Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

KIẾP NGƯỜI (Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị)

Báo Văn Nghệ (HNV) số 45 (08-11-2014) đã đăng truyện ngắn: KIẾP NGƯỜI của Mai Tiến Nghị. Xin trân trọng giới thiệu với các bạn trong ba kỳ.



Giời với đất dạo này chả ra làm sao. Nhìn bên ngoài thấy sương giăng giăng tưởng là lạnh mà trong nhà thì nóng hầm hập. Đã thế cái võng lại kẽo kẹt kẽo kẹt... điếc cả tai. Sốt ruột, bà Sênh lấy nước đổ vào cái khoẳm võng nhưng cũng chỉ được một lúc là lại kẽo kẹt... Thành thử cứ mơ mơ màng màng như người ốm dở. Khó ngủ... bà lão ngồi dậy: Làm gì bây giờ. Mới hơn ba giờ sáng chứ mấy. Làm gì bây giờ?

          Bần thần một lúc, đầu óc lơ mơ nặng chình chịch. Khéo ốm mất. Vậy phải dậy. Ngáp một cái, vươn vai một cái, bà rời võng lần đến góc nhà. Mắt nhắm mắt mở, quờ tay vớ được cái chai... đây rồi. Bà nâng cái chai lên, giương cặp mắt kèm nhèm nhìn qua ánh sáng vàng vọt bởi cái bóng điện ngoài cửa. Vẫn còn. Làm một hớp “phu phong” cả ngày. Ngửa cổ dốc một hơi... cay nồng, tê tê... Nuốt. Râm ran từ đầu lưỡi đến vòm miệng lan qua cổ họng. Nóng trong ngực, rồi cái cảm giác nóng ấy khơi thông mạch máu lan đến đỉnh đầu, khơi thông cái mạch hỗn độn u tịch trong đầu. À bây giờ thì khá hơn rồi. Cha tổ bố nhà nó... cái giống rượu vậy mà hay thật.

          Đúng vậy! Cái giống rượu vậy mà hay. Nó đã đỡ bà dậy kể từ khi đứa con trai của bà cũng bỏ đi theo bố nó. Khi người ta đưa con bà đi, bà thấy đất giời rỗng rễnh... Chả có gì... cứ trống hoang hoác... vậy từ nay có mình ta trong cái hoang hoác, chống chếnh này... ta còn gì ...chả còn gì, đến cái ảnh của đứa con cũng chả có. Ai chụp ảnh cái thằng người dị dạng. Giời sao ác thế. Nhìn cái bát hương khói nghi ngút... cháy đi cháy đi, nghi ngút đi... rồi mai đây ta cũng chẳng còn chẳng còn ai nhang khói, và cả ta nữa cũng chẳng ai nhang khói...Cha tổ bố nó... Đời vậy mà ác. Bà muốn đập hết đập hết... để cũng chả làm gì. Nhà cửa, bàn ghế, của cải mâm bàn bát đĩa đập ráo. Cho nó tan tành hết. Bà vớ lấy chai rượu trên bàn thờ con giai. Nào đập!... tự dưng bà cảm thấy khát. Ơ hay... sao lại khát? Khát thì uống. Vậy là ngửa cổ tu. Lạy giời... chả biết vì cái thứ nước lạnh của rượu hay vì cái cay mà nóng rát ở cổ. Cái nóng rát chạy vào bụng lại làm cái đầu tự dưng tỉnh táo ra: Ô lạ thế. Sao lại phải thế? Mình đã lo cho con giai những thứ nó cần ở trên cõi đời này rồi. Có đau cũng là sự đã rồi... Bà uống rượu từ ngày ấy.

          Bây giờ trong đầu hiện ra những nỗi lo. Vì những nỗi lo ấy mà bà phải sống. Đến tháng mười này thì ông ấy đã được mười năm, thằng con giai đã được năm năm...dăm năm là được rồi. Cuối năm phải tắm rửa cho hai bố con. Để bố con ông ấy sạch sẽ mồ yên mả đẹp. Để yên tâm. Rồi thì mình còn được ngày nào biết được ngày đó. Cũng bảy mươi rồi còn gì...

          Và còn nỗi lo nữa... “nó” đang trong nhà bà. Đang nằm ngủ trên cái giường mà con bà ngày xưa vẫn nằm. Và không phải chỉ có mình “nó”...

*

*       *

          Bà Sênh vừa bén hơi chồng đã phải xa chồng vì chiến tranh. Hơn mười năm đánh nhau đã biến chồng bà từ một chàng trai khôi ngô thành một ông già hốc hác tiều tụy... khi ông Sênh chiến thắng trở về. Dù sao vẫn hơn những người không trở về. Mừng mừng tủi tủi, họ lao vào nhau cho thỏa khao khát chờ đợi... nhưng cũng ê chề bởi không thể tìm lại cảm giác ngày xưa. Và cả vợ cả chồng chợt nhận ra một chục năm hoang phí... để bây giờ dẫu nồng đượm nhưng vẫn nhợt nhạt, dù thèm khát nhưng cũng chẳng bõ bèn.... Cũng may vì cái sự nhợt nhạt ấy còn có kết quả: Thằng bé Sinh ra đời khi bà đã tuổi ngót bốn mươi...

          Lúc còn bé, Sinh mạnh khỏe, hay ăn mau lớn, học hành sáng dạ. Đi về hai vợ chồng nhìn con mà ngất ngây hạnh phúc. Đó là những ngày đẹp nhất của cuộc đời bà Sênh.

          Nhưng đến khi Sinh mười lăm tuổi thì bắt đầu có chuyện. Tự dưng đi học về thằng bé kêu đau đầu... rồi kêu mắt mờ. Đi kiểm tra người ta bảo di chứng chất độc da cam... Hai ông bà chạy chữa đưa con hết bệnh viện nọ đến bệnh viện kia. Chỉ thấy bệnh nặng thêm... Như là một cái cây đang xanh tốt tự dưng gặp sâu độc làm cho dở sống dở chết quặt quẹo lắt lay. Thằng Sinh đang dậy thì trổ mã đột nhiên biến dạng. Đôi chân teo tóp như cành núc nác khuyều khoào trên giường và mất luôn khả năng đi lại. Còn đôi tay lòng thòng mềm nhũn... không cầm nổi cái thìa xúc cơm. Để bù lại thì cái đầu xù ra to quá khổ với đôi mắt lồi trô trố, cặp môi dày lên, dệch ra... lúc nào cũng dãi rớt lòng thòng nhểu nhểu thành những sợi như sợi tơ. Giọng nói khàn khàn thời kỳ vỡ giọng hóa thành tiếng khào khào như thể tiếng mèo... Tiếng cười ngân dài trong vắt vỡ vụn thành những mảnh rời rạc hệch hệch... Chỉ có tiếng khóc là không biến dạng, vẫn vẹn nguyên âm thanh nức nở. Những lúc ấy nước mắt ròng ròng trên khuôn mặt dị dạng nhòe nhoẹt cùng dãi dớt từ mũi, từ cái mồm méo xệch...

          Ông Sênh trở nên lo lắng buồn bực, mặt mũi lúc nào cũng đờ đẫn đăm chiêu. Mỗi khi nhìn con ông lại ứa nước mắt rồi lại lấm lét nhìn sang bà. Trông ông như người đang cố gắng giấu giếm tội ngoại tình. Bà nhìn cái hình hài méo mó biến dạng từng ngày của con trai mà vừa đau vừa ấm ức: Cha tổ bố nhà nó... chiến tranh với chả đánh nhau. Mà có đánh nhau thì còn người nào thì cũng phải cho ra cái con người... Trèo lên, tụt xuống ê chề, mãi mới có được tý con. Tưởng giời thương rằng bù lại, ai ngờ giời bắt tật nguyền.... Giá mà bà biết nói lời an ủi. Nhưng bà không thể, vì tính bà ăn sóng nói gió bộc tuyệch bộc toạc. Bà cũng chả giấu nỗi khổ của mình. Bà rên rỉ đỉ đau. Tôi đẻ con ra lành lặn tinh khôi có khiếm khuyết gì đâu. Vậy mà thành ra có tội: Tội không che chắn được cho con để nó phải chịu đọa đày. Ô hay... sinh đẻ, nuôi con là cái nhẽ tồn tại ở đời mà thành ra có tội. Giá mà bà chịu thay được cho con để nó lành lặn tử tế. Nhưng điều ấy lại càng không thể.

          Rồi ông ấy “đi”. Cũng đau đầu, cũng kêu mờ mắt, cũng nhũn nhão chân tay. Nhanh lắm... chỉ có mấy ngày.

          Đến lúc ấy bà bàng hoàng... Ông đã khốn khổ mấy chục năm đánh nhau, khốn khổ vì những lúc không vừa lòng bà, lại còn khốn khổ vì nỗi con bệnh tật. Ông đâu có phút nào được thảnh thơi. Hay là giời đổi cái chết sang cho ông để con giai khỏe lại. Nhưng không phải. Ông chết chỉ là sự giải thoát cho riêng mình. Nỗi lo, nỗi đau chung vẫn còn nguyên vẹn... Từ nay mình bà phải gánh gồng chịu đựng. Chịu đựng trong lạnh lẽo đơn chiếc sớm tối mưu sinh và đứa con hình hài dị dạng cần chăm sóc .

          Cũng may có hàng xóm chia sẻ với bà. Họ đi về câu chuyện câu trò làm bà khuây khỏa phần nào. Thằng Vường cũng trạc tuổi Sinh, nó ở cùng ngõ cách hai nhà; thường vài ba ngày một lần nó sang giúp bà tắm rửa cho thằng Sinh. Trước đây việc ấy là của ông Sênh. Nhưng ông mất rồi thì bà không thể làm. Không thể làm vì cu cậu không chịu, cứ lắc đầu nguây nguẩy ra cái vẻ ngượng rồi văng mình xoay lông lốc như bao gạo dăm sáu chục kí lô... sức bà không sao vần nổi. Đã thế nó lại còn khóc lóc. Cha tổ bố nhà nó... Cũng biết ngượng... Tôi còn đẻ ra anh cơ đấy. Từ khi được thằng Vường giúp thì bà cũng tạm yên tâm.

          Một lần sau khi tắm cho thằng Sinh thì thấy thằng Vường hì hì cười:

          - Này thím này... Thằng Sinh nó thích lấy vợ rồi đấy!

          Bà bảo:

          - Cha tổ bố thằng khỉ... cứ đùa. Làm sao mà nó lấy được vợ! Có mà lấy chó...

          Thằng Vường toe toét:

          - Lúc cháu tắm cho cu cậu thấy giống to phết, cứng phết. Cháu mới bảo lấy vợ nhá. Nó cười...

          Bà Sênh giật mình. Chả trách nhiều lần thấy thằng Sinh ngoẹo cổ nhìn xuống bụng ư ử khóc. Ừ nhỉ. Nó cũng là con người. Nó bằng tuổi thằng Vường, năm nay cũng hai nhăm tuổi rồi. Thằng Vường đã có vợ có con. Vậy mà thằng Sinh... chả biết còn được bao lâu nữa. Ôi chao, giá mà nó có con để bà được tý cháu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét