Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

KIẾP NGƯỜI (Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị)(KỲ 3)

Tiếp theo và hết:

Bây giờ thì “nó” đang ở trong nhà bà, đang ngủ trên cái giường mà “nó” đã cùng con trai bà...
          Lúc tối qua khi bà đang dọn dẹp chuẩn bị đi ngủ, thì ngoài ngõ có tiếng gọi: Bà ơi... Bà Sênh vội lập cập ra cửa giương cặp mắt kèm nhèm nhìn thấy một thiếu phụ dắt thằng bé khoảng lên bốn lên năm bước vào.
          - Bà có khỏe không ạ? Bà có nhận ra con không ạ?
          Bà lão dè dặt:
          - Tôi khỏe. Chị đây ...chị đây là?
          Người phụ nữ ngồi xuống ghế, quay mặt về phía ánh sáng:
          - Dạ con là con bé ngày xưa đã... đã ở đây ba ngày... hồi anh Sinh... Bà không nhớ ra ạ!
          - Ôi giời. Sao bây giờ khác thế. Mà sau đấy đi đâu? Thế đây là con chị à? Được mấy tuổi rồi?
          Bây giờ thì bà đã nhận ra người của ngày xưa. Mặt thị không khác mấy nhưng người thì hơi đẫy ra. Không biết đến đây có việc gì. Cha tổ bố nhà “nó”... tưởng đã quên rồi bây giờ “nó “lại đến. Duyên nợ gì nữa. Ngày ấy mọi việc đã sòng phẳng rồi mà. Cũng tại mình, thấy nó chăm sóc thằng Sinh chu đáo, thấy thằng Sinh vui vẻ mà mình thương, giữ “nó” ở lại ba ngày. Ba ngày có “nó” trong nhà ấm áp hẳn lên. Đôi lúc mình cảm giác “nó”như đứa con dâu thật sự. Mình giả “nó” nửa chỉ vàng chứ có ít đâu. Nửa chỉ vàng cho ba ngày... Nửa chỉ vàng tích cóp bòn nhặt mấy năm mới có... Nhưng cũng chẳng tiếc. Con bà chả cần ăn, con bà chỉ cần vui... vả lại một ngày nên ngãi... thì nửa chỉ vàng có là gì. Bà nhớ rõ lúc “nó” run run tay cầm nửa chỉ vàng, rồi “nó” lồng vào ngón nhẫn tay trái trong khi mặt cúi xuống ngượng nghịu như muốn nói điều gì. Lúc ấy bà sợ nó kỳ kèo đòi thêm, nên cố đẩy “nó” xéo nhanh đi cho rảnh.
          - Ngày ấy con còn làm thêm bên bãi Quất hơn tháng nữa...đến khi biết là có bầu thì buộc phải về, mấy lị mẹ con cũng già yếu quá. Con về nhà được một thời gian rồi sinh thằng bé này.
          - Thế bố nó là ai? Bà lão hỏi mà nghe trong bụng hồi hộp.
          Người phụ nữ cúi mặt, ngập ngừng:
          - Thân phận con... làm sao biết được.
          Bà già lại lộn tiết: Cha tổ bố nhà “nó”.... có cái loại đàn bà đẻ con ra không biết bố nó là ai. Thật chả ra cái giống người!
          Bà nhìn sang thằng bé. Nó đang giấu mặt vào lòng mẹ. Tự dưng bà thấy có nét gì quen quen. Nhưng trong đầu bà giờ chỉ đậm nét khuôn mặt thân thương dù dị dạng đầu to mắt trố, cặp môi dày xuệch xoạc và cái miệng đầy dãi rớt...
          - Hôm nghe tin anh Sinh mất, con có sang... Nhưng không dám vào- Người phụ nữ nói tiếp... Con chỉ biết đứng ngoài. Thân phận con nhơ nhuốc... vào chỉ làm bẩn mắt mọi người... Nhưng con thấy cách bà đối xử với con như là đối với con người, cách mà anh Sinh đối với con... con không thể quên. Một ngày nên ngãi bà nhỉ.
           Phải rồi... con trai bà mất sau đấy non một tháng. Bà chả nhớ gì vì lúc ấy bà đang tuyệt vọng. Đang lệt bệt say... nào để ý đến ai. Vả lại con bà đã chết rồi..
          - Cùng cực quá mà con phải làm nghề nhơ nhuốc. Được gặp bà, thấy hoàn cảnh của bà, được bà thương yêu thì con tỉnh ra. Khổ như bà mà vẫn sống, vẫn cố lo cho con mình. Con còn trẻ, còn khỏe chả nhẽ lại chịu đầu hàng số phận. Vậy là sau đấy con về quê ở trên Tuyên làm ruộng làm nương nuôi mẹ nuôi con. Rồi cũng đủ sống. Vất vả nhưng thanh thản bà ạ. Thằng bé này chưa biết biển. Lúc nào nó cũng hỏi biển là gì hả mẹ. Con cho cháu xuống đây cho nó biết. Định đưa cháu sang bãi nhưng mà con sợ bà ạ. Sợ cái ngày xưa, sợ người quen chèo kéo... rồi con nhớ ra bên này còn có bà. Nên con xuống xe ở đây xin bà cho mẹ con con nghỉ nhờ một đêm rồi sáng mai con cho cháu sang bãi cho nó biết biển. Chiều mai con lại về Tuyên.
          Ôi vậy ra bà đã mừng hụt tưởng là... Cha tổ bố nhà “nó”, biển thì có cái gì mà phải vất vả đầy đọa thằng bé đường xa dặm thẳng. Mà cái thằng bé đến là dễ ngủ... nó đã leo vào lòng mẹ ngủ khì khì. Chắc là cu cậu đi đường mệt. Nhìn mẹ con nó bà lại nhớ về ngày xưa...lúc thằng Sinh còn bé.
          Trong buồng có tiếng gọi “mẹ ơi”. Tiếng gọi trong vắt. Như tiếng thằng Sinh ngày còn bé. Bà lão giật mình định chạy vào buồng... Phải rồi, ngày xưa mỗi khi nó ngủ dậy bao giờ cũng cất tiếng trong vắt gọi “mẹ ơi”. Những lúc như vậy dù bận việc gì bà cũng phải chạy vào ôm lấy con trai nựng nịu: “Ôi thằng giống của mẹ”... Còn bây giờ là tiếng gọi của thằng bé con nhà “nó”. Nhưng tiếng gọi ấy làm bà lão tỉnh hẳn. Tỉnh rồi thì ngẩn ngơ nhìn chai rượu trên tay. Thì làm thêm hớp nữa... hơi men xộc lên mũi làm bà lão suýt chết sặc. Cha tổ bố nhà nó... làm sao thế này. Ngồi định thần một tý rồi bà bước ra sân vươn vai nhìn giời đất. Mọi sự vẫn bình yên. Hôm nay chắc nắng to. Hơi lạnh buổi sáng làm bà rùng mình. Thôi phải vào nhà kẻo nhỡ cảm thì khốn. Ai lo cho.
          Trong nhà hai mẹ con đã chuẩn bị xong. Người phụ nữ đến trước bà: “Con xin cảm ơn bà. Con xin phép bà mẹ con con đi...”
          - Ở lại nấu cơm mà ăn rồi hẵng đi. Cho chắc dạ, cơm hàng cơm quán có đâu ra đâu. Tao dạo này sáng ra chả cơm nước gì. Cứ vài hớp rượu là xong.
          - Thôi con xin phép bà. Bà cố giữ gìn sức khỏe. Mẹ con con đi kẻo nắng...
          Ngần ngừ một tý rồi người phụ nữ cúi mặt, tay phải vuốt vuốt ngón tay trái lấy ra cái nhẫn:
          - Cái này ngày xưa bà cho con. Con đã coi như là kỷ vật quý. Giờ con xin gửi lại để bà dưỡng già.
          Bà già ngạc nhiên: cái nhẫn nửa chỉ ngày xưa. “Nó” vẫn còn giữ. Giời ạ. Thì ra “nó” cũng không đến nỗi nào. Tự dưng bà thấy người đàn bà này đã gắn bó với mình trong suốt quãng thời gian qua dẫu rằng chẳng hề gần nhau. Giá mà mẹ con nó...
          Bà nhìn thằng bé... Bây giờ trời sáng rõ bà mới nhìn kỹ. Bà gặp những nét thân quen của ngày xưa xa lắc... Thằng Sinh... thằng Sinh... ngày còn bé.
          Người phụ nữ cầm lấy tay phải của bà lão, gỡ bàn tay của bà xòe ra đặt cái nhẫn vào lòng bàn tay ấy. Bà lão đờ người đứng như trời trồng.
          - Con chào bà nào... rồi mẹ con mình đi- Người mẹ giục đứa con.
          Thằng bé khoanh tay cúi đầu:
          - Cháu chào bà ạ!
          Lại cái giọng trong vắt của thằng Sinh ngày xưa. Con đã về đấy phải không Sinh. Con đã về với vẹn nguyên hình hài tinh khôi mà mẹ cha đã cho. Có phải Sinh không con?
          Bà rùng mình. Nhìn ra ngõ. Hai mẹ con nhà “nó” đã khuất bóng.
          Linh cảm mách bảo với bà đúng là con thằng Sinh thật rồi. Đúng là cháu bà rồi. Giời ơi! Phúc đức quá. Cháu tôi. Cháu tôi! Như người mộng du, không kịp nghĩ thêm bà hấp tấp chân đất lao ra ngõ.
          Vấp phải hòn đá, bà ngã sóng xoài... Đau quá.... Bà thất thanh “Cháu ơi... Sinh ơi”... Không có tiếng trả lời. Ôi giời.... cha tổ bố nhà nó... đến cái tên của hai mẹ con nó bà cũng chưa biết thì lấy gì mà gọi bây giờ.
          Chợt bà khựng lại. Cái nhẫn đâu rồi? Thôi kệ! Mất thì thôi. Vàng cũng chẳng để làm gì... Phải gọi thằng cháu của bà quay giở lại. Lạy giời lạy Phật cho thằng bé là cháu ruột của con. Rõ ràng thằng bé là cháu ruột của mình. Ông ơi! Sinh ơi! Nhà mình có người nối dõi rồi. Giời còn thương đến. 
 Bà thấy ông Sênh đang dệch miệng cười... thằng Sinh cũng đang dệch miệng cười... chân tay khuều khào nhũn nhão... Cười mà như mếu.
          Bà lão rùng mình: Cháu ư... Thằng bé đang khỏe mạnh đẹp đẽ như thế... nếu là cháu của bà thì... thì đến mười năm tuổi... thì nó sẽ lại bị... Rồi nó lại bị đọa đày như bố nó. Rồi mẹ nó lại khốn khổ như bà. Giời cao đất dày ơi sao ác thế! Ý nghĩ ấy làm bà lão nghẹn thở. Có cái gì bóp nghẹt quả tim, tựa như có hòn đá nặng đè lên lồng ngực già nua. Máu ứ trên mặt...
          Cha tổ bố nhà nó! Sao khổ thế! Bà lão òa khóc nức nở. Rồi bà định thần lại: làm sao thằng Sinh lại có con được cơ chứ. Ý nghĩ ấy làm bà nguôi ngoai đôi chút. Nhưng cái dáng người, khuôn mặt, ánh mắt và nhất là giọng nói của thằng bé vẫn ám ảnh bà. Lạy giời, lạy Phật, lạy Bồ tát cứu khổ cứu nạn. Sinh ra kiếp người mà không cho kiếp người ấy được hạnh phúc là trọng tội. Con có tội! Chỉ vì thương con, ngã lòng một chút... mà con đã làm khổ hai kiếp người. Cầu mong thằng bé không là cháu của con!
          Nhưng nếu nó không là cháu của bà thì sao... Ờ nhỉ, dù thế nào thì nó vẫn đáng thương.... mái nhà này vẫn nên cần với mẹ con nó, thằng bé thích biển yêu biển đến thế cơ mà.
          Quên cái chân đau. Bà tấp tểnh đi tìm thằng Vường. Sực nhớ thằng Vường đã đi xuất khẩu lao động mấy năm nay rồi! Giời ơi lú lẫn hết rồi...Tìm ai bây giờ, nhờ ai bây giờ... bà tất tả chạy như người ngủ mơ, vừa chạy vừa lẩm bẩm:
          - Con cắn rơm cắn cỏ lạy Giời, lạy Phật, lạy Bồ tát cứu khổ cứu nạn. Cầu mong trên ban cho thằng bé không phải là cháu của con. Nếu con phải chết ngay cũng được, chỉ mong ban cho thằng bé không phải là cháu của con...


Đọc thêm!

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

KIẾP NGƯỜI (Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị)

(Tiếp theo)


Một lần sau khi tắm cho thằng Sinh thì thấy thằng Vường hì hì cười:

          - Này thím này... Thằng Sinh nó thích lấy vợ rồi đấy!

          Bà bảo:

          - Cha tổ bố thằng khỉ... cứ đùa. Làm sao mà nó lấy được vợ! Có mà lấy chó...

          Thằng Vường toe toét:

          - Lúc cháu tắm cho cu cậu thấy giống to phết, cứng phết. Cháu mới bảo lấy vợ nhá. Nó cười...

Minh họa truyện "Kiếp người"- Báo Văn Nghệ số 45 ra ngày 8-11-2014
          Bà Sênh giật mình. Chả trách nhiều lần thấy thằng Sinh ngoẹo cổ nhìn xuống bụng ư ử khóc. Ừ nhỉ. Nó cũng là con người. Nó bằng tuổi thằng Vường, năm nay cũng hai nhăm tuổi rồi. Thằng Vường đã có vợ có con. Vậy mà thằng Sinh... chả biết còn được bao lâu nữa. Ôi chao, giá mà nó có con để bà được tý cháu.

          Nhưng chẳng ra người thì nó vẫn là một con người... Con vật cũng còn biết đến sự đực cái. Con bà vẫn còn bản năng giống má. Giá mà có người đàn bà nào chấp nhận nó nhỉ? Có họa điên... Làm gì có đứa nào. Nhưng biết đâu đấy...

          Bà bảo thằng Vường:

          - Mày xem có đám nào giúp nó với.

          Thằng này hô hố cười:

          - Đứa nào chịu lấy nó. May ra chỉ có ca ve...

          Bà Sênh mừng quá:

          - Cô Ve con nhà ai? Ở đâu?

          Thằng Vường rũ ra cười ngặt nghẽo, cười chảy cả nước mắt nước mũi:

          - Ối giời ôi... bà già Khốt ta bít. Làm gì có cô nào tên là Ve. Cháu nói là nói ca ve... là bọn gái làm tiền bên bãi Quất í...

          Câu nói thằng Sinh muốn lấy vợ, thằng Sinh có thể làm đàn ông đeo đẳng trong đầu bà Sênh. Cứ nhìn đến con, bà lại đau đáu cái ý nghĩ giá mà có đứa nào đồng ý... Chả nhẽ nó được sinh ra là một kiếp đàn ông hẳn hoi mà đến chết cũng chẳng thể biết đến đàn bà dẫu chỉ một lần.... Ôi chao sao con tôi thiệt thòi đến vậy. Dạo này trông nó ủ rũ, nhợt nhạt lắm... cả bữa không ép nổi lưng cơm. Linh cảm thấy sự phải đến đang sắp đến... Bà nơm nớp mỗi khi đêm về... ngày mai liệu con có còn được ở.

          Và hôm ấy... cuối làng có đám cúng 49 ngày cho người mới mất. Bà băn khoăn quá... ngày xưa chồng bà mất, các già đến đông đủ cầu nguyện cho vong linh siêu thoát. Giờ nhà người ta có việc, mình cũng phải được câu tụng niệm cho người đã khuất. Đấy là cái nghĩa ăn nết ở với làng với xóm. Nhưng còn vướng cu Sinh.

           Chập tối thằng Vường sang tắm cho Sinh, nó thấy bà băn khoăn thì bảo: Thím hôm nay có đi lễ đám bốn chín thì cứ đi. Để cháu trông thằng Sinh cho.

          Bà mừng quá. “Vậy giúp thím với nhé. Thật may có cháu...”

          Đám lễ xong khá muộn, hiếu chủ lại còn thành tâm mời các già thụ lộc nên gần nửa đêm bà mới về đến nhà. Thằng Vường chặn bà từ đầu ngõ. Nó thì thào:

          - Thằng Sinh nhà mình vậy mà đàn ông phết đấy thím nhá!

          - Cha tổ bố thằng khỉ, có vậy mà cứ nói mãi...

          Thằng Vường giải thích:

          - Không phải chuyện hôm nào đâu. Hôm nay cháu cho nó được làm đàn ông rồi. Tưởng không ra gì vậy mà lại được... Cháu đứng ngoài nghe...Gớm! Cu cậu sướng quá cười hệch hệch như máy nổ.

          Bà lão ngớ người chả hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao: thế nào là làm đàn ông, thế nào là được với không được.

          Thằng Vường bật bưỡng:

          - Cháu cho thằng Sinh biết tý rồi đấy. Lúc thím đi rồi, tắm cho nó xong, cháu phóng xe sang bãi Quất, tha về một đứa. Gớm thoạt đầu con này kêu “eo ơi, kinh”. Suýt cháu cho vài cái tát. Thế là nó khiếp phải vào với thằng Sinh. Vậy mà được. Thế mới hay.

          Đến lúc này thì bà hiểu ra. Giời ơi! Chết con tôi rồi! Như gà mái thấy quạ đang tha gà con... Bà cắm đầu chạy thẳng vào trong buồng. Luống cuống bật đèn. Trên giường, anh cu Sinh hấp háy mở mắt khi đèn sáng. Thấy bà, cậu chàng vội lật người ngoẹo cổ vào phía trong như bị chói đèn nhưng ý chừng vì ngượng. Bà nghe thấy tiếng hệch hệch...

          Bà già nhìn con rồi ôm ngực rũ xuống. Hú hồn! Định thần nhìn lại lần nữa: còn sống! Bà yên tâm bước ra ngoài. Trong tranh tối tranh sáng, bà Sênh nhìn thấy một đứa con gái: cha tổ bố nhà nó... trông gầy như cú rõm, chả ra cái hình hài đàn bà... Bà điên lên:

          - Cha tổ bố thằng khốn nạn. Cha tổ bố con... khốn nạn. Chúng mày định giết con tao à. Chúng mày thử xem nó có ra hồn người không... Xéo! Xéo ngay...

          Con ca ve khiếp quá nước mắt giàn giụa, run lẩy bẩy đứng dúm vào góc nhà. Còn thằng Vường thì hốt hoảng quỳ xuống chắp tay vái lấy vái để:

          - Con lạy thím, con lạy thím, thím đừng nói to... Xong rồi... chả việc gì. Mấy lị tại con thương thằng Sinh. Vài hôm nữa con đi xuất khẩu lao động... Khi về chả chắc còn gặp em... nên... nên... Lạy thím... tha cho con thím nhá.

          Bà lão rưng rưng. Cha tổ bố nhà nó. Chỉ được cái mồm khéo nói! Nghĩ cái tình anh em chúng nó với nhau như vậy cũng thấy ngoai ngoai. Vả lại con mình cũng chẳng việc gì.    

          Bà ra sân đứng. Con bé vẫn nép trong góc nhà. Thằng Vường lại chạy ra:

          - Tối nay thím cho nó ngủ ở đây mai “nó”  bắt xe ôm về bên bãi.

          Bà bảo: mày chở nó về! Thằng Vường nói không được đâu thím ơi. Đàn bà nhà con nó xé con thành trăm mảnh chứ chả chơi. Thôi thím cứ để nó ở đây. Cho chúng nó làm vợ chồng, không phải lăn tăn gì cả. Mà cháu cũng nói thật: chả phải lo gì đâu. Con này cũng dân quê, làm ca ve mà xấu như ma nên ế sưng ế sỉa. Cứ cho nó ở đây. Thím nhá...

          Bà không thèm nói. Nhưng chả nhẽ nửa đêm bắt “con bé” phải đi bộ về. Bà đành ngủ võng, nhường giường cho con ca ve.

          Bà già qua được cơn lo thì càng bực với thằng Vường. Cha tổ bố thằng khốn nạn. Ai khiến nó làm cái việc tầy giời này. Ngộ nếu chẳng may thằng Sinh có làm sao thì tội ấy ai chịu. Con ca ve thấy bà cáu kỉnh thì im thin thít.

           Đêm ấy cũng như đêm nay... cả đêm bà không ngủ được. Nghĩ đi rồi nghĩ lại. Thằng Vường nó thương con bà cũng là thằng đàn ông mà phải chịu thiệt thòi... nên nó mới làm thế. Thôi cũng chẳng thèm trách mắng chửi bới nó làm gì. Nhưng bà không thể tin được cô gái. Biết “nó” là người như thế nào. Bà không sợ bị mất trộm, nhà này thì có gì để mà mất nhưng vẫn lo lo.        

          Sáng sớm bà xuống bếp nấu cơm. Đang lúi húi nhóm bếp thì thấy đứa con gái vừa cuốn tóc vừa đi đến bên bà: “Bà để con làm cho”. Bà dịch sang bên nhường chỗ cho cô gái. Thấy nó cời gio, đưa nắm rạ vào bếp cũng gọn gàng... đúng là con nhà nông. Tự dưng thấy cảm tình. Định hỏi thăm gia cảnh, hỏi thăm vì sao mà phải đi làm nghề khốn nạn này. Nhưng chợt nhớ lời thằng Vường: “Đừng nghe ca ve kể chuyện” nên bà Sênh chỉ ngồi im lặng. Chả gì thì con giai của mình cũng đã chung đụng với “nó”. Một ngày nên ngãi. Nghĩ cái cảnh mua bán mà xót xa... Cha tổ bố nhà “nó”... đời hay thật.

          Lúc sắp cơm lên ăn bà dọn thêm một cái bát một đôi đũa. Thôi thì... cũng bảo nó ăn lưng cơm. Chả nhẽ để nó nhịn đói ra về. Bà gọi: “Mày ơi... vào ăn cơm”. Tiếng cô gái trả lời: “Bà cứ ăn cơm, con còn dở tý ạ”. Rồi bà thấy cô gái lễ mễ bê chậu nước và cái khăn vào trong buồng. Quái con bé này làm cái gì thế nhỉ. Bà ngó vào buồng: “nó” đang vực thằng Sinh dậy, rồi một tay “nó” quàng qua cổ con trai bà, tay kia “nó” đưa cái khăn đã vắt nước lau mặt lau mũi, lau cả những dãi rớt trên miệng trên cằm thằng Sinh. Khuôn mặt thằng Sinh hồng hào hơn. Đôi mắt trố cũng linh hoạt hơn và cái miệng kêu hệch hệch...

          Mắt bà lão nhòa đi... Cha tổ bố nhà “nó”... Giá mà ...

*

*   *

          Bây giờ thì “nó” đang ở trong nhà bà, đang ngủ trên cái giường mà “nó” đã cùng con trai bà... 
(còn tiếp)
Đọc thêm!

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

TẬP TRUYỆN NGẮN: "NỢ NHÂN GIAN" CỦA MAI TIẾN NGHỊ

Mai Tiến Nghị-Liên kết Công ty Văn hóa Đất Việt- đã ra tập truyện ngắn "Nợ Nhân gian" - . Sách gồm 15 truyện ngắn chọn lọc của Mai Tiến Nghị.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Xin liên hệ Công ty Văn hóa Đất Việt (28- ngõ 308 Minh Khai - Hai Bà Trưng- Hà Nội) Đọc thêm!

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

KIẾP NGƯỜI (Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị)

Báo Văn Nghệ (HNV) số 45 (08-11-2014) đã đăng truyện ngắn: KIẾP NGƯỜI của Mai Tiến Nghị. Xin trân trọng giới thiệu với các bạn trong ba kỳ.



Giời với đất dạo này chả ra làm sao. Nhìn bên ngoài thấy sương giăng giăng tưởng là lạnh mà trong nhà thì nóng hầm hập. Đã thế cái võng lại kẽo kẹt kẽo kẹt... điếc cả tai. Sốt ruột, bà Sênh lấy nước đổ vào cái khoẳm võng nhưng cũng chỉ được một lúc là lại kẽo kẹt... Thành thử cứ mơ mơ màng màng như người ốm dở. Khó ngủ... bà lão ngồi dậy: Làm gì bây giờ. Mới hơn ba giờ sáng chứ mấy. Làm gì bây giờ?

          Bần thần một lúc, đầu óc lơ mơ nặng chình chịch. Khéo ốm mất. Vậy phải dậy. Ngáp một cái, vươn vai một cái, bà rời võng lần đến góc nhà. Mắt nhắm mắt mở, quờ tay vớ được cái chai... đây rồi. Bà nâng cái chai lên, giương cặp mắt kèm nhèm nhìn qua ánh sáng vàng vọt bởi cái bóng điện ngoài cửa. Vẫn còn. Làm một hớp “phu phong” cả ngày. Ngửa cổ dốc một hơi... cay nồng, tê tê... Nuốt. Râm ran từ đầu lưỡi đến vòm miệng lan qua cổ họng. Nóng trong ngực, rồi cái cảm giác nóng ấy khơi thông mạch máu lan đến đỉnh đầu, khơi thông cái mạch hỗn độn u tịch trong đầu. À bây giờ thì khá hơn rồi. Cha tổ bố nhà nó... cái giống rượu vậy mà hay thật.

          Đúng vậy! Cái giống rượu vậy mà hay. Nó đã đỡ bà dậy kể từ khi đứa con trai của bà cũng bỏ đi theo bố nó. Khi người ta đưa con bà đi, bà thấy đất giời rỗng rễnh... Chả có gì... cứ trống hoang hoác... vậy từ nay có mình ta trong cái hoang hoác, chống chếnh này... ta còn gì ...chả còn gì, đến cái ảnh của đứa con cũng chả có. Ai chụp ảnh cái thằng người dị dạng. Giời sao ác thế. Nhìn cái bát hương khói nghi ngút... cháy đi cháy đi, nghi ngút đi... rồi mai đây ta cũng chẳng còn chẳng còn ai nhang khói, và cả ta nữa cũng chẳng ai nhang khói...Cha tổ bố nó... Đời vậy mà ác. Bà muốn đập hết đập hết... để cũng chả làm gì. Nhà cửa, bàn ghế, của cải mâm bàn bát đĩa đập ráo. Cho nó tan tành hết. Bà vớ lấy chai rượu trên bàn thờ con giai. Nào đập!... tự dưng bà cảm thấy khát. Ơ hay... sao lại khát? Khát thì uống. Vậy là ngửa cổ tu. Lạy giời... chả biết vì cái thứ nước lạnh của rượu hay vì cái cay mà nóng rát ở cổ. Cái nóng rát chạy vào bụng lại làm cái đầu tự dưng tỉnh táo ra: Ô lạ thế. Sao lại phải thế? Mình đã lo cho con giai những thứ nó cần ở trên cõi đời này rồi. Có đau cũng là sự đã rồi... Bà uống rượu từ ngày ấy.

          Bây giờ trong đầu hiện ra những nỗi lo. Vì những nỗi lo ấy mà bà phải sống. Đến tháng mười này thì ông ấy đã được mười năm, thằng con giai đã được năm năm...dăm năm là được rồi. Cuối năm phải tắm rửa cho hai bố con. Để bố con ông ấy sạch sẽ mồ yên mả đẹp. Để yên tâm. Rồi thì mình còn được ngày nào biết được ngày đó. Cũng bảy mươi rồi còn gì...

          Và còn nỗi lo nữa... “nó” đang trong nhà bà. Đang nằm ngủ trên cái giường mà con bà ngày xưa vẫn nằm. Và không phải chỉ có mình “nó”...

*

*       *

          Bà Sênh vừa bén hơi chồng đã phải xa chồng vì chiến tranh. Hơn mười năm đánh nhau đã biến chồng bà từ một chàng trai khôi ngô thành một ông già hốc hác tiều tụy... khi ông Sênh chiến thắng trở về. Dù sao vẫn hơn những người không trở về. Mừng mừng tủi tủi, họ lao vào nhau cho thỏa khao khát chờ đợi... nhưng cũng ê chề bởi không thể tìm lại cảm giác ngày xưa. Và cả vợ cả chồng chợt nhận ra một chục năm hoang phí... để bây giờ dẫu nồng đượm nhưng vẫn nhợt nhạt, dù thèm khát nhưng cũng chẳng bõ bèn.... Cũng may vì cái sự nhợt nhạt ấy còn có kết quả: Thằng bé Sinh ra đời khi bà đã tuổi ngót bốn mươi...

          Lúc còn bé, Sinh mạnh khỏe, hay ăn mau lớn, học hành sáng dạ. Đi về hai vợ chồng nhìn con mà ngất ngây hạnh phúc. Đó là những ngày đẹp nhất của cuộc đời bà Sênh.

          Nhưng đến khi Sinh mười lăm tuổi thì bắt đầu có chuyện. Tự dưng đi học về thằng bé kêu đau đầu... rồi kêu mắt mờ. Đi kiểm tra người ta bảo di chứng chất độc da cam... Hai ông bà chạy chữa đưa con hết bệnh viện nọ đến bệnh viện kia. Chỉ thấy bệnh nặng thêm... Như là một cái cây đang xanh tốt tự dưng gặp sâu độc làm cho dở sống dở chết quặt quẹo lắt lay. Thằng Sinh đang dậy thì trổ mã đột nhiên biến dạng. Đôi chân teo tóp như cành núc nác khuyều khoào trên giường và mất luôn khả năng đi lại. Còn đôi tay lòng thòng mềm nhũn... không cầm nổi cái thìa xúc cơm. Để bù lại thì cái đầu xù ra to quá khổ với đôi mắt lồi trô trố, cặp môi dày lên, dệch ra... lúc nào cũng dãi rớt lòng thòng nhểu nhểu thành những sợi như sợi tơ. Giọng nói khàn khàn thời kỳ vỡ giọng hóa thành tiếng khào khào như thể tiếng mèo... Tiếng cười ngân dài trong vắt vỡ vụn thành những mảnh rời rạc hệch hệch... Chỉ có tiếng khóc là không biến dạng, vẫn vẹn nguyên âm thanh nức nở. Những lúc ấy nước mắt ròng ròng trên khuôn mặt dị dạng nhòe nhoẹt cùng dãi dớt từ mũi, từ cái mồm méo xệch...

          Ông Sênh trở nên lo lắng buồn bực, mặt mũi lúc nào cũng đờ đẫn đăm chiêu. Mỗi khi nhìn con ông lại ứa nước mắt rồi lại lấm lét nhìn sang bà. Trông ông như người đang cố gắng giấu giếm tội ngoại tình. Bà nhìn cái hình hài méo mó biến dạng từng ngày của con trai mà vừa đau vừa ấm ức: Cha tổ bố nhà nó... chiến tranh với chả đánh nhau. Mà có đánh nhau thì còn người nào thì cũng phải cho ra cái con người... Trèo lên, tụt xuống ê chề, mãi mới có được tý con. Tưởng giời thương rằng bù lại, ai ngờ giời bắt tật nguyền.... Giá mà bà biết nói lời an ủi. Nhưng bà không thể, vì tính bà ăn sóng nói gió bộc tuyệch bộc toạc. Bà cũng chả giấu nỗi khổ của mình. Bà rên rỉ đỉ đau. Tôi đẻ con ra lành lặn tinh khôi có khiếm khuyết gì đâu. Vậy mà thành ra có tội: Tội không che chắn được cho con để nó phải chịu đọa đày. Ô hay... sinh đẻ, nuôi con là cái nhẽ tồn tại ở đời mà thành ra có tội. Giá mà bà chịu thay được cho con để nó lành lặn tử tế. Nhưng điều ấy lại càng không thể.

          Rồi ông ấy “đi”. Cũng đau đầu, cũng kêu mờ mắt, cũng nhũn nhão chân tay. Nhanh lắm... chỉ có mấy ngày.

          Đến lúc ấy bà bàng hoàng... Ông đã khốn khổ mấy chục năm đánh nhau, khốn khổ vì những lúc không vừa lòng bà, lại còn khốn khổ vì nỗi con bệnh tật. Ông đâu có phút nào được thảnh thơi. Hay là giời đổi cái chết sang cho ông để con giai khỏe lại. Nhưng không phải. Ông chết chỉ là sự giải thoát cho riêng mình. Nỗi lo, nỗi đau chung vẫn còn nguyên vẹn... Từ nay mình bà phải gánh gồng chịu đựng. Chịu đựng trong lạnh lẽo đơn chiếc sớm tối mưu sinh và đứa con hình hài dị dạng cần chăm sóc .

          Cũng may có hàng xóm chia sẻ với bà. Họ đi về câu chuyện câu trò làm bà khuây khỏa phần nào. Thằng Vường cũng trạc tuổi Sinh, nó ở cùng ngõ cách hai nhà; thường vài ba ngày một lần nó sang giúp bà tắm rửa cho thằng Sinh. Trước đây việc ấy là của ông Sênh. Nhưng ông mất rồi thì bà không thể làm. Không thể làm vì cu cậu không chịu, cứ lắc đầu nguây nguẩy ra cái vẻ ngượng rồi văng mình xoay lông lốc như bao gạo dăm sáu chục kí lô... sức bà không sao vần nổi. Đã thế nó lại còn khóc lóc. Cha tổ bố nhà nó... Cũng biết ngượng... Tôi còn đẻ ra anh cơ đấy. Từ khi được thằng Vường giúp thì bà cũng tạm yên tâm.

          Một lần sau khi tắm cho thằng Sinh thì thấy thằng Vường hì hì cười:

          - Này thím này... Thằng Sinh nó thích lấy vợ rồi đấy!

          Bà bảo:

          - Cha tổ bố thằng khỉ... cứ đùa. Làm sao mà nó lấy được vợ! Có mà lấy chó...

          Thằng Vường toe toét:

          - Lúc cháu tắm cho cu cậu thấy giống to phết, cứng phết. Cháu mới bảo lấy vợ nhá. Nó cười...

          Bà Sênh giật mình. Chả trách nhiều lần thấy thằng Sinh ngoẹo cổ nhìn xuống bụng ư ử khóc. Ừ nhỉ. Nó cũng là con người. Nó bằng tuổi thằng Vường, năm nay cũng hai nhăm tuổi rồi. Thằng Vường đã có vợ có con. Vậy mà thằng Sinh... chả biết còn được bao lâu nữa. Ôi chao, giá mà nó có con để bà được tý cháu.
Đọc thêm!