Thì ra người ta ai cũng cần một dấu ấn tồn tại sau khi giã từ trần thế, dù chỉ để đánh dấu một nấm đất lạnh lùng chẳng chút khói hương.
          Tôi vẫn thắc mắc chuyện ông “Chín Dúm” bảo là đã giết người. Hỏi mấy lần về việc ấy thì chỉ thấy ậm ừ không nói. Gặng mãi mới buột ra đúng một câu: “Ôi dà... cái thời Cải cách... lôi thôi lắm”. Có thể ông ta là người của “Đội”? Nhưng nếu vậy thì phải là cán bộ chứ đâu lại dẫn vợ con tay không chạy xuống tận xứ bùn bãi này làm gì. Hay lão là “cốt cán” đấu tố để người ta chết oan. “Nhời nói, đọi máu”... Có khi vậy thật! Bởi vì những “cốt cán” kiểu ấy sau đó thường bị người làng khinh ghét đến nỗi phải bỏ xứ mà đi.
          Mà thôi... cũng chẳng nghĩ làm gì cho mệt. Bởi người ta chả có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vả lại tự người ta đang dằn vặt sám hối!
          Cách đây đến gần tháng, tôi đang ngủ thì bị dựng dậy vì tiếng huyên náo phía nhà kho. Cả làng nháo nhác người nọ hỏi người kia: có trộm à, cháy nhà à... Chả ai biết để trả lời... Vậy là huỳnh huych chạy như đuổi nhau đến hiện trường. Tôi cũng mắt nhắm mắt mở chạy theo. Đến nơi thấy lão Chín Dúm đang ngồi phệt giữa đường một tay bốc đất bỏ lên đầu, tay kia chỉ hướng nam, mắt thất thần, miệng gào thất thanh: “Im đi! Bảo nó im đi! Lạy các ông các bà... bảo nó im đi”. Mọi người ngơ ngác. Ai im? Ai làm sao mà phải im? Rồi tất cả im lặng ngóng về phía tay chỉ của lão và lắng nghe.
          Ở phía ấy có tiếng kèn đám ma!         

          Tôi xin phép Ban Giám hiệu nhà trường đổi tiết dạy học và phóng xe về. Đến gần nhà kho đã thấy người làng đi lại tấp nập. Có dễ gần đủ cả làng. Rẽ đám đông đang đứng vây kín trong nhà ngoài sân, tôi vào ngay chỗ ông Viên. Ông lão nằm dán mình trên giường gỗ ọp ẹp, cái thân hình cao lớn mọi ngày giờ xẹp xuống như cá khô. Mắt ông lão nhắm nghiền, khuôn mặt trắng bệch hốc hác, miệng ngáp ngáp sau hàng râu rậm rung rung. Hai tay ông ôm khư khư vạt áo sờn bên trái đã gợn thành vệt nâu bóng mồ hôi.  Anh Tý hét to bảo: “Đây rồi! Đây rồi, giáo Nghĩa về đây rồi!” Chợt đôi mắt của ông lão động đậy, mi mắt nhướng lên như cố mở ra nhưng không được. Miệng ông mấp máy, tay phải khều khoào vươn lên như vẫy vẫy, tay kia vẫn nắm khư khư cái vạt áo cáu bẩn.
          Chắc có lẽ ông lão định nói điều gì với mình. Tôi lại gần, có cảm giác mùi lạnh lạnh của người chết. Rồi thấy miệng ông lão mở ra to hơn và từ đấy có tiếng khào khào trong tiếng thở đùng đục:
          - Cố giúp tôi... không chôn nhá... phí đ...ất... Vướng mắt... mắt mọi người. Cho hê..ết... xu..ống.. sông... nhá.
          Ông lão dừng lại, mồm vẫn há, tiếng thở hực hực... tay phải vẫn giơ lên. Có lẽ ông cố lấy hơi để còn nói tiếp... Tôi cố chờ để nghe. Mọi người cũng im bặt. Không gian như lặng đi. Chả nhẽ ông già bảo bỏ ông xuống sông? Ôi chao ông lão này đến chết vẫn còn gây cho người ta những bất ngờ...
          - Cố dành... được tí để... đốt... Đốt nhá.. cả gio cả... đá... xuống s..ông   nh...á... cho mát...
          Đến đây thì tay phải ông lão hướng sang phía trái trong khi cái vạt áo bên ấy đang được bàn tay còn lại vén lên để hở khoảng bụng nhăn nheo... Khi tôi cầm lấy vạt áo định kéo xuống thì bàn tay ấy dúi dúi vào tay tôi như ra hiệu điều gì. Chắc có cái gì đang để trong vạt áo? Lục túi áo không có, tôi lần xuống gấu áo. Cánh tay ấy thả xuống ngay khi tôi lần gấu áo. Chợt thấy cồm cộm, tôi lấy ra: đó là một khoen vàng nhỏ, khoảng một chỉ...
 Chợt nghe tiếng anh Tý: “Ông cụ “đi” rồi!”   
          Tôi vuốt mắt cho ông lão. Thực ra làm lấy lệ bởi vì mắt ông lão đã nhắm, nhưng vẫn phải làm đề phòng sau khi chết một lúc có hiện tượng co cơ mắt lại mở ra. Tôi gặp những sợi lông mi rợn rợn trong lòng bàn tay. Đưa tay lên, tôi chợt thấy tay mình ươn ướt nước mắt nóng ấm.
         
                                                                                                                                               
                                                         Tuyên Quang- Hải Hậu Nam Định tháng 5 năm 2014

                                                                                             MAI TIẾN NGHỊ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét